AML là gì? Cách tuân thủ chống rửa tiền trong tiền điện tử
Bởi: Đinh Văn Đàm - Đăng ngày: 07/01/2022 - Cập Nhật: 06/06/2022Anti Money Laundering (AML) nghĩa là chống rửa tiền, bao gồm các quy định, luật và thủ tục được ban hành bởi chính phủ hoặc các tổ chức liên quốc gia nhằm phòng và ngăn chặn các tội phạm thực hiện hành vi rửa tiền. Mời bạn cùng Coin568 tìm hiểu chi tiết AML là gì và việc tuân thủ các quy định AML trong thị trường tiền mã hóa có thật sự cần thiết trong bài viết dưới đây!
AML là gì?
AML được viết tắt của cụm từ Anti Money Laundering tức là chống rửa tiền. Thuật ngữ này đề cập đến các quy định, luật và thủ tục được ban hành bởi chính phủ hoặc các tổ chức liên quốc gia nhằm mục đích ngăn chặn tội phạm biến số tiền thu được từ hoạt động bất hợp pháp thành thu nhập hợp pháp.

Tìm hiểu AML là gì?
AML là một trong những tiêu chuẩn mà các tổ chức tài chính (như ngân hàng) phải tuân thủ để giữ an toàn cho khách hàng và chống lại tội phạm tài chính. Quy định AML yêu cầu các tổ chức tài chính giám sát các giao dịch của khách hàng và báo cáo về hoạt động đáng ngờ. Bằng cách này, bọn tội phạm ít có khả năng thực hiện thành công các hành vi rửa tiền bất hợp pháp.
Mỗi quốc gia quy định AML khác nhau, nhưng có cùng chung một nỗ lực toàn cầu trong việc thống nhất các tiêu chuẩn chống rửa tiền. Trong đó, FATF là tổ chức thiết lập với mục đích khuyến khích hợp tác quốc tế đó.
Các luật/quy định về phòng chống rửa tiền của các tổ chức có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới hiện nay gồm:
- Đạo luật Bảo mật Ngân hàng hoa kỳ (BSA)/ Đạo luật Yêu nước Hoa Kỳ.
- Chỉ thị chống rửa tiền lần thứ tư và năm (AMLD4 & AMLD5) sử dụng trong hệ thống tài chính châu Âu.
Để giúp bạn hiểu rõ hơn khái niệm AML là gì, việc một tổ chức tài chính (như ngân hàng, sàn giao dịch…) không tuân thủ AML thì có thể gặp hậu quả gì, mời bạn tìm hiểu thêm khái niệm rửa tiền là gì và tổ chức FATF là gì tại phần tiếp theo.
Rửa tiền là gì?
Rửa tiền (money laundering) là hoạt động tội phạm tìm cách chuyển đổi các khoản tiền hoặc tài sản khác từ bất hợp pháp trở nên hợp pháp. Số tiền bất hợp pháp (tiền bẩn) này thường thu được từ các hoạt động phạm pháp như buôn ma túy, khủng bố và gian lận.
Quy trình một hoạt động rửa tiền thường xảy ra tuần tự theo ba giai đoạn như sau:
- Giai đoạn sắp xếp (placement): Tội phạm tìm cách đưa tiền có nguồn gốc từ hành vi phạm tội vào hệ thống tài chính.
- Giai đoạn phân tán (layering): Nhằm mục đích che giấu nguồn gốc tài sản thì các khoản tiền đã được đưa vào hệ thống tài chính sẽ được chuyển đổi qua lại giữa các tài khoản ngân hàng, các quốc gia, đầu tư dự án, mua bán qua lại… Hiện nay tiền mã hóa được tội phạm lựa chọn nhiều để che giấu nguồn gốc của tiền bẩn.
- Giai đoạn hợp nhất (integration): Các khoản tiền chính thức nhập vào nền kinh tế hợp pháp. Lúc này tội phạm có thể sử dụng cho tất cả các mục đích.
FATF là gì?
FATF (Lực lượng đặc nhiệm Tài chính quốc tế) là một tổ chức quốc tế do F7 thành lập vào năm 1989 nhằm chống lại hoạt động tài trợ cho khủng bố và rửa tiền. FATF thiết lập một bộ tiêu chuẩn AML có tên gọi là “Quy định bổ sung năm 2017 về thẩm định khách hàng”, yêu cầu các chính phủ trên thế giới phải tuân thủ.
Thông qua bộ tiêu chuẩn AML của FATF mà việc chia sẻ thông tin và tiến hành theo dõi các kẻ rửa tiền giữa các quốc gia được thực hiện dễ dàng. Hiện đã có hơn 200 khu vực pháp lý đã cam kết tuân theo tiêu chuẩn FATF. Một vài tiêu chuẩn cụ thể của bộ luật này phải kể đến như:
- FATF khuyến khích các pháp nhân tiến hành xác minh mã nhận dạng khách hàng (KYC).
- Tất cả các hồ sơ của khách hàng bị nghi ngờ phải được lưu giữ trong thời hạn 5 năm. Nếu tổ chức tài chính đó không lưu giữ những hồ sơ này trong thời gian bắt buộc, họ sẽ phải đối mặt với án phạt do luật pháp địa phương quy định.
- Các tài khoản phải thường xuyên giám sát để phát hiện những hoạt động đáng ngờ. Chẳng hạn như dòng tiền vượt quá 10.000 USD được chuyển ra hoặc chuyển vào sẽ tự động bị gắn cờ hoặc báo cáo. Hoặc một hành vi không nhất quán, như việc thực hiện tăng số lần rút tiền từ một tài khoản bình thường hoạt động thấp cũng sẽ bị đưa vào tầm ngắm.
- Nếu có bằng chứng về hoạt động bất hợp pháp, đơn vị tổ chức tài chính đó cần báo cáo và cung cấp bằng chứng cho đơn vị Tình báo tài chính phù hợp.
FATF đề xuất một loạt các biện pháp trừng phạt hiệu quả, bao gồm cả tiền phạt để đối phó với các pháp nhân và pháp nhân có nghĩa vụ không tuân thủ theo các quy định AML của tổ chức.
Các đối tượng mà luật AML nhắm vào
Các đối tượng mà luật AML nhắm vào trên thị trường tài chính nói chung và thị trường tiền mã hóa nói riêng chính là:
- Đối tượng tài trợ khủng bố, tổ chức khủng bố.
- Đối tượng buôn bán hàng hóa bất hợp pháp như ma túy, hàng lậu…
- Đối tượng tổ chức, kinh doanh gian lận tài chính.
- Các tội phạm tài chính khác…
Sự khác biệt giữa KYC và AML
Know Your Customer (KYC) là quy trình mà các tổ chức tài chính phải thực hiện để xác minh danh tích khách hàng của họ thông qua giấy tờ tùy thân. Trong thị trường tiền điện tử thì việc thực hiện KYC là nhiệm vụ bắt buộc người dùng cần thực hiện nếu muốn giao dịch trên các sàn giao dịch tập trung.
Trong khi đó, AML hoạt động ở cấp độ rộng hơn. Nó đề cập đến các biện pháp được tổ chức tài chính và chính phủ sử dụng để điều tra hành vi đáng ngờ. Trong đó, KYC là một phần nhỏ cần thực hiện trong các quy định về chống rửa tiền.
Cách tuân thủ chống rửa tiền AML
Theo Reuters, vào năm 2020, tội phạm đã sử dụng tiền mã hóa để rửa tiền mã hóa với ước tính lên đến 1.3 tỷ USD. Tần suất tội phạm sử dụng tiền mã hóa ngày càng tăng lên. Vào tháng 7/2021, cảnh sát Anh đã thu giữ khoảng 250 triệu USD tiền mã hóa được sử dụng để rửa tiền. Trong cùng tháng, chính quyền Brazil đã thu giữ lên đến 33 triệu USD tiền mã hóa từ hoạt động rửa tiền tinh vi.

Cách tuân thủ AML trong Crypto
Có thể thấy tiền mã hóa quả thực là thị trường hoàn hảo để tội phạm rửa các khoản tiền khổng lồ bởi:
- Các giao dịch trong blockchain là không thể thay đổi. Khi bạn đã gửi tiền qua blockchain, thì bạn không thể được trả lại, trừ khi là chủ sở hữu mới chủ động gửi lại tiền. Do đó mà cảnh sát và các cơ quan quản lý sẽ không thể lấy lại tiền cho bạn.
- Tiền mã hóa cung cấp tính ẩn danh. Điển hình là đồng Monero ưu tiên quyền riêng tư của các giao dịch, bạn sẽ không thể truy vết được bất cứ thông tin gì của người dùng, kể cả địa chỉ ví.
- Việc quản lý và đóng thuế tiền mã hóa vẫn chưa được quy định rõ ràng. Do vậy mà các cơ quan thuế trên toàn cầu vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc đánh thuế các giao dịch crypto. Đây chính là điểm thuận lợi mà tội phạm thừa cơ rửa tiền trong thị trường này.
Hiện nay vẫn chưa có một bộ luật thống nhất về việc chống rửa tiền trên thị trường Crypto. Hàn Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong việc ban hành nhiều quy định về tài sản kỹ thuật số. Vào tháng 3/2020, Quốc hội nước này đã thực hiện sửa đổi luật cho phép giao dịch tài sản số, cụ thể một nhà cung cấp dịch vụ chỉ được phép hoạt động nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Được cấp phép hoạt động.
- Đăng ký tài khoản ngân hàng và được đại diện bằng tên thật (KYC).
- Cung cấp thông tin chi tiết về công ty lẫn tài sản ngân hàng cho Đơn vị Tình báo tài chính.
- Thực hiện đầy đủ các quy trình AML.
Hồi tháng 9/2020, Hàn Quốc đã rút giấy phép tới 35 sàn giao dịch tiền kỹ thuật số không đáp ứng được các quy định trên.
Sàn giao dịch tiền mã hóa để được chính phủ cho phép hoạt động đều phải tuân thủ AML của chính phủ sở tại. Trên thực tế, vẫn có nhiều sàn giao dịch tiền mã hóa đã cố ý hợp tác với các tổ chức tội phạm và không tuân thủ theo các quy trình AML, hậu quả là ngày càng gia tăng tội phạm tài chính, bản thân khách hàng tham gia sàn giao dịch cũng có thể vô tình trở thành nạn nhân hay vô tình tiếp tay cho hoạt động rửa tiền, và sàn giao dịch đó sẽ bị cấm hoạt động.
Hiện nay, việc chấp hành AML chủ yếu đến từ sự chủ động của các sàn giao dịch tập trung (CEX). Binance là sàn giao dịch chủ động triển khai nhiều biện pháp AML để giúp giải quyết vấn nạn rửa tiền. Sàn cũng hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quốc tế trong việc đưa các tổ chức tội phạm internet lớn ra trước công lý. Điển hình như vụ việc Binance đã cung cấp bằng chứng cho các nhà chức trách, góp phần bắt giữ nhiều thành viên của nhóm rửa tiền ransomware Cl0p.
Kết luận
Trong thị trường tiền mã hóa, việc các sàn giao dịch tuân thủ AML nhằm mục đích giữ lại an toàn cho khách hàng, tìm tội phạm tài chính và nhận được sự chấp thuận của chính phủ. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận nhiều người yêu thích tiền mã hóa bởi họ đặt niềm tin vào một thị trường có tính ẩn danh cao và phi tập trung. Do đó, việc sử dụng các quy định AML đôi khi được coi là đang đi ngược với bản chất của tiền mã hóa.
Hy vọng thông qua bài viết bạn nắm vững được khái niệm AML là gì trong thị trường tài chính nói chung và thị trường tiền kỹ thuật số nói riêng. Qua đó, hiểu được tầm quan trọng AML và tuân thủ thực hiện các quy định AML theo yêu cầu.

Đinh Văn Đàm tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin trường Đại học Aptech. Hiện tại, Đinh Văn Đàm đang là chuyên gia cố vấn, phụ trách chuyên mục “Thuật Ngữ” tại Coin568. Với 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Blockchain cùng sự am hiểu sâu sắc về thị trường tiền điện tử, tôi sẽ đồng hành và chia sẻ với bạn đọc các thuật ngữ crypto từ cơ bản đến nâng cao.