AMM là gì? Cơ chế hoạt động? Ưu – Nhược điểm của AMM?

Bởi: Đinh Văn Đàm - Đăng ngày: 26/01/2022 - Cập Nhật: 06/06/2022

Nhà tạo lập thị trường (AMM) và sổ đặt hàng (order book) là hai mô hình chính được sử dụng để phát triển sàn giao dịch phi tập trung (DEX). Trong đó, sự góp mặt của AMM là yếu tố chính làm bùng nổ sàn DEX vào năm 2020. AMM đã giải quyết được rất nhiều các vấn đề bất cập mà Orderbook đang gặp phải, điển hình là vấn đề thanh khoản. Vậy cụ thể AMM là gì? Mời bạn cùng Coin568 tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây!

Automated Market Maker (AMM) là gì?

Automated Market Maker (AMM) là công cụ tạo lập thị trường tự động hay nhà tạo lập thị trường tự động. Đây là một giao thức sàn giao dịch phi tập trung (DEX) dựa trên công thức toán học để định giá tài sản. AMM thường gặp ở các sàn Dex như Uniswap, Pancakeswap, Sushiswap, Bancor…

amm la gi

Tìm hiểu AMM là gì?

Cơ chế AMM không xuất hiện order book như sàn giao dịch truyền thống, nghĩa là không có lệnh “Buy” hoặc “Sell” và các nhà giao dịch không cần tìm người khác để bán tiền của họ.

Thay vào đó, các sàn giao dịch phi tập trung sẽ tự động mở ra các nhà tạo lập thị trường tự động (AMM).

  • Các AMM được xây dựng trên smart contract của các public Blockchain. AMM tạo ra các Liquidity Pool (hay còn được gọi là nhóm thanh khoản, Pool thanh khoản hay Bể thanh khoản). Các Pool này hoạt động tự động và ai cũng có thể đóng góp tài sản của mình vào trong Pool.
  • Những người đóng góp tài sản vào Pool được gọi là Liquidity Providers (viết tắt là LP – tức người cung cấp thanh khoản). Cụ thể, LP sẽ thực hiện thêm một cặp thanh khoản (hai token) vào Pool (ví dụ ETH và DAI). Đổi lại, họ sẽ nhận một khoản phí giao dịch nhất định khi giao dịch được phát sinh, thường là 0.3%. Ngoài ra, một số giao thức DEX AMM sẽ tặng thêm đồng token của dự án nhằm khuyến khích họ liên tục cung cấp thanh khoản.
  • Thông qua Liquidity Pool, nhà giao dịch (trader) có thể swap (hoán đổi) hai token với nhau. Ví dụ một Pool gồm ETH/USDT, trader có thể hoán đổi USDT lấy đồng ETH theo một tỷ lệ nhất định – tỷ lệ này được xác định dựa trên công thức toán học.

Mục tiêu của các giao thức DEX AMM là loại bỏ sự can thiệp của bên thứ ba và để mọi thứ hoàn toàn tự động. Khi đó, người mua và bạn có thể tự kết nối với nhau và thực hiện giao dịch theo một giá có sẵn.

Bên cạnh đó, sàn DEX AMM cũng giải quyết được vấn đề thanh khoản bởi bất cứ ai cũng có thể trở thành nhà cung cấp thanh khoản và kiếm được phí từ hoạt động này.

Tại sao AMM lại xuất hiện?

Có thể kể tên hai lý do chính khiến sàn DEX AMM ra đời như sau:

  • Thứ nhất, hỗ trợ giao dịch cả những loại tiền điện tử kém phổ biến

Trên thực tế chỉ có 10% token thuộc loại coin top được giao dịch thường xuyên. 90% token còn lại có khối lượng giao dịch khá thấp. Trong kinh tế học, đây được gọi là “hiện tượng đuôi dài”.

amm

Biểu đồ thể hiện khối lượng coin giao dịch

Nếu nhìn vào biểu đồ bên trên, bạn sẽ thấy phần xanh lá cây luôn được giao dịch thường xuyên với khối lượng rất lớn, đại diện cho những coin top. Lý do các đồng coin này có khối lượng giao dịch lớn là bởi chúng được list trên các sàn giao dịch tập trung (CEX).

Phần màu vàng chính là các token còn lại có khối lượng giao dịch thấp hơn rất nhiều, tuy nhiên chúng lại gồm vô số các token khác nhau. Có thể thấy, mặc dù độ phổ biến của những token này không cao bằng coin top, nhưng vẫn có nhiều người muốn sử dụng nó và có nhu cầu trao đổi, mua bán. Tuy nhiên, nhiều token trong số này lại chưa được các sàn CEX list lên. Sàn DEX AMM ra đời cho phép mọi người dễ dàng trao đổi những token có vốn hóa thấp này.

  • Thứ hai, DEX AMM giải quyết được vấn đề thanh khoản

Trước khi AMM nổi tiếng, các sàn DEX được xây dựng theo cơ chế orderbook trên mạng Ethereum như EtherDelta hoặc 0x gặp phải vấn đề về thanh khoản.

Với các sàn orderbook, khi giao dịch xuất hiện sẽ yêu cầu phí gas và chờ thợ đào xác nhận thông tin để thêm vào blockchain. Tuy nhiên, mạng Ethereum thường xuyên tắc nghẽn, khiến mỗi ngày chỉ có một lượng giao dịch nhỏ được hoàn thành. Bên cạnh đó, để trở thành một nhà cung cấp thanh khoản trên sàn giao dịch orderbook đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Tạo thị trường thường yêu cầu liên tục điều chỉnh các lệnh “buy” và “sell” theo mức giá mới nhất.

Như vậy có thể thấy mỗi order được gửi vừa tốn kém tiền bạc, thời gian, nhiều khi họ còn mất nhiều hơn số tiền họ thu được từ chênh lệch giá mua, bán.

Với sàn DEX AMM, bất cứ ai cũng có thể tham gia cung cấp thanh khoản nhờ quy trình một lần hoàn toàn tự động.

Cơ chế hoạt động của AMM

Các DEX sử dụng orderbook như Binance DEX, các giao dịch diễn ra trực tiếp từ ví của người dùng là các giao dịch ngang hàng (P2P). Nếu bạn muốn bán ETH để lấy DAI trên Binance DEX, sẽ có một người khác muốn mua ETH bằng DAI.

co che hoat dong amm

Cơ chế hoạt động của AMM

Tuy nhiên các AMM DEX lại là giao dịch P2C (Pear to Contract), giao dịch diễn ra giữa người dùng và hợp đồng. Không có sổ lệnh nên không có bất kỳ lệnh “buy” hay “sell” nào trên AMM. Thay vào đó, giá bạn nhận được cho một loại tài sản bạn muốn mua hoặc muốn bán được tính bằng công thức toán học. Nghĩa là AMM hoạt động bằng cách sử dụng một công thức toán học để xác định giá trị của cặp token có trong Liquidity Pool.

Công thức này có thể thay đổi theo từng giao thức DEX AMM. Công thức phổ biến được sử dụng trong các AMM là:

x*y = k

Trong đó:

  • xy là đại diện số lượng của hai mã token được nhà cung cấp thanh khoản thêm vào Pool thanh khoản.
  • k là tích số của x và y – và là hằng số không đổi. Nghĩa là khi số lượng x và y trong Pool thay đổi thì hằng số “k” vẫn luôn cố định.

AMM giống như một robot đứng ra định giá tự động giữa hai loại tài sản cho bạn. Để hiểu rõ hơn cách thức hoạt động cơ bản nhất của một Liquidity Pool, mời bạn theo dõi ví dụ sau:

Nhà cung cấp thanh khoản khởi tạo 1 Pool gồm gặp ETH/DAI trên Uniswap. Giả sử 1 ETH = $450 và 1 DAI = $1. Trong một Pool cần đảm bảo tổng giá trị của 2 loại tài khoản phải luôn bằng nhau. Do đó, nếu khởi tạo 1 Pool gồm 10 ETH thì bạn phải cần thêm vào 4500 DAI.

>> Khi đó tính thanh khoản của Pool này sẽ = 10 * $450 + 4500 * $1 = $9000

AMM hoạt động dựa trên công thức toán học x*y=k, nên x, y, k có giá trị lần lượt như sau:

x 10
y 4500
k 45000

Giả sử như Alice muốn swap lấy ra 1 ETH từ Pool. Sau khi giao dịch hoàn thành, trong Pool sẽ còn 9 ETH, vì hệ số cân bằng “k” không đổi nên sẽ có 5000 DAI trong Pool.

Số lượng DAI Số lượng ETH Hằng số (k=x*y)
Vốn ban đầu 4500 10 45000
Khi lấy 1 ETH 5000 9 45000

Như vậy, khi Alice thực hiện giao dịch, cô ấy đã tăng phần DAI và giảm phần ETH của Pool. Điều này có nghĩa là mỗi khi ETH được mua thì giá ETH sẽ tăng lên. Nguyên nhân là do tổng thanh khoản (k) không đổi và số lượng ETH trong Pool ít hơn.

  • Rõ ràng lúc đầu 1 ETH = 450 DAI
  • Sau khi swap lấy ra 1 ETH thì giá ETH trong Pool lúc này sẽ là (5000/9) = 555,555 DAI.

>> Đây chính là cách mà cơ chế AMM hoạt động giúp điều chỉnh giá phù hợp với nhu cầu thị trường và hoàn toàn tuân theo kinh tế khi đảm bảo được tính khan hiếm luôn đi kèm với giá trị của tài sản trong Pool.

Phương trình x*y = k xác định một hyperbol, hình dạng học tiến tới hai điểm vô cùng và không ở các điểm cực trị của nọ nhưng không bao giờ đạt tới chúng.

amm do thi

Trong AMM, việc rút một loại tiền điện tử sẽ khiến tỷ lệ giữa chúng bị thay đổi, theo đó, giá giữa chúng cũng thay đổi theo. Chỉ cần xuất hiện giao dịch là sẽ đều xảy ra tình trạng trượt giá. Hình dạng hyperbol cho thấy mức trượt giá sẽ thấp với các order nhỏ. Tuy nhiên, với các order lớn, mức trượt giá sẽ tăng theo cấp số nhân.

Vậy chuyện gì xảy ra khi ai đó cố tình muốn mua tất cả ETH trong nhóm ETH/DAI trên Uniswap?

Trên thực tế, việc này là không thể thực hiện. Nguyên nhân là do công thức x*y = k. Nếu x hoặc y bằng 0, nghĩa là không có ETH hoặc DAI trong nhóm. Khi đó, phương trình toán học không còn ý nghĩa. Còn nếu bạn mua ETH với số lượng lớn thì mức trượt giá càng cao.

Để giảm thiểu trượt giá, các giao thức AMM tặng thưởng cho Liquidity Providers các token của dự án hoặc một tài sản có giá trị nhằm khuyến khích họ cung cấp thêm nhiều thanh khoản. Bởi chỉ khi số lượng tài sản trong Pool và tính thanh khoản được tăng lên thì các hoạt động giao dịch sẽ diễn ra dễ dàng hơn.

Ưu – Nhược điểm của AMM

Khi sử dụng các giao thức sàn giao dịch phi tập trung AMM cả nhà giao dịch và nhà cung cấp thanh khoản sẽ nhận được các ưu và nhược điểm cụ thể như sau:

1. Ưu điểm

Với trader: 

  • Giao dịch được thực hiện hoàn toàn tự động, không có sự góp mặt của bên thứ ba. Nguyên nhân là bởi AMM sử dụng công thức toán học dựa trên hợp đồng thông minh, do đó, người dùng sẽ không mất thời gian để chờ khớp lệnh nữa.
  • Giao dịch ẩn danh tuyệt đối và thông tin minh bạch. Tất cả các giao dịch đều được lưu lại trên blockchain. Bạn hoàn toàn có thể truy xuất lại thông tin giao dịch bất cứ lúc nào mà không lo bị thất lạc do mất tài khoản hay sàn giao dịch làm giả thông tin.
  • Khó bị tấn công. Số tiền sau khi giao dịch sẽ được chuyển thẳng về ví của bạn mà không được giữ bởi bất kỳ sàn giao dịch nào. Do đó mà hacker khó có thể chiếm đoạt được tài sản của bạn.
  • Thông tin cá nhân được bảo mật và ẩn danh hoàn toàn. Khi sử dụng DEX AMM bạn sẽ không phải thực hiện xác minh danh tính (KYC). Điều bạn cần làm là chuẩn bị một ví điện tử, sau đó kết nối ví điện tử với sàn là có thể thực hiện giao dịch hoặc cung cấp thanh khoản.
uu diem amm

AMM có tính ẩn danh cao

Với Liquidity Providers:

  • Dễ dàng cung cấp thanh khoản và kiếm được phí nhờ hoạt động này. Bạn chỉ cần kết nối ví với sàn, sau đó chuyển đến phần “Liquidity Provider” và chọn số tiền bạn muốn cam kết cho Pool.

2. Nhược điểm

Với trader: 

  • Trader có thể mua phải scam token trên thị trường

Để tạo một Pool trên các sàn AMM là rất dễ. Lợi dụng ưu thế này mà rất nhiều scam token – là các token có tên giống hoặc “na ná” với real token, khiến người dùng mới dễ bị nhầm lẫn dẫn đến mất tiền vì gửi tiền sai smart contract.

  • Phí giao dịch cao

Hiện nay đa số các AMM đều được triển khai trên Ethereum. Nếu tình trạng tắc nghẽn mạng Ethereum không được giải quyết thì người dùng sẽ phải trả phí giao dịch rất cao và thời gian chờ hoàn thành giao dịch lâu. Các AMM được triển khai trên các blockchain mới có tốc độ giao dịch nhanh và phí giao dịch thấp như Solana, Avalanche, Cardano đang dần hoàn thiện sẽ là sự lựa chọn mới mẻ cho người dùng.

Với Liquidity Providers:

  • Doanh thu Liquidity Providers nhận được chính là phí giao dịch. Phí giao dịch từ các Pool sẽ được chia sẻ dựa trên tỷ trọng tài sản mà họ cung cấp trong Pool. Trong điều kiện số lượng giao dịch mỗi này không đổi thì doanh thu mà LP nhận được sẽ giảm đi nếu có nhiều LP khác tham gia.
  • Tổn thất tạm thời (Impermanent loss). Impermanent loss có thể hiểu đơn giản là tổn thất có thể xảy ra khi so sánh giữa việc bạn hold token và đóng góp vào Pool thanh khoản. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, dù giá của tài sản tăng hay giảm thì khi đóng góp tài sản vào Pool, nhà cung cấp thanh khoản đều phải đối mặt với tình trạng tổn thất tạm thời.

nhuoc diem amm

Kết luận

Nhìn chung, AMM là một trong những cơ chế độc đáo nhất mà DeFi sinh ra, hỗ trợ sự phát triển bùng nổ của sàn giao dịch phi tập trung (DEX). Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu rõ khái niệm AMM là gì cũng như lý giải được lý do vì sao các đồng token của các dự án DEX AMM luôn có sự tăng trưởng vượt trội.

Nếu bạn có muốn trở thành một nhà cung cấp thanh khoản để kiếm được được phí thông qua hoạt động này thì bạn cần nghiên cứu thật kỹ về Impermanent Loss cũng và nên lựa chọn các AMM có khả năng hạn chế sự tổn thất này nhất.

Chúc bạn thành công!