Crypto là gì? Tìm hiểu về Cryptocurrency & thị trường tiền mã hoá

Bởi: Đinh Văn Đàm - Đăng ngày: 30/11/2021 - Cập Nhật: 06/06/2022

Crypto (Cryptocurrency) là đồng tiền mã hoá có giá trị giống như các loại tiền tệ Fiat, nhưng được giao dịch chủ yếu trên Internet với hàng loạt các ưu điểm nổi bật như: phí giao dịch thấp, tốc độ giao dịch nhanh, tính bảo mật cao… Vậy cụ thể, Crypto là gì? Có nên đầu tư crypto không? Hãy cùng Coin568 tìm hiểu chi tiết trong bài viết này nhé.

Crypto là gì?

Crypto (viết tắt của từ Cryptocurrency trong tiếng Anh, tên gọi khác là tiền mã hoá) là một loại tài sản kỹ thuật số được thiết kế để trở thành một trung gian trao đổi trên internet. Crypto sử dụng thuật toán mã hoá để bảo mật thông tin giao dịch, kiểm soát việc tạo ra các đơn vị mới và xác minh việc chuyển giao tài sản thông qua công nghệ Blockchain. 

Nhiều người thường gọi là Crypto là tiền ảo. Tuy nhiên, cụm từ này không hoàn toàn chính xác, bởi tiền ảo không có giá trị thực (tiền nạp vào game), còn crypto có thể quy đổi ra tài sản hoặc dùng để trao đổi, mua bán…

crypto la gi

Crypto là gì?

Chính vì được xây dựng trên công nghệ Blockchain và được bảo mật bằng mật mã nên giá trị của Crypto rất khó để giả mạo hoặc gian lận. Ngoài ra, tất cả các giao dịch đều hoàn toàn ẩn danh. Đặc biệt, crypto không chịu sự quản lý của Chính phủ hay bất kỳ tổ chức nào. Một số điểm cộng khi giao dịch tiền mã hoá chính là: tốc độ giao dịch nhanh, chi phí giao dịch thấp, tính bảo mật cao…

Bitcoin chính là crypto đầu tiên được xây dựng trên nền tảng Blockchain. Bên cạnh Bitcoin còn có hàng ngàn các đồng Altcoin khác đang “làm mưa, làm gió” trên thị trường Crypto, Tính đến thời điểm hiện tại (Tháng 11/2021), Bitcoin đang là đồng tiền “quyền lực” nhất, nó có giá trị lên tới 65.000 USD/coin. Ngoài chức năng hỗ trợ người dùng giao dịch, crypto đã và đang trở thành tài sản lưu trữ giá trị và kênh đầu tư tiềm năng cho nhiều người.

Tìm hiểu về cryptocurrency

Để giúp bạn hiểu rõ hơn về cryptocurrency, hãy cùng Coin568 tìm hiểu kỹ về lịch sử hình thành, cơ chế hoạt động và ứng dụng của loại tiền số này:

1. Lịch sử hình thành cryptocurrency

Trước khi đồng tiền mã hóa đầu tiên (Bitcoin) ra đời đã xuất hiện khái niệm về crypto. 

  • Trước Bitcoin

Vào những năm 1980, David Chaum – một nhà mật mã học người Mỹ đã phát minh ra thuật toán “điểm mù” trong nền tảng mã hoá của các website tại thời điểm đó. Công nghệ này cho phép trao đổi thông tin bất di bất dịch giữa các bên. Đây chính là nền móng của công nghệ thanh toán điện tử trong tương lai.

Cuối năm 1980, sau khi đặt chân sang Hà Lan, ông đã thành lập DigiCash – một công ty về lĩnh vực tiền điện tử. Tuy nhiên, DigiCash không phân cấp như Bitcoin mà độc quyền trong việc kiểm soát nguồn cung. Và chỉ 8 năm sau khi thành lập, Digicash đã tuyên bố phá sản.

Số phận cũng lặp lại với nhiều startup nổi tiếng khác khi tham gia lĩnh vực này như: Beenz, Flooz… Nguyên nhân chính là do họ đã quá tin tưởng vào bên trung gian thứ ba khi trao toàn quyền cho bên này điều khiển và thúc đẩy các giao dịch.

tim hieu ve cryptocurrency

Tìm hiểu Cryptocurrency là gì?

Khoảng 15 năm sau, một kỹ sư phần mềm có tên là Wei Dai đã công bố bản sách trắng về B-money – Một kiến ​​trúc tiền kỹ thuật số với đầy đủ tính phức tạp và phân cấp. Tuy nhiên, B-money lại không triển khai như một phương tiện trao đổi.

Cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000 có nhiều trung gian tài chính kỹ thuật số ra đời, đứng đầu trong số đó là PayPal. Tuy nhiên, không có đồng crypto nào thực sự nào xuất hiện cho đến khi Bitcoin ra đời.

  • Bitcoin và sự bùng nổ của crypto hiện đại

Bitcoin xuất hiện lần đầu tiên trong bản Whitepaper được công khai bởi một người (nhóm người) có bút danh Satoshi Nakamoto vào năm 2008. Bitcoin ra đời với mục tiêu trở thành phương tiện thanh toán toàn cầu được sử dụng công khai. 

Vào đầu năm 2009, Satoshi Nakamoto chính thức phát hành Bitcoin ra công chúng. Nhà sáng lập mô tả Bitcoin là một “hệ thống chuyển tiền ngang hàng”, phi tập trung. Nghĩa là Bitcoin không bị kiểm soát bởi bất kỳ bên trung gian nào và có tính bảo mật cực cao. Chỉ sau một thời gian ngắn, Bitcoin nhận được sự ủng hộ nhiệt tình bởi một nhóm người tin tưởng vào công nghệ Blockchain. Mọi người bắt đầu trao đổi và hình thành các nhóm thợ đào khai thác đồng tiền này.

bitcoin - dong tien ma hoa dau tien

Bitcoin (BTC) đồng tiền mã hoá đều tiên ra đời

Đến cuối năm 2010, hàng chục loại Crypto tương tự bắt đầu xuất hiện như Litecoin, XRP…. Các sàn giao dịch Bitcoin công khai đầu tiên cũng xuất hiện vào khoảng thời gian này để đáp ứng nhu cầu trao đổi của mọi người.

WordPress là doanh nghiệp lớn đầu tiên chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin vào năm 2012. Những bên khác khác bao gồm nhà bán lẻ điện tử trực tuyến Newegg.com, Expedia, Microsoft và Tesla cũng lần lượt chấp nhận Bitcoin thanh toán. 

2. Cơ chế hoạt động của crypto

Tiền mã hóa được xây dựng và hoạt động trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (Blockchain). Trong đó, Blockchain chính là một cuốn sổ cái công cộng, lưu trữ toàn bộ các giao dịch. Sổ cái cập nhật thường xuyên và được xác thực bởi mạng lưới hàng triệu máy tính trên toàn cầu.

Nó cho phép các giao dịch chuyển – nhận giữa các bên diễn ra trực tiếp mà không có sự can thiệp của bất kỳ bên thứ ba nào mà vẫn đảm bảo an toàn, chính xác và bảo mật.

co che hoat dong cua crypto

Cách thức hoạt động của crypto có thể được mô tả đơn giản như sau: 

  • Các đồng tiền mã hoá được lưu trữ trong tiền điện tử. Bạn có thể sử dụng chúng để trao đổi từ người này sang người khác thông qua Blockchain. Khi giao dịch, bạn không cần sử dụng tên thật mà chỉ cần một email và bí danh tự đặt. 
  • Nếu đồng crypto sử dụng thuật toán đồng thuận Proof of Work (PoW), các giao dịch sẽ được xác thực bởi thợ đào (Node) – chính là một máy tính. Tất cả máy tính trong mạng lưới đều xử lý và xác nhận giao dịch, máy tính nào có khả năng giải thuật toán nhanh nhất thì sẽ giành được quyền tạo khối mới.
  • Nếu đồng crypto sử dụng thuật toán đồng thuận PoS (Proof of Stake), hệ thống sẽ chọn ra ngẫu nhiên một trình xác thực đứng ra xác minh và lưu trữ dữ liệu.
  • Khi giao dịch của bạn được xác nhận, thông tin giao dịch sẽ được ghi lại và thêm vào chuỗi khối, sau đó chuyển dữ liệu tới máy tính khác. Ngược lại, giao dịch đó sẽ bị hủy bỏ nếu số đông xác nhận giao dịch là gian lận. 
  • Sau khi giao dịch thành công, các thợ đào sẽ nhận được phần thưởng là tiền mã hóa của hệ thống.

3. Đặc điểm cơ bản của crypto

Một đồng cryptocurrency sẽ có các đặc điểm nổi bật như sau:

  • Không tồn tại ở dạng vật lý mà mang tính số hóa: Bạn không thể cầm nắm chúng ở dạng vật lý như tiền giấy.
  • Tính chất phi tập trung: Thông thường các hệ thống ngân hàng sẽ chỉ có một máy chủ tập trung thực hiện lưu trữ dữ liệu. Trong khi đó, tiền mã hóa được phân phối trên mạng lưới blockchain với sự tham gia của hàng ngàn máy tính trên toàn cầu. Do đó, tiền mã hóa sẽ đảm bảo tính chất phi tập trung và không bị một máy chủ nào điều phối.  
  • Mang tính ngang hàng: Người mua và bán trao đổi trực tiếp trên Internet mà không cần thông qua bên trung gian nào. Đó là lý do vì sao giao dịch crypto có tốc độ xử lý nhanh và tiết kiệm chi phí hơn so với giao dịch truyền thống.
dac diem cua crypto

Đặc điểm của đồng crypto

  • Giao dịch không cần dựa trên sự tin cậy: Mỗi giao dịch crypto đều diễn ra tự động trên mạng lưới Blockchain và có sự xác minh của hàng ngàn máy tính. Chỉ cần một giao dịch có dấu hiệu đáng nghi ngờ sẽ không được thực hiện thành công. Do đó, khi thực hiện giao dịch tiền mã hóa bạn không cần nhất thiết phải tin tưởng đối phương. 
  • Mang tính ẩn danh: Khi thực hiện giao dịch crypto trên mạng lưới, bạn không cần cung cấp thông tin cá nhân chính xác.  
  • Có tính bảo mật cao: Mọi crypto khi phân phối đến người dùng đều được mã hóa. Tính mã hóa này đảm bảo quá trình giao dịch của bạn diễn ra tuyệt mật, hạn chế tối đa tình trạng bị hacker xâm nhập và lấy cắp thông tin. 
  • Giao dịch xuyên biên giới: Bạn có thể giao dịch crypto mọi lúc, mọi nơi ở bất kỳ đâu.

4. Ứng dụng của crypto

Crypto ngày càng được phát triển và ứng dụng ở thế giới thực như sau:

  • Mua hàng hóa và thanh toán dịch vụ, tiện ích như: vé máy bay, phòng khách sạn, thời trang, thiết bị máy tính… tại  những quốc gia, cửa hàng chấp nhận nó.
  • Chuyển tiền quốc tế với chi phí cực thấp và tốc độ nhanh. Crypto hướng đến là đồng tiền linh hoạt thay thế cho các dịch vụ ngân hàng hiện nay. 
  • Công cụ đầu tư hiệu quả: Tận dụng tính biến động lớn của tiền mã hóa, bạn có thể trade coin, hold coin hoặc giao dịch hợp đồng tương lai để kiếm lợi nhuận. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nhận được tiền lãi thông qua saving, staking với lãi suất cao hơn tiền gửi ngân hàng.
  • Dùng để lưu trữ tài sản: Bạn có thể yên tâm khi lưu trữ tài sản của mình trên Blockchain. Bởi Blockchain rất khó bị đánh sập và mang tính bảo mật cao.
  • Gây quỹ khởi nghiệp: Các startup công nghệ thường huy động vốn qua các đợt ICO để thu hút đầu tư. Bạn có thể dùng tiền nhàn rỗi để đầu tư vào các dự án này với tư cách là cổ đông. 
  • Giao dịch riêng tư: Crypto cho phép người dùng thực hiện giao dịch ẩn danh, không cần phải giải thích với ngân hàng về việc sử dụng tiền, nguồn tiền và đối tượng chuyển…

Hiện nay, Luật pháp Việt Nam chưa công nhận crypto là đồng tiền hợp pháp. Bạn chỉ có thể mua bán crypto trên các sàn giao dịch mở để đầu tư sinh lời mà không thể dùng để thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ. 

Phân loại crypto

Bạn có thể phân loại crypto theo hai cách như sau: 

1. Coin và Token

  • Coin là một đồng tiền mã hóa được phát hành trên nền tảng Blockchain riêng biệt, ra đời với mục đích giải quyết các vấn đề về thanh toán, bảo mật, phát triển ứng dụng…
  • Token là tài sản kỹ thuật số được phát hành trên Blockchain của các dự án có sẵn.
phan loai crypto

Phân loại crypto

2. Bitcoin và Altcoin

  • Bitcoin là đồng tiền mã hóa đầu tiên trên thế giới. 
  • Altcoin là từ dùng để chỉ tất cả các loại coin hoặc token khác Bitcoin. 

Ưu – nhược điểm của crypto

Ưu điểm lớn nhất của các đồng crypto chính là tính thuận tiện trong giao dịch, thích hợp trở thành một tài sản lưu trữ. Tuy nhiên đồng tiền này vẫn tồn tại một số nhược điểm nhất định. Cụ thể như sau: 

1. Ưu điểm

  • Phí giao dịch thấp: Phí giao dịch của hầu hết crypto đều thấp hơn nhiều so với giao dịch truyền thống. Thậm chí ngày càng có nhiều Blockchain áp dụng công nghệ mới nhằm hướng tới miễn phí giao dịch. 
  • Tốc độ giao dịch nhanh: Nếu thực hiện chuyển tiền Fiat xuyên biên giới bạn sẽ mất rất nhiều thời gian, trong khi giao dịch bằng crypto bạn chỉ mất chưa đầy một phút, chậm nhất là từ 15 – 20 phút mà thôi.  
  • Khắc phục hạn chế của tiền giấy như: không bị lạm phát, mất giá, không thể làm giả… Crypto tránh những rủi ro như mất tiền, rách tiền, bị cướp giật trên đường, cháy tiền…

2. Nhược điểm

  • Chưa được chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu, nhiều quốc gia còn coi tiền mã hóa là bất hợp pháp.
  • Thị giá luôn biến động mạnh, khó đoán.
  • Có thể bị ảnh hưởng bởi an ninh mạng. Nếu lỗi ổ cứng hay dữ liệu bị virus, bạn có thể mất tiền.
  • Có thể dễ bị tội phạm lạm dụng để rửa tiền.

Làm thế nào để sở hữu tiền mã hóa?

Để sở hữu tiền mã hóa các bạn có thể tham gia đào coin hoặc mua bán trực tiếp trên thị trường Crypto:

1. Đào coin

Đào coin là cách cơ bản nhất để bạn có thể sở hữu Crypto. Tuy nhiên không phải tất cả các dự án đều có thể đào coin được giống như Bitcoin hay Ether. Cụ thể là các dự án thực hiện khai thác toàn bộ số lượng coin ngay từ đầu, sau đó phát hành theo từng giai đoạn cụ thể thì bạn không thể đào coin để kiếm tiền mã hóa. 

dao coin

Với các Blockchain có cơ chế đào coin kiếm tiền, để thực hiện  bạn cần có máy tính cấu hình mạnh, mạng internet tốc độ cao. Bên cạnh đó, bạn phải am hiểu kỹ thuật máy tính cũng như mạng lưới tiền mã hóa mình tham gia. 

2. Mua – bán trên thị trường Crypto

Cách này đơn giản hơn việc đào coin rất nhiều. Bạn cần chuẩn bị sẵn tiền pháp định để mua crypto trên các sàn giao dịch Crypto hoặc tham gia các hợp đồng chênh lệch. 

  • Mua bán coin trên các sàn tiền ảo

Bạn cần chọn cho mình một sàn giao dịch tiền ảo uy tín, có khối lượng mua bán lớn và có tính thanh khoản cao. Sàn giao dịch được lựa chọn cần đa dạng các loại tiền cũng như hỗ trợ đa dạng phương thức thanh toán. Sau đó, bạn tạo tài khoản và chuyển tiền vào ví sàn.

Bạn có thể dùng số tiền có trong ví để mua các loại coin chủ chốt như: Bitcoin, Ethereum… hoặc các đồng stablecoin như USDT, USDC, BUSD… Bởi những đồng này thường được dùng để giao dịch với những loại tiền mã hóa ít phổ thông hơn. 

mua ban coin

Khi đã mua được đồng crypto bạn cần, bạn hãy lưu trữ chúng trên các ví tiền mã hóa. Trong trường hợp giao dịch thường xuyên thì bạn có thể lưu trữ luôn trên ví sàn để thuận tiện. 

  • Giao dịch tiền mã hóa thông qua hợp đồng chênh lệch

Hợp đồng chênh lệch (CFD) là một dạng công cụ phái sinh. Hợp đồng này  cho phép bạn dự đoán đúng hướng dịch chuyển lên – xuống mà không cần sở hữu tiền như việc mua trên các sàn giao dịch. 

Bạn có thể mở vị thế mua một loại tiền mã hóa nếu có cơ sở cho rằng nó sẽ tăng. Ngược lại, bạn sẽ mở vị thế bán khống khi phán đoán giá sẽ giảm. Khi sở hữu crypto qua hình thức này, bạn chỉ cần bỏ ra một số vốn nhỏ, sau đó sử dụng đòn bẩy tài chính để bắt đầu tham gia thị trường.

Kinh nghiệm đầu tư crypto thành công

Trong các loại đầu tư thì crypto chính hình thức có độ rủi ro cao nhất. Tuy nhiên, nó cũng là mặt hàng mang lại lợi nhuận lớn và nhanh nhất. Nếu bạn đang có kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực hấp dẫn này, những lời khuyên dưới đây có thể hữu ích và giúp bạn đưa ra những lựa chọn sáng suốt.

  • Nghiên cứu về các sàn giao dịch Crypto uy tín

Hãy dành thời gian để tìm hiểu kỹ lưỡng về các sàn giao dịch tiền mã hóa mà bạn có ý định tham gia. Hiện nay có đến hàng trăm sàn giao dịch nên bạn cần cân nhắc lựa chọn sàn uy tín để tránh “tiền mất tật mang”.

  • Biết cách lưu trữ tiền mã hóa mình sở hữu

Nếu bạn mua tiền mã hóa, bạn phải lưu trữ nó trên một sàn giao dịch hoặc trong một “ví” kỹ thuật số. Có nhiều loại ví tiền điện tử với các đặc điểm, lợi ích và bảo mật riêng. Bạn cần tìm hiểu xem loại nào phù hợp với cách thức đầu tư của mình. Điều này phụ thuộc vào việc bạn đầu tư ngắn hạn, dài hạn hay có thường xuyên giao dịch.

  • Không “cho trứng vào một giỏ” mà cần đa dạng hóa danh mục đầu tư 

Đây chính là kinh nghiệm quan trọng và cũng là chìa khóa then chốt cho tất cả các chiến lược đầu tư, không chỉ riêng crypto. Bạn không nên đặt tất cả “gia tài” của bạn vào Bitcoin, chỉ vì đó là cái tên nổi nhất trên thị trường. Có hàng nghìn lựa chọn và tốt nhất là bạn nên chia nhỏ các khoản đầu tư của mình cho những loại altcoin khác để tránh rủi ro.

  • Luôn sẵn sàng tâm lý cho mọi biến động có thể xảy ra

Thị trường crypto rất dễ biến động nên bạn cần chuẩn bị cho mình tâm lý thật vững vàng để vượt qua mọi “sóng gió”. Nếu bạn không có một “tinh thần thép”, chắc chắn crypto sẽ không phải là sự lựa chọn sáng suốt dành cho bạn. 

Tiền mã hóa đang là xu hướng thịnh hành, nhưng bạn hãy nhớ rằng nó vẫn còn sơ khai. Đầu tư vào bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều có thách thức. Do đó bạn cần chuẩn bị sẵn sàng tinh thần và nghiên cứu thận trọng trước khi “xuống tiền”.

Lời kết

Mặc dù tiền mã hóa chỉ mới phổ biến trong hơn một thập kỷ trở lại đây, nhưng nó đã làm khuynh đảo thị trường tài chính toàn cầu. Chúng ta không thể chắc chắn trong tương lai nó sẽ bùng nổ ra sao, nhưng cũng không ai dám khẳng định crypto sẽ biến mất hoàn toàn. Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã hiểu rõ Crypto là gì và đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn nhất cho bản thân.

Giải đáp câu hỏi về crypto

Có rất nhiều ý kiến trái ngược về việc đầu tư crypto vì nó mang tính chất đầu cơ cao, biến động giá vô cùng lớn, khó lường trước. Đa số chuyên gia tài chính khuyên mọi người cần thận trọng khi tham gia lĩnh vực này.

Ví dụ, Bitcoin chỉ trong vòng 1 năm (2019-2020) đã có thời điểm tăng giá gấp 2 lần. Trong lịch sử giao dịch, có lúc BTC lên mức 68.000 USD nhưng cũng có lúc ở mức 40.000 USD hay thậm chí thấp hơn.

Nếu bạn có ý định đầu tư vào tiền mã hóa, hãy tham khảo những kinh nghiệm mà Coin568 đã tổng hợp phía trên để tránh rủi ro hết mức có thể nhé.

Bạn cần lưu trữ crypto tại các ví lưu trữ sau khi giao dịch. Các ví này sẽ được bảo vệ bằng khóa cá nhân, giúp ngăn việc truy cập không được phép. Bạn có thể lưu trữ tiền kỹ thuật số trên ví nóng hoặc ví lạnh. 

  • Ví nóng: Ví nóng có ưu điểm là sử dụng dễ dàng, phù hợp với những nhà đầu tư lướt sóng và giao dịch nhiều. Ví này yêu cầu kết nối internet để sử dụng và có  tính bảo mật không tốt bằng ví lạnh. Có các loại ví nóng như sau: ví web online, ví sàn, ví phần mềm máy tính...
  • Ví lạnh (hay còn gọi là ví offline): Bạn có thể dùng để lưu trữ coin offline với độ an toàn cao hơn ví nóng. Tuy nhiên khi sử dụng ví này sẽ có chi phí nạp, rút sẽ cao hơn và cách sử dụng cũng phức tạp hơn. Có các loại ví lạnh như sau: ví cứng ( Ví Trezor, Ví Ledger), ví giấy...

Thị trường Crypto là môi trường mà tại đó hoạt động mua bán, giao dịch tiền mã hóa được diễn ra. Các thợ đào sẽ tung tiền mã hóa đã khai thác ra thị trường. Những người không có điều kiện khai thác trực tiếp sẽ giao dịch mua bán trên các sàn giao dịch Crypto.

Thị trường Crypto đang phát triển rất mạnh trong thời gian gần đây, có tới hàng trăm sàn trên khắp thế giới. Nổi bật phải kể đến Binance, Huobi, Coinbase, Bittrex... với khối lượng giao dịch cực lớn mỗi ngày.

5/5 - (1 bình chọn)