Fantom là gì? Thông tin chi tiết về Fantom (FTM coin)

Bởi: Hà Linh - Đăng ngày: 12/07/2022 - Cập Nhật: 27/07/2022

Fantom là blockchain Layer-1 được thiết kế để đảm bảo có tính mở rộng cao, an toàn mà vẫn đảm bảo tính phi tập trung. Fantom ra đời không phải để xóa bỏ Ethereum mà nhằm hỗ trợ Ethereum. Token nội bộ của Fantom là FTM. Vậy Fantom là gì? đồng coin FTM có tiềm năng không? Mời bạn cùng Coin568 tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây!

Fantom là gì?

Fantom là một nền tảng hợp đồng thông minh (smart contract) được thành lập vào năm 2018, cho phép các nhà phát triển xây dựng các tài sản kỹ thuật số, ứng dụng phi tập trung (dApp) hiệu suất cao, có thể mở rộng và tương thích với EVM.

fantom la gi

Fantom giải quyết khả năng mở rộng bằng cách cung cấp cho mỗi dApp một blockchain. Giống như việc mỗi ứng dụng sẽ có một máy tính riêng lẻ để chạy nhưng vẫn có thể tương thích với nhau. Để làm được điều này, dự án đã sử dụng thuật toán đồng thuận Lachesis và một sổ cái phân tán dựa trên Directed Acyclic Graph (DAG).

Có thể thấy về cấu trúc thì Fantom rất giống với Cosmos, Avalanche hay Polkadot. Song điểm khác biệt là với Polkadot bạn sẽ bắt gặp khái niệm Relaychain/Parachain, ở Cosmos là Hub/Zone hay ở Avalanche là Avalanche/Subnet.

Fantom không sử dụng các thuật ngữ tương tự. Thay vào đó họ triển khai một mạng chính được gọi là Opera blockchain. Opera được xây dựng trên cơ chế đồng thuận Lachesis, là môi trường an toàn và nhanh chóng để xây dựng các ứng dụng phi tập trung. Fantom chính thức ra mắt Opera vào tháng 12/2019.

FTM coin là gì?

FTM là token chính thức trên mạng Fantom. FTM được sử dụng để bảo mật mạng thông qua đặt cược, quản trị, thanh toán và trả phí giao dịch.

Hiện tại, FTM có sẵn dưới dạng mã thông báo mainnet gốc, mã thông báo ERC-20 và BEP-2. Tổng cung của FTM là 3,175 tỷ FTM. Trong đó, 2,1 tỷ hiện đang được lưu hành, số còn lại được dành cho phần thưởng đặt cược.

Người sáng lập Fantom

Dự án Fantom được thành lập bởi Tiến sĩ Ahn Byung Ik – ông là nhà khoa học máy tính người Hàn Quốc. Hiện tại, Giám đốc điều hành của nền tảng Fantom là David Richardson – cựu Giám đốc điều hành tại Mid-Ocean Consulting.

nguoi sang lap fantom

Ngoài ra, còn có một số thành viên tiêu biểu trong đội ngũ sáng lập của dự án như sau:

  • Bob Tucker (COO): Bob đã có hơn 25 năm kinh nghiệm quản lý các doanh nghiệp cho các tổ chức tài chính hàng đầu trên thế giới và các nhà quản lý tài sản, bao gồm Bank Austria Creditanstalt, Barclays Capital, Man Investments và ANZ Bank. Gần đây nhất, Bob đã giữ chức vụ Giám đốc quản lý kinh doanh dành cho thị trường toàn cầu và bộ phận cho vay thể chế của Ngân hàng ANZ.
  • Yunsung (CFO): Ông là người có nhiều kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính trước khi tham gia vào dự án ICO Fantom. Yunsung từng giữ vai trò kiểm toán viên cho Natural FNP và TCN Bioscience, và đồng thời cũng là CEO của Food Table.
  • Issac Lee (CIO): Isaac cũng từng giữ chức vụ COO của KRTG – một công ty tư vấn chuyên về tài sản số rất nổi tiếng trên thế giới. Ngoài ra, ông cũng từng là đối tác tại BlockWater.

Công nghệ Fantom sử dụng

Bạn có thể hiểu đơn giản hai công nghệ mà Fantom đang sử dụng là DAG và Lachesis như sau:

1. DAG

Khi nghĩ đến tiền mã hóa, bạn thường nghĩ ngay đến thuật ngữ “blockchain” hoặc “công nghệ sổ cái phân tán”. DAG (Directed Acyclic Graph) không phải là một dạng blockchain nhưng tương đối giống blockchain.

DAG va blockchain

  • Trong blockchain:

Theo định kỳ sẽ có một block mới được thêm vào một block đứng trước nó. Dữ liệu được sắp xếp theo từng khối và chúng được xếp chồng lên nhau block 1 > block 2 > block 3…> block 6 (hình a).

Thông thường sẽ có một khoảng thời gian chờ giữa các điểm. Giống như khi bạn chờ một chuyến tàu ở nhà ga. Tùy thuộc vào kích thước của toa tàu (kích thước block) và số lượng người đợi (giao dịch đang được xử lý) mà bạn sẽ phải chờ từ vài giây đến hàng giờ để giao dịch được xác nhận.

  • Trong DAG:

Dữ liệu được sắp xếp khá giống với một đồ thị (hình b). Để xác nhận giao dịch chỉ cần xác nhận trước đó một khối.

Giả sử như Alice tạo một giao dịch mới (block 2). Để block 2 được thừa nhận thì giao dịch này phải tham chiếu với block 1 đứng sau nó. Nếu chắc chắn rằng block 2 đã đi qua block 1, thì sẽ đi tới block cuối cùng luôn và hoàn thành giao dịch. Nghĩa là người dùng sẽ không phải đợi giao dịch hoàn tất trước khi xử lý giao dịch mới. Và DAG cho phép nhiều giao dịch được xác nhận đồng thời.

cong nghe DAG fantom

DAG được xem là một trong những mô hình rất tiềm năng cho crypto với hiệu suất cao. Chính các validator (hay miner) sẽ không phải cạnh tranh nhau để tìm ra các block mới. Thay vào đó, các node mới sẽ liên tục được bổ sung để các giao dịch được xử lý nhanh hơn.

2. Cơ chế đồng thuận Lachesis

Lachesis là một thuật toán đồng thuận aBFT dựa trên DAG cung cấp năng lượng cho blockchain Fantom. Các nhà phát triển có thể sử dụng Lachesis để xây dựng các ứng dụng ngang hàng mà không phải tạo lớp mạng P2P riêng từ đầu. Lachesis được thiết kế để “cắm” vào các ứng dụng được viết bằng bất cứ ngôn ngữ lập trình nào.

Đặc điểm của cơ chế Lachesis:

  • Không đồng bộ, hỗ trợ đắc lực cho DAG: Thay vì một giao dịch trước khi được chấp thuận phải báo cho toàn bộ các node trên toàn mạng lưới cùng xác nhận, validator chỉ cần thông báo với một node duy nhất là node liền kề.
  • Không có người lãnh đạo (Leaderless). Tại các blockchain Proof of Stake sẽ có người lãnh đạo là người thực hiện xác nhận giao dịch đó có được thực hiện hay không và được nhận phần thưởng nhiều hơn. Tuy nhiên, trên mạng Fantom, tất cả mọi người đều có quyền giống nhau. Nhờ vậy mà khả năng bảo mật được tăng cường hơn và mạng có cơ chế trả thưởng công bằng hơn.
  • Byzantine Fault-Tolerant (BFT): Thuật toán đảm bảo mạng lưới Fantom không bị sập. Giả sử, tại một thời điểm nào đó, cách hacker khiến ⅓ node bị tắt không hoạt động, công nghệ này có thể đảm bảo ⅔ số node còn lại vẫn hoạt động bình thường.
  • Near-Instant Finality là công nghệ xác nhận khối cuối cùng gần như tức thì. Một giao dịch của Fantom chỉ diễn ra trong 1-2 giây.

Fantom có gì nổi bật?

Có thể kể tên hàng loạt các ưu điểm nổi bật của dự án Fantom như sau:

1. Chuyển khoản gần như tức thì

Trên Fantom, validator (hay miner) không cần đợi xác nhận block, thường giao dịch cuối cùng được xác nhận trong vòng 1-2 giây và chi phí chỉ bằng 1/100.

2. Bảo mật cao

Với việc sử dụng cơ chế đồng thuận Lachesis aBFT, Fantom có thể hỗ trợ một lượng lớn các node trong môi trường mã nguồn mở mà không cần cấp phép.

3. Khả năng mở rộng cao

Fantom có thể xử lý hàng nghìn giao dịch mỗi giây và mở rộng đến hàng nghìn node.

fantom co gi noi bat

4. Khả năng tương tác cao

Các blockchain xây dựng các dApp trong hệ sinh thái Fantom cũng được gắn với cơ chế đồng thuận Lachesis. Các blockchain này có thể tương tác qua lại với nhau và được hưởng lợi từ tốc độ và tính bảo mật của Fantom. Thời gian chờ trên Fantom chỉ 1 giây.

5. Thân thiện với nhà phát triển

  • Tương thích với Ethereum: Mạng chính Opera tương thích với máy ảo EVM. Do đó, tất cả các hợp đồng thông minh được viết bằng Solidity hoặc Vyper được biên dịch và triển khai trên Ethereum đều có thể chạy trên Opera Network.
  • Mã nguồn mở: Fantom hoàn toàn là mã nguồn mở. Bất kỳ ai cũng có thể truy cập đọc, kiểm tra và nhận xét.
  • Tích hợp Oracles: Mạng đã tích hợp các nhà cung cấp hàng đầu trong ngành Oracles như Chainlink và Band Protocol giúp nhà phát triển có thể linh hoạt cập nhập nguồn dữ liệu ngoài chuỗi chính xác và nhanh chóng.
  • API mạnh mẽ: Mạng sử dụng các subgraphs lấy từ The Graph và API Web3JS mạnh mẽ hỗ trợ nhà phát triển xây dựng ví (wallet), explorers hoặc các tool data dữ liệu…

Mạng Fantom được bảo mật như thế nào?

Fantom sử dụng cơ chế Lachesis để bảo mật mạng. Mạng không xuất hiện người lãnh đạo đứng ra xử lý giao dịch mà thay vào đó mọi node trong mạng đều có quyền xử lý giao dịch như nhau.

Fantom Lachesis

Nhờ vậy mà Fantom tránh được rủi ro tấn công với chi phí thấp, đồng thời mạng lưới cũng tạo động lực khuyến khích người dùng hoạt động an toàn bằng cơ chế đặt cược token FTM để trở thành Node Validator.

Coin FTM dùng để làm gì?

  • Bảo mật mạng: Để tham gia trở thành một node validator, bạn cần stake tối thiểu 3.175.000 FTM. Nếu không đủ bạn có thể trở thành các staker và khóa số lượng FTM vào các node bạn tin tưởng. Đổi lại, cả node và staker đều được trả thưởng bằng phần thưởng khối và fee.
  • Thanh toán: Người dùng có thể sử dụng mạng lưới Fantom để gửi và thanh toán bằng token FTM với thông lượng cao, chi phí thấp. Trên Fantom, chuyển tiền chỉ mất khoảng 1 giây và chi phí chỉ mất khoảng $0,0000001.
  • Quản trị on-chain: Những ai đang nắm giữ FTM có quyền tham gia vào quá trình bỏ phiếu trước các quyết định cập nhật, thay đổi của nền tảng.
  • Phí mạng: FTM được sử dụng để trả phí giao dịch, phí triển khai hợp đồng thông minh hoặc tạo mạng mới.

Có nên đầu tư vào đồng FTM không?

Ưu điểm

  • Token FTM có tính thanh khoản cao, hiện được niêm yết trên hầu hết các sàn giao dịch.
  • Quỹ đầu tư rất mạnh mẽ như: Kosmos Capital, Blackwater Capital, HyperChain Capital, TCM, Signum Capital và Block VC.
  • Đội ngũ phát triển toàn là những người có nhiều kinh nghiệm và am hiểu trong lĩnh vực công nghệ và tài chính.
  • Vai trò của FTM trong hệ sinh thái cũng rất rõ ràng. Số lượng dApp phát triển trên hệ sinh thái Fantom là rất lớn nên sẽ có nhiều cơ hội cho đồng FTM.

Nhược điểm

  • Giao thức sử dụng kiến trúc DAG cho tốc độ giao dịch nhanh, khả năng mở rộng lớn tuy nhiên lại giảm đi tính phi tập trung.

Kết luận

Qua bài viết này, chúng ta có thể thấy Fantom là nền tảng hoạt động theo công nghệ (DAG) được ra đời nhằm hỗ trợ xây dựng các dApp và giải quyết các vấn đề về mở rộng mạng lưới cũng như tăng tốc độ giao dịch của các blockchain hiện tại.

Trong tương lai nếu như Fantom thu hút được nhiều nhà phát dApp hơn nữa cho nền tảng của mình thì rất có tiềm năng sẽ tạo thành một hệ sinh thái rộng lớn đủ sức cạnh tranh với các blockchain nền tảng như Ethereum, Solana, Polkadot… Tuy nhiên, nếu như Fantom không có những bước tiến đột phá thì nền tảng này cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Trên đây là những chia sẻ về FTM coin, hy vọng đã giúp bạn nắm được những thông tin hữu ích để đưa ra quyết định đầu tư phù hợp. Chúc bạn thành công!