Fomo là gì? Cách đánh bại hiệu ứng Fomo trong trade coin
Bởi: Hidayat Hafied - Đăng ngày: 09/12/2021 - Cập Nhật: 07/06/2022FOMO là hội chứng gây ám ảnh với hầu hết các nhà đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực tiền điện tử. Những người bị chi phối bởi FOMO thường dễ dàng đưa ra quyết định theo đám đông và hầu hết các quyết định đó đều để lại hậu quả nghiêm trọng. Vậy cụ thể Fomo là gì? Fomo gây tác hại như thế nào và làm thế nào để đánh bại Fomo? Hãy cùng Coin568 tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Fomo là gì?
FOMO là viết tắt của cụm từ “Fear Of Missing Out”, dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “hội chứng sợ bỏ lỡ, sợ mất đi cơ hội”. Đây là hội chứng tâm lý biểu thị trạng thái sợ mất đi cơ hội khi đứng ngoài trào lưu của đám đông.
Khái niệm này được mô tả lần đầu tiên vào năm 2000, trong một bài báo có tựa đề “The Journal of Brand Management” của Tiến sĩ Dan Herman. Đến năm 2004, FOMO được Patrick McGinnis đặt ra trong một bài báo trên tạp chí Mỹ có tên là “The Harbus” và thuật ngữ này bắt đầu được biết đến rộng rãi.

Fomo là gì?
Hiệu ứng FOMO khá phổ biến trên mạng xã hội. Có đôi lần bạn cũng bị FOMO khi thấy bạn bè của mình chia sẻ một trải nghiệm hấp dẫn trên trang cá nhân. Khi đó bạn sẽ có cảm giác buồn hoặc hụt hẫng khi thấy cuộc sống của mình có vẻ tệ hơn họ. FOMO trên mạng xã hội khiến bạn cập nhật mạng xã hội liên tục để thể hiện cuộc sống hiện tại của mình.
Trong bối cảnh thị trường tài chính, FOMO chính là nỗi sợ hãi của nhà đầu tư khi bỏ lỡ một cơ hội đầu tư hoặc giao dịch sinh lợi tiềm năng. Cảm giác Fomo đặc biệt phổ biến khi một tài sản tăng giá trị đáng kể trong thời gian ngắn. Điều này có khả năng khiến một cá nhân đưa ra quyết định đầu tư dựa trên cảm xúc (nỗi sợ bỏ lỡ) thay vì logic và lý luận.
Fomo trong coin là gì?
Trong thị trường crypto, Fomo là thuật ngữ trade coin thể hiện nỗi lo sợ khi bỏ lỡ số tiền có thể kiếm được, nếu không mua một đồng coin nào đó càng sớm càng tốt. Fomo khiến nhà đầu tư đưa ra quyết định mà không quan tâm đến giá trị của đồng coin đó hiện tại là bao nhiêu.

Fomo là gì trong thị trường crypto?
Thị trường tiền điện tử là nơi hiệu ứng Fomo thể hiện rõ nét nhất, bởi lẽ giá trị của một đồng coin có thể biến động lên tới vài trăm lần trong một thời gian cực ngắn. Trong khi đó những vấn đề như tin giả, tin xấu luôn có ở khắp nơi. Chính các tin tức này dẫn dắt tư tưởng, làm ảnh hưởng tới nhà đầu tư.
Ví dụ: Bạn thấy mọi người đều “ăn nên làm ra” bằng cách mua bán Bitcoin. Vì vậy bạn cũng mua Bitcoin đầu tư dù không thật sự hiểu nó là gì.
Điều gì gây ra Fomo trên thị trường tiền điện tử?
Nếu tinh ý, bạn sẽ nhận ra Fomo không tự nhiên được sinh ra trên thị trường tiền điện tử. Đa số hiệu ứng Fomo xuất hiện do có sự nhúng tay của các “cá mập ”. Họ là những cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp có nguồn lực tài chính lớn. Cá mập sử dụng nguồn lực tài chính để thực hiện “Pump coin” nhằm đẩy giá đồng coin lên cao.
Sau đó, họ sẽ tìm mọi cách để tuyên truyền về khả năng tăng giá của đồng tiền đó như: thuê người nổi tiếng, seeding vào các group, hội nhóm đầu tư… Mục đích lôi kéo các nhà đầu tư mới tham gia vào cuộc chơi của họ. Sau đó cá mập nhanh chóng “gom hàng” đầu cơ.
Nhìn chung, Fomo xuất hiện trên thị trường tiền điện tử chủ yếu là do các chiến dịch Pump và Dump của “cá mập”, chỉ có một số ít FOMO đến từ yếu tố chính trị.
Tác hại của Fomo
Dễ thấy hiệu ứng Fomo diễn ra hàng ngày trên thị trường tiền điện tử, những người thua trong cuộc chiến tâm lý này thường là nhà đầu tư mới, thậm chí các nhà đầu tư lão luyện cũng khó thoát được. Ngoài ra Fomo cũng gây nhiều tác hại tiêu cực đến cả thị trường crypto. Cụ thể các tác hại của Fomo như sau:
1. Đối với thị trường
Một thị trường tồn tại quá nhiều vấn đề tiêu cực hay dễ bị thao túng thì sẽ bị triệt tiêu dần dần. Bởi nhà đầu tư sẽ không muốn tham gia vào thị trường mà “bong bóng” có thể vỡ bất cứ khi nào. Ví dụ điển hình cho việc Fomo “giết chết” thị trường đó là sự kiện bong bóng Dotcom của cổ phiếu Mỹ gây ra suy thoái kinh tế đầu những năm 2000.
2. Đối với nhà đầu tư
Khi bị cuốn vào hiệu ứng Fomo, nhà đầu tư sẽ đối mặt với một số vấn đề như:
- Bắt đỉnh xả đáy
Hiệu ứng Fomo thường xuất hiện tại thời điểm cao trào của một đợt “làm giá” đồng tiền ảo. Nó đồng nghĩa với nguy cơ nhà đầu tư “mua đỉnh và bán đáy” là cực kỳ cao.
Fomo sẽ tạo ra một vòng lặp liên hoàn cho nhà đầu tư. Khi nhà đầu tư thấy giá coin tăng cao liên tục sẽ có cảm giác nuối tiếc nếu bỏ lỡ đồng tiền. Dẫn đến việc họ mua vào coin tại mức giá gần cao nhất hoặc cao nhất của chu kỳ.
Ngay sau đó khi nhu cầu thị trường hạ nhiệt, giá coin giảm tác động đến tâm lý sợ hãi của nhà đầu tư. Hệ quả là khiến họ quyết định bán ra ở một mức giá thấp, thậm chí là mức đáy của cả chu kỳ.
Fomo khiến nhà đầu tư hoang mang, làm sai lệch quỹ đạo ra quyết định chính xác của mình. Đặc biệt sẽ có tác động mạnh tới nhà đầu tư thiếu kiến thức trên thị trường.
- Mất niềm tin vào thị trường coin
Nhà đầu tư bỏ lỡ quá nhiều cơ hội sinh lời sẽ thua lỗ và hoài nghi về tiềm năng của một thị trường. Thậm chí họ có xu hướng cho rằng nó là một kênh lừa đảo. Họ sẽ không ý thức được việc mình bị Fomo ảnh hưởng và đưa ra quyết sách sai lầm.
Tại sao nhà đầu tư dễ bị Fomo chi phối?
Vậy đâu là nguyên nhân khiến Fomo chi phối hầu hết các quyết định của nhà đầu tư. Thực chất lý do xuất phát FOMO từ các nguyên nhân sau:
- Tâm lý sợ bỏ lỡ, ganh đua
Tâm lý sợ bỏ lỡ là nguyên nhân chủ yếu khiến nhà đầu tư “rơi” vào trạng thái Fomo. Nhà đầu tư sẽ luôn có sự ám ảnh lo mình sẽ bỏ lỡ điều gì đó. Họ sợ khi mình không đưa ra quyết định sẽ bị bạn bè hay đối thủ bỏ lại.
Ví dụ: Một nhà đầu tư đang nắm trong tay một lượng coin nhất định. Vào thời điểm đó giá coin đột nhiên tăng mạnh. Bên cạnh đó có rất nhiều tin tức tích cực và bạn cũng thấy rất nhiều người vẫn đang mua vào. Thay vì bán ra thu lợi, nhà đầu tư tiếp tục dồn tiền để mua vào đồng coin đó. Thậm chí, họ cũng không quyết định bán ra dù đã lãi đúng như kỳ vọng đặt ra.
- Đặt kỳ vọng quá lớn vào thị trường
Fomo hình thành có một phần là do chính nhà đầu tư đặt kỳ vọng quá lớn vào thị trường. Trong khi đó crypto lại là một thị trường đầy biến động, giá các mã coin tăng giảm khó nắm bắt.
- Quá tự tin hoặc thiếu tự tin
Quá tự tin khiến nhà đầu tư thành kẻ chủ quan chỉ tin vào suy đoán của bản thân mà bỏ qua những biến động, dấu hiệu của thị trường. Ngược lại, nếu nhà đầu tư quá tự ti thì lại không có chủ kiến. Chỉ một ngọn cỏ lay cũng có thể tác động tới quyết định của họ.
- Thiếu kiến thức và bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông
Điều này dễ thấy ở các nhà đầu tư mới, họ chỉ mong muốn làm sao thu về lợi nhuận nhanh giống với người đi trước mà bỏ qua việc dành thời gian trau dồi vững kiến thức tài chính.
Nhà đầu tư càng thiếu hiểu biết càng dễ bị vướng vào cạm bẫy FOMO. Bởi khi họ càng dành nhiều thời gian tìm hiểu nghiên cứu, thông tin họ nhận được càng nhiễu loạn, khiến họ không biết tin vào đâu. Chính tâm lý này khiến họ dễ dàng quyết định theo đám đông.
- Tâm lý muốn chiến thắng lớn
Bạn đã thu được một khoản lợi nhuận “nho nhỏ”. Tâm lý lúc này của bạn là tiếp tục “thừa thắng xông lên” để đạt được khoản lợi nhuận lớn hơn. Bạn tiếp tục tìm kiếm các cơ hội giao dịch mới và rất dễ cuốn vào FOMO.
- Liên tục mất mát khiến bạn mong muốn nhận được chiến thắng
Nhà đầu tư thất bại liên tục sẽ luôn ao ước có được chiến thắng. Những tin tức tốt về thị trường càng khiến họ FOMO theo, bởi họ tin đây là cơ hội tốt để họ “bù lỗ”.
Cách đánh bại Fomo khi đầu tư
Để đánh bại hội chứng Fomo khi tham gia vào thị trường tiền điện tử, các nhà đầu tư cần phải trang bị cho mình đầy đủ kiến thức, biết cách nhận định đồng coin tiềm năng và trên hết là cần kiểm soát được tâm lý. Cụ thể bạn cần:
- Tích lũy kiến thức về thị trường tiền điện tử
Bạn không thể bỏ tiền đầu tư vào một thị trường mà mình không biết gì về nó. Các kiến thức bạn cần trang bị khi tham gia thị trường này bao gồm: các thuật ngữ crypto, kinh nghiệm đầu tư tiền ảo, các phương pháp phân tích thị trường,…
- Biết cách lựa chọn đồng coin tiềm năng
Bạn không nên đưa ra quyết định đầu tư vào một đồng coin nào đó thông qua việc “share kèo” từ một người khác hay các hội nhóm, trong khi bạn không hiểu dự án đó được sinh ra với mục đích gì, công nghệ đằng sau nó là gì…
Bạn cũng cần đặc biệt quan tâm đến nhà sáng lập và đội ngũ phát triển dự án để đánh giá đây có phải là dự án đường dài hay không? Bên cạnh đó, một đồng coin có cộng đồng mạnh và có giá trị trong hệ sinh thái cũng là điểm cộng lớn đáng đầu tư.
- Xây dựng chiến lược đầu tư
Tùy thuộc vào nguồn vốn và thời gian, bạn có thể cân nhắc lựa chọn chiến lược đầu tư hold coin hay trade coin. Trong đó, hold coin sẽ phù hợp với những nhà đầu tư có nguồn vốn nhàn rỗi và bạn hoàn toàn đặt niềm tin vào tiềm năng phát triển của đồng coin trong thời gian dài 1 năm, 2 năm… thậm chí là 10 năm.
Còn trade coin sẽ thích hợp với các nhà đầu tư nắm bắt thị trường nhanh, có kỹ năng phân tích kỹ thuật tốt, các nhà giao dịch scalping, swing trading…
- Xác định đúng thời gian cắt lỗ
Để biết được chính xác thời gian cắt lỗ sẽ phụ thuộc vào kinh nghiệm của bạn trong thị trường tiền điện tử. Rất khó có thể đưa cho bạn một lời khuyên cụ thể là khi nào. Khi thấy thị trường đang đi theo xu hướng tiêu cực, chúng tôi khuyên bạn nên mạnh dạn đặt lệnh cắt lỗ để bảo toàn một phần vốn.
- Học cách kiềm chế cảm xúc
Đây chính là kim chỉ nam để giúp bạn không bị ảnh hưởng trước bất cứ một tin tức nào của thị trường tiền điện tử. Bạn cần hạn chế giao dịch theo tin tức hay sự kiện. Chỉ nên đưa ra quyết định khi bạn đã thật sự dành thời quan sát thị trường và nghiên cứu thật kỹ về nó. Tuyệt đối đừng để cảm xúc ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng của bạn.
Kết luận
Fomo là tâm lý dễ gặp ở hầu hết các nhà đầu tư. Ở một khía cạnh nào đó thì Fomo chính là động lực tốt thúc đẩy nhà đầu tư tiến lên phía trước. Tuy nhiên, nếu không biết cách kiểm soát hội chứng Fomo thì rất dễ thất bại, đặc biệt là trong thị trường tiền điện tử đầy biến động này. Hy vọng thông qua bài viết này, các bạn đã hiểu rõ Fomo là gì và tìm ra được giải pháp khắc phục hội chứng này. Chúc các bạn thành công!

Hidayat Hafied tổt nghiệp cử nhân kinh tế trường Đại học Indonesia, ông có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư tài chính, đặc biệt là crypto.
Hiện Hidayat Hafied đang là chuyên gia cố vấn phụ trách chuyên mục “Kiến thức” – Chia sẻ kinh nghiệm đầu tư crypto và trade coin hiệu quả trên Coin568. Những bài viết của ông đều xuất phát từ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực chiến trong nhiều năm.