Mây Ichimoku là gì? Cách sử dụng chỉ báo Ichimoku hiệu quả

Bởi: Hidayat Hafied - Đăng ngày: 10/01/2022 - Cập Nhật: 09/06/2022

Để tăng độ chính xác khi phân tích kỹ thuật, các trader thường phải kết hợp nhiều chỉ báo với nhau. Nhưng với Ichimoku bạn hoàn toàn có thể sử dụng độc lập mà không cần kết hợp với bất cứ công cụ nào. Bởi chỉ báo này vừa có thể xác định xu hướng, vùng kháng cự/hỗ trợ, vừa cung cấp tín hiệu vào và thoát lệnh chính xác. Hãy cùng Coin568 tìm hiểu xem Ichimoku là gì? Cách cài đặt và sử dụng chỉ báo Ichomoku trong giao dịch crypto như thế nào nhé.

Ichimoku là gì?

Ichimoku tên đầy đủ là Ichimoku Kinko Hyo, là phương pháp phân tích kỹ thuật kết hợp nhiều chỉ báo trong cùng một biểu đồ. Do chứa nhiều dữ liệu hơn các chỉ báo khác, nên Ichimoku đem đến cho trader một bức tranh toàn cảnh về diễn biến giá trên thị trường.

Chỉ báo Ichimoku gồm 5 thành phần, trong đó có 2 thành phần có hình dáng giống đám mây nên chỉ báo này thường được gọi với cái tên Ichimoku Cloud (đám mây ichimoku).

ichimoku la gi

Chỉ báo Ichimoku là gì?

Ichimoku được xem là một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh, khi phân tích bạn không cần phải sử dụng thêm bất kỳ công cụ nào khác. Cụ thể, chỉ báo này mang đến cho trader rất nhiều thông tin quan trọng trong giao dịch như:

  • Xác định xu hướng thị trường.
  • Tìm ra các vùng kháng cự và hỗ trợ tiềm năng.
  • Đo lường động lượng và sức mạnh của xu hướng.
  • Cung cấp tín hiệu vào lệnh, đóng lệnh chính xác.

Lịch sử hình thành Ichimoku Kinko Hyo

Ichimoku Kindko Hyo được phát triển vào cuối những năm 1930 bởi một nhà báo người Nhật có tên là Goichi Hosoda. Ông là tổng biên tập của tờ báo Miyako – tờ báo kinh tế, tài chính lớn nhất Nhật Bản lúc bấy giờ. 

Hosoda sống khá thầm lặng và dành phần lớn thời gian ghi chép, thống kê giá gạo mỗi ngày. Từ đó, ông đã nắm được cách di chuyển và phản ứng của giá tại một số vùng trên biểu đồ. Vùng phản ứng này chính là hỗ trợ và kháng cự. Sau đó, Hosoda đã bắt tay vào nghiên cứu với ý tưởng tạo ra một chỉ báo hoàn chỉnh.

lich su hinh thanh Ichimoku Kinko Hyo

Sau nhiều năm nghiên cứu, mãi đến năm 1960 Hosada mới công bố những phát minh của mình cho công chúng, ông gọi nó là Ichimoku Kinko Hyo – “biểu đồ cân bằng trong nháy mắt.”  Chỉ báo này nhanh chóng tạo được tiếng vang trong giới đầu tư Nhật Bản và Châu Á. Do rào cản về ngôn ngữ nên đến năm 1990 Ichimoku mới thực sự phổ biến ở các nước phương Tây và được sử dụng cho đến ngày nay.

>> Xem thêm: Chỉ báo Parabolic SAR

Các thành phần của chỉ báo Ichimoku Cloud

Hệ thống Ichimoku Kinko Hyo có cấu tạo khá phức tạp, bao gồm 5 đường với vai trò và ý nghĩa khác nhau. 5 đường này kết hợp với nhau sẽ tạo nên một bức tranh Ichimoku tổng thể.

Dưới đây là 5 bộ phận cấu tạo nên Ichimoku Kinko Hyo:

1. Kijun-Sen – Đường cơ sở

Đường cơ sở (Kijun-Sen) màu đỏ được coi là đường trung bình quan trọng nhất trong hệ thống Ichimoku, được tính bằng trung bình động của 26 kỳ.

Kijun-Sen = (Giá cao nhất trong 26 phiên + Giá thấp nhất trong 26 phần)/2

Kijun-Sen được sử dụng như một đường MA dài hạn, các mức kháng cự/ hỗ trợ tạo ra từ Kijun-Sen bền vững hơn so với các thành phần còn lại của Ichimoku. Do đó, dựa vào đường cơ sở này, trader có thể xác định được xu hướng đang diễn ra. Đường Kijun-Sen càng dốc thì lực của xu hướng đang diễn ra càng mạnh.

  • Giá nằm trên đường Kijun-Sen => Xu hướng tăng
  • Giá nằm dưới đường Kijun-Sen => Xu hướng giảm
  • Đường Kijun-Sen đi ngang, thị trường đang trong xu hướng sideway.

Bên cạnh đó, do vẫn mang tính chất của đường trung bình chậm, nên các tín hiệu nhận được từ Kijun-Sen bị trễ hơn so với đường đi của giá.

cac thanh phan cua chi bao ichimoku

2. Tenkan-Sen – Đường tín hiệu 

Đường Tenkan-Sen (màu xanh than trên hình) hay còn gọi là đường tín hiệu, đường chuyển đổi, được tính bằng trung bình động của 9 kỳ.

Tenkan-Sen = (Giá cao nhất trong 9 phiên + Giá thấp nhất trong 9 phiên)/2

Tenkan-Sen sử dụng chu kỳ ngắn hơn nên phản ứng với giá nhanh hơn và đưa ra tín hiệu giao dịch tốt hơn. Trader có thể dựa vào sự giao cắt giữa đường Tenkan-Sen và Kijun-Sen để  tìm thời điểm vào lệnh hợp lý.

  • Nếu giá nằm trên đường Tenkan-Sen => Xu hướng tăng
    Nếu giá nằm dưới đường Tenkan-Sen => Xu hướng giảm.
    Nếu Tenkan-Sen đi ngang, cho biết giá đang đi ngang trong ngắn hạn và có thể sớm đảo chiều.

3. Chikou Span – Đường trễ

Chikou Span (đường màu xanh lá cây) là giá đóng cửa của phiên giao dịch hiện tại lùi về 26 kỳ trước.

Chikou Span = Giá đóng cửa hiện tại, lùi về trước 26 phiên

So sánh vị trí của Chikou Span với đường giá sẽ giúp trader nhận biết được xu hướng đang diễn ra trên thị trường. Khoảng cách giữa Chikou Span và đường giá càng xa thì lực xu hướng càng mạnh.

  • Đường Chikou Span nằm trên đường giá => Xu hướng tăng
  • Đường Chikou Span nằm dưới đường giá => Xu hướng giảm
  • Đường Chikou Span bám sát đường giá => Thị trường đi ngang.

4. Senkou-Span A – Đường dẫn A

Đường dẫn A được tính bằng trung bình cộng của đường Kijun-Sen và Tenkan-Sen, nhưng trên đồ thị các giá trị này được dịch chuyển về phía trước 26 phiên.

Senkou-Span A = (Kijun-Sen + Tenkan-Sen) / 2, tiến về trước 26 phiên

5. Senkou-Span B – Đường dẫn B

Đường dẫn B được tính bằng trung bình cộng của giá cao nhất và thấp nhất trong 52 chu kỳ và cũng dịch về trước 26 chu kỳ.

Senkou-Span B = (High + Low) / 2, chu kỳ 52, tiến về trước 26 phiên

Sự giao cắt giữa đường dẫn A và B sẽ tạo thành một bộ phận có hình dáng giống đám mây, và được gọi là mây Kumo.

  • Nếu đường dẫn A nằm trên đường dẫn B thì mây Kumo sẽ mang màu sắc của đường dẫn A và được gọi là mây Kumo tăng.
  • Nếu đường dẫn B nằm trên đường dẫn A thì mây Kumo sẽ mang màu sắc của đường dẫn B và được gọi là mây Kumo giảm.
  • Phần mây Kumo đi trước giá còn được gọi là mây Kumo tương lai.

may kumo

Dựa vào độ dày của mây Kumo và khoảng cách từ đường giá đến mây Kumo, trader có thể xác định xu hướng thị trường và dự đoán hành vi giá phía sau. Mây Kumo càng dày thì lực của xu hướng hiện tại càng lớn, giá khó breakout khỏi mây Kumo.

  • Nếu giá nằm trên mây Kumo => xu hướng tăng
  • Giá nằm dưới mây Kumo => xu hướng giảm
  • Giá nằm bên trong mây Kumo => xu hướng đi ngang

Ý nghĩa mây Ichimoku

Ichimoku được coi là hệ thống giao dịch hoàn chỉnh, nên khi phân tích kỹ thuật trader không cần kết hợp thêm với các chỉ báo khác. Tuy nhiên, để sử dụng thành thạo công cụ này, nhà đầu tư cần phải nắm được các ý nghĩa quan trọng của chỉ báo Ichimoku sau đây:

1. Nhận biết xu hướng 

Các đường Kijun-Sen, Tenkan-Sen và Chikou Span trong hệ thống Ichimoku chính là công cụ đắc lực giúp trader nhận diện xu hướng đang diễn ra trên thị trường. Nếu giá nằm trên các đường này, thị trường đang trong xu hướng tăng và ngược lại. Ngoài ra, dựa vào độ dày của mây Kumo và khoảng cách từ mây Kumo đến đường giá trader cũng có thể xác định xu hướng như chúng tôi đã giới thiệu ở phần trên.

2. Xác định các mức kháng cự và hỗ trợ

Bên cạnh việc xác định xu hướng, bộ chỉ báo Ichimoku còn giúp trader xác định những mức kháng cự, hỗ trợ quan trọng. Điều đặc biệt là tất cả các thành phần của chỉ báo Ichimoku đều có thể thực hiện chức năng này.

Kijun-Sen

Kijun-Sen là một đường MA chậm, đóng vai trò như một đường kháng cự hoặc hỗ trợ mạnh khi thị trường có xu hướng tăng, giảm rõ ràng.

  • Trong xu hướng tăng, đường Kijun-Sen đóng vai trò như một đường hỗ trợ mạnh.
  • Trong xu hướng giảm, Kijun-Sen đóng vai trò như một đường kháng cự mạnh.

y nghia cua ichimoku

Khi giá cắt Kijun-Sen cũng là lúc sắp có biến động mạnh xảy ra nên trader cần lưu ý khi thực hiện giao dịch tại thời điểm này.

Tenkan-Sen

Tenkan-Sen là một đường MA nhanh nên các mức kháng cự/hỗ trợ tạo ra từ Tenkan-Sen không chuẩn xác bằng Kijun-Sen. Tuy nhiên, các trader có thể kết hợp cả 2 đường Tenkan-Sen và Kijun-Sen để tạo ra các vùng hỗ trợ hoặc kháng cự mạnh (trong trường hợp thị trường đang có xu hướng rõ ràng). Khi giá đi vào vùng này, sẽ bật trở lại để tiếp tục xu hướng cũ.

y nghia cua chi bao ichimoku

Chikou-Span

Đường Chikou-Span cũng là công cụ xác định hỗ trợ và kháng cự rất mạnh mẽ. Bởi các đỉnh và đáy của Chikou-Span chính là đỉnh và đáy của giá trong quá khứ.

  • Trong xu hướng giảm, đáy của Chikou-Span đóng vai trò là một ngưỡng hỗ trợ mạnh. Khi giá đi vào vùng hỗ trợ này sẽ quay đầu lại và bắt đầu xu hướng tăng mới.
  • Trong xu hướng tăng, đỉnh của Chikou-Span chính là một ngưỡng kháng cự mạnh. Khi giá chạm vào ngưỡng kháng cự sẽ quay đầu và bắt đầu xu hướng giảm.

y nghia cua may ichimoku

Mây Kumo

Đỉnh và đáy của Senkou-Span A là những vùng giá quan trọng,  mà giá sẽ có xu hướng phản ứng mạnh tại đó. Do đó, đỉnh và đáy của Senkou-Span A cũng đóng vai trò là hỗ trợ và kháng cự.

y nghia ichimoku

Đường Senkou-Span B có chu kỳ dài hơn so với đường Kijun – Sen, nên tần suất đi ngang cao hơn. Khi đường Senkou-Span B đi ngang nó sẽ đóng vai trò là các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự quan trọng. Thời gian đi ngang càng dài thì lực cản càng mạnh.

Khi thị trường có xu hướng rõ ràng, mây Kumo đóng vai trò như các vùng kháng cự/hỗ trợ quan trọng.

y nghia cua ichimoku cloud

  • Trong xu hướng giảm, giá luôn dịch chuyển phía dưới mây Kumo. Lúc này, mây Kumo đóng vai trò như một vùng kháng cự mạnh. Khi giám chạm vào mây Kumo sẽ quay đầu và tiếp tục xu hướng giảm.
  • Trong xu hướng tăng, giá luôn dịch chuyển bên trên mây Kumo. Trong trường hợp này, mây Kumo như một vùng hỗ trợ, khi giá chạm vào sẽ quay đầu và tiếp tục xu hướng tăng.

Cách cài đặt chỉ báo Ichimoku Cloud

Ichimoku Cloud đã được tích hợp sẵn trên các nền tảng giao dịch. Do đó, trader chỉ cần kích hoạt chỉ báo Ichimoku trên biểu đồ là có thể sử dụng để phân tích. Sau đây là những hướng dẫn cài đặt trên sàn giao dịch Binance:

  • Bước 1: Đăng ký/đăng nhập tài khoản trên Binance
  • Bước 2: Lựa chọn cặp coin/token cần phân tích
  • Bước 3: Chọn biểu đồ. Tại Binance bạn chỉ có thể cài đặt Ichimoku trên tradingview, vì chỉ báo này không có sẵn trên biểu đồ gốc của Binance. 
  • Bước 4: Cài đặt chỉ báo Ichimoku

Vào Tradingview => Lựa chọn biểu tượng chỉ báo kỹ thuật => Gõ tìm kiếm mây Ichimoku => Chọn mây Ichimoku

cai dat chi bao ichimoku

Hướng dẫn sử dụng Ichimoku toàn tập 

Ichimoku là chỉ báo mạnh mẽ, nhưng để sử dụng công cụ này không hề đơn giản. Do vậy, trong phần tiếp theo chúng tôi sẽ hướng dẫn cách sử dụng chỉ báo ichimoku toàn tập từ cơ bản đến nâng cao.

1. Giao dịch khi Tenkan-Sen và Kijun-Sen cắt nhau

Vị trí của 2 đường Tenkan-Sen và Kijun-Sen trên biểu đồ sẽ cung cấp cho trader tín hiệu về xu hướng thị trường hiện tại.

  • Nếu đường Tenkan-Sen nằm trên đường Kijun-Sen => thị trường đang trong xu hướng tăng.
  • Nếu đường Tenkan-Sen nằm dưới đường Kijun-Sen => thị trường đang trong xu hướng giảm.

Khi 2 đường này cắt, trader sẽ vào lệnh như sau:

  • Vào lệnh Buy: Khi đường Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ dưới lên. Để xác suất thành công cao hơn thì điểm giao cắt phải nằm trên mây Kumo và đường Chikou-Span nằm trên đường giá. 
  • Vào lệnh Sell: Khi đường Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ trên xuống. Kết hợp với 2 tín hiệu củng cố xu hướng giảm là điểm giao cắt nằm dưới mây Kumo và đường Chikou-Span nằm dưới đường giá.

Ví dụ 1: Đồng Bitcoin

Đường Kijun-Sen cắt đường Tenkan-Sen và điểm giao cắt nằm trên vùng mây Kumo. Lúc này mây Kumo đóng vai trò như vùng hỗ trợ trong xu hướng tăng. 

cach giao dich voi ichimoku

Thực hiện lệnh Buy:

  • Điểm vào lệnh: Xuất hiện cây nến tăng mạnh phá vỡ vùng đi ngang trước đó. Vào lệnh tại mức giá 45,000
  • Điểm cắt lỗ: Bên dưới vùng hỗ trợ của mây Kumo xung quanh mức giá 44,500.
  • Điểm chốt lời (take profit): Trader có thể đặt tại mức hồi 61.81%-168% của Fibonacci hoặc gồng lãi vì đây là điểm bắt đầu một xu hướng mới nên lợi nhuận trong lâu dài khá tiềm năng. 

Ví dụ 2: Phân tích BTC/USDT khung thời gian H4. 

Ngày 11/5 trên biểu đồ sử dụng Ichimoku xuất hiện dấu hiệu 2 đường Tenkan-Sen và Kijun-Sen cắt nhau theo hướng từ trên xuống. Điểm giao cắt xuất hiện trong vùng đi ngang ngắn hạn của xu hướng tăng trước đó. Trader có thể theo dõi nến tín hiệu và thực hiện lệnh Sell đầu xu hướng giảm rất tiềm năng. 

cach giao dich voi chi bao ichimoku

Thực hiện lệnh. 

  • Điểm vào lệnh: Sau tín hiệu giao cắt tại mức giá 57,000
  • Điểm cắt lỗ: Bên trên vùng hỗ trợ của mây Kumo tại mức 60,000
  • Điểm chốt lời: Fibonacci extension 61.8%-168% và đảm bảo tỷ lệ R:R> 1:3.

2. Giao dịch khi đường Chikou-Span cắt đường giá

Thông qua vị trí của đường Chikou-Span và đường giá, trader có thể xác định xu hướng thị trường và tìm cơ hội giao dịch khi 2 đường này cắt nhau. Tuy nhiên, cần kết hợp với các tín hiệu củng cố xu hướng khác để giao dịch được hiệu quả nhất.

Tín hiệu mua (Buy)

  • Đường Chikou-Span cắt đường giá từ dưới lên.
  • Sau điểm cắt đường Chikou-Span cách xa đường giá.

Tín hiệu bán (Sell)

  • Đường Chikou-Span cắt đường giá từ trên xuống.
  • Sau đó, đường Chikou dịch chuyển ra xa đường giá

Ví dụ: Đồng Bitcoin trên khung thời gian D1. 

cach su dung chi bao ichimoku

Dựa vào biểu đồ trên, trader có thể nhận thấy 2 tín hiệu Buy và 1 tín hiệu Sell rõ ràng khi đường Chikou cắt đường giá. Tuy nhiên, vì đường Chikou-Span thường báo tín hiệu sớm nên khi xảy ra hiện tượng giao cắt, trader cần chờ giá retest để xác nhận lại mức giao cắt và thực hiện lệnh. 

Vào lệnh Buy:

Buy 1 

  • Điểm vào lệnh: tại mức giá 32,000 với nến tín hiệu xanh tăng mạnh
  • Điểm cắt lỗ: Bên dưới vùng tranh chấp giá quan trọng tại 28,000
  • Điểm chốt lời: Tại mức Fibonacci 61.8%-168% và đảm bảo tỷ lệ R

Buy 2: 

  • Điểm vào lệnh: xung quanh vùng tại mức giá 43,000 khi xuất hiện liên tiếp nến tín hiệu tăng mạnh và đều 
  • Điểm cắt lỗ: Bên dưới vùng giá vừa đi ngang 40,000
  • Điểm chốt lời: Tại mức giá đảm bảo Fibonacci retracement đạt 61.8%-168% và tỷ lệ R:R>1:3.

Vào lệnh Sell

Trong trường hợp này, trader thực hiện lệnh Sell ăn theo sóng hồi. Do xuất hiện điểm giao cắt của đường Chikou-Span và đường giá theo hướng từ trên xuống, sau đó Chikou-Span có dấu hiệu dịch chuyển ra xa đường giá nên trader thực hiện lệnh Sell như sau:

  • Điểm vào lệnh: tại mức giá 63,620 sau khi giá thất bại trong việc tạo đỉnh mới cao hơn, báo hiệu đợt giảm điều chỉnh bắt đầu.
  • Điểm cắt lỗ: bên trên đỉnh vừa tạo ra tại mức 69,000
  • Điểm chốt lời: Vì giao dịch ngược xu hướng nên chỉ cần đảm bảo tỷ lệ R:R>1:2 tại những mức giá Fibonacci retracement hồi về, trader có thể đóng lệnh tại mức giá 50,000.

3. Giao dịch khi Senkou-Span A cắt Senkou-Span B

Khi 2 đường dẫn Senkou-Span A và Senkou-Span B (hay mây Kumo đổi màu) cũng là cơ hội tốt để trader vào lệnh mua, bán. Tuy nhiên, trong trường hợp này trader phải dựa vào mây Kumo tương lai chứ không phải mây Kumo hiện tại.

– Thực hiện lệnh Buy:

Trader chỉ thực hiện lệnh Buy khi xu hướng chính là xu hướng tăng. Khi đường Senkou-Span A cắt đường Senkou-Span B theo hướng từ dưới lên, mây Kumo tương lai đổi màu từ đỏ sang xanh. Lúc này trader sẽ vào lệnh Buy như sau:

  • Điểm vào lệnh: Tại cây nến xanh gần khu vực giao cắt giữa đường Senkou-Span A và Senkou-Span B.
  • Điểm cắt lỗ:  Bên dưới vùng giao cắt trùng với hỗ trợ gần nhất.
  • Điểm chốt lời: Chuẩn bị hình thành giao cắt của 2 đường dẫn và hướng xuống hoặc theo tỷ lệ Fibonacci extension 61.8%-168% đảm bảo tỷ lệ R:R.

– Thực hiện lệnh Sell:

Trader chỉ thực hiện lệnh Buy khi xu hướng chính là xu hướng giảm. Khi đường Senkou-Span A cắt đường Senkou-Span B theo hướng từ trên xuống, mây Kumo tương lai đổi màu từ xanh sang đỏ. Lúc này trader sẽ vào lệnh Sell như sau:

  • Điểm vào lệnh: Tại cây nến tín hiệu giảm và trùng với khu vực giao cắt.
  • Điểm cắt lỗ: Bên trên khu vực giao cắt 5-10 pips và trùng với kháng cự quan trọng gần nhất.
  • Điểm chốt lời: Tại các mốc quan trọng của Fibonacci Extension 61.8%-168%

Bên cạnh đó, trader nên theo dõi tín hiệu đường dẫn A cắt đường dẫn B và cho chiều hướng tăng lên chuẩn bị cho đợt tăng điều chỉnh mới hoặc vào vùng đi ngang để đóng lệnh.

Ví dụ: đồng Bitcoin trên khung thời gian H1.

cach su dung ichimoku

Phân tích trên khung thời gian cao hơn như H4 hay D1 đều xác nhận xu hướng chính là xu hướng tăng. Vì vậy trader có thể thực hiện lệnh Buy bằng cách theo dõi đường dẫn A (màu xanh lá cây) cắt đường dẫn B (màu đỏ) theo chiều hướng lên.

Thực hiện giao dịch:

  • Điểm vào lệnh: tại cây nến xanh thứ 2 sau khi break khỏi vùng sideway tại mức giá 57,000.
  • Điểm cắt lỗ: Bên dưới vùng hỗ trợ chính là vùng đi ngang tại mức giá 56,500.
  • Điểm chốt lời: Tại mức giá 60,000 tương ứng Fibonacci 61.8% hoặc 63,700 ứng với mức Fibonacci extension 168%.

4. Giao dịch khi giá breakout khỏi mây Kumo

Giao dịch breakout tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, nên những trader mới không nên áp dụng cách giao dịch này. Còn đối với những trader đã có kinh nghiệm giao dịch breakout trên thị trường, chúng tôi khuyên bạn hãy vào lệnh khi giá retest tại các vùng mây Kumo để xác nhận phá vỡ.

– Tìm kiếm lệnh Buy.

Trader chỉ tìm kiếm lệnh Buy khi xu hướng chính là xu hướng giảm và đã đi được 1 đoạn dài nhưng không có dấu hiệu suy giảm. Khi giá phá vỡ mây Kumo theo hướng từ dưới lên, và giá đóng cửa nằm phía trên mây Kumo. Lúc này trader sẽ vào lệnh Buy.

Tuy nhiên để chắc chắn, trader hãy dựa vào các tín hiệu củng cố xu hướng từ các thành phần còn lại của chỉ báo Ichimoku như chúng tôi hướng dẫn ở trên.

  • Vào lệnh theo cây nến xanh ngay sau breakout.
  • Điểm cắt lỗ: Bên dưới vùng giao cắt của 2 đường dẫn, đám mây Kumo chuyển từ kháng cự thành hỗ trợ.
  • Điểm chốt lời: Theo chiến lược giao dịch của trader đảm bảo tỷ lệ R:R và có thể tham khảo tại các mức giá Fibonacci extension mở tới.

chien luoc giao dich voi may ichimoku

– Tìm kiếm lệnh Sell

Trader tìm kiếm lệnh Sell khi giá phá vỡ mây Kumo theo hướng từ trên xuống và giá đóng cửa nằm phía dưới mây Kumo.

Để chắc chắn, trader có thể kết hợp với các tín hiệu khác để củng cố xu hướng giảm như:

  • Đường Tenkan-Sen cắt đường Kijun-Se từ trên xuống => Tín hiệu lệnh Sell
  • Đường Chikou-Span nằm dưới và cách xa đường giá => Xu hưởng giảm mạnh.

Lúc này trader sẽ vào lệnh Sell như sau:

  • Vào lệnh ngay khi có sự xác nhận của cây nến giảm sau breakout.
  • Điểm cắt lỗ (sop loss) bên trên vùng giao cắt của 2 đường dẫn, đám mây Kumo chuyển từ hỗ trợ thành kháng cự.
  • Điểm chốt lời: Theo chiến lược giao dịch của trader đảm bảo tỷ lệ R:R và có thể tham khảo tại các mức giá Fibonacci extension mở tới.

vi du

5. Cách giao dịch với Ichimoku nâng cao

Mặc dù mỗi thành phần của hệ thống Ichimoku đều có thể sử dụng độc lập. Tuy nhiên, để tăng độ chính xác trader nên phối kết hợp tất cả các thành phần của chỉ báo Ichimoku.

– Thực hiện lệnh Buy:

  • Xu hướng chính là xu hướng tăng.
  • Đường Tekan-Sen cắt Kijun-Sen theo chiều từ dưới lên trên. Điểm giao cắt nằm bên trên mây Kumo. Tín hiệu này giúp xác nhận xu hướng chính đang tăng mạnh mẽ.
  • Đường Chikou-Span nằm trên đường giá và càng cách xa đường giá càng tốt.
  • Đường Senkou-Span A cắt Senkou-Span B từ dưới lên (mây Kumo tương lai đổi màu)

Nếu trader theo dõi và nhìn thấy xuất hiện đủ 4 tín hiệu ở trên  thì có thể vào lệnh Buy ngay. Cách vào lệnh như sau:

  • Điểm vào lệnh tại các điểm giao cắt. Riêng với giao dịch breakout mây Kumo, điểm vào lệnh chính là giá đóng cửa của cây nến xanh breakout.
  • Điểm cắt lỗ (stop loss) tại các mức hỗ trợ quan trọng như:  đường Senkou-Span B đi ngang hoặc đáy của mây Kumo.
  • Điểm chốt lời: Theo Fibonacci extension tại các mức 61.8%-168% và đảm bảo tỷ lệ R:R cho chiến lược giao dịch của mỗi cá nhân.

– Thực hiện lệnh Sell 

  • Xu hướng chính là giảm
  • Đường Tekan-Sen cắt Kijun-Sen theo chiều từ trên xuống dưới. Điểm giao cắt nằm bên dưới mây Kumo, giúp xác nhận xu hướng chính đang giảm mạnh mẽ.
  • Senkou-Span A cắt đường Senkou-Span B từ trên xuống, mây Kumo đổi màu.
  • Đường Chikou-Span nằm dưới đường giá và càng cách xa giá càng tốt.

Nếu trader theo dõi và nhìn thấy những tín hiệu này thì có thể thực hiện lệnh Sell. Cách vào lệnh như sau:

  • Điểm vào lệnh tại các điểm giao cắt, đối với giao dịch breakout điểm vào lệnh chính là giá đóng cửa của cây nến đỏ breakout.
  • Điểm cắt lỗ: Bên trên kháng cự gần nhất trùng hoặc gần với khu vực giao cắt đảm bảo tỷ lệ Stop loss trong giới hạn 2% cho mỗi lệnh.
  • Điểm chốt lời: Theo Fibonacci extension tại các mức 61.8%-168% và đảm bảo tỷ lệ R:R cho chiến lược giao dịch của mỗi cá nhân.

Ví dụ : Phân tích Bitcoin trên khung thời gian H4 thấy có tín hiệu kết hợp bởi tất cả các yếu tố:

ichimoku nang cao

  • Đường Chikou-Span nằm trên đường giá.
  • Tekan-Sen cắt đường Kijun-Sen theo hướng từ dưới lên trên, nằm trên mấy Kumo.
  • Đường dẫn A nằm trên đường dẫn B và cắt nhau theo chiều từ dưới lên. 

Khi này trader có thể thực hiện lệnh Buy:

  • Điểm vào lệnh: tại mức giá 41,200 theo cây nến xanh nằm trên đám mây Kumo.
  • Điểm cắt lỗ: tại mức giá 39,500 dưới cùng hỗ trợ gần nhất.
  • Điểm chốt lợi: tại mức giá 42,500 tại mức Fibonacci 61.8% hoặc mức giá 46,300 trùng với mức Fibonacci extension 168% khi 2 đường dẫn cắt nhau và cho thấy tín hiệu đi ngang.

Một số lưu ý khi sử dụng chỉ báo Ichimoku

Bản thân ichimoku đã là một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh, mà không cần kết hợp thêm bất kỳ công cụ nào khác. Tuy nhiên, hệ thống này chỉ cung cấp thông tin quan trọng cho trader, nhưng việc phân tích chính xác hay không lại phụ thuộc vào kinh nghiệm của mỗi trader.

Sau đây là một số lưu ý khi sử dụng chỉ báo Ichimoku, trader nên tham khảo để nâng cao xác suất thành công cho mình: 

  • Giao dịch break-out với mây Kumo, trader cần chú ý hình dáng mây. Nếu mây dày thì breakout sẽ khó hơn mây mỏng nên rất có thể tín hiệu phá vỡ là giả. Ngoài ra, trader cần theo dõi hành động giá của xu hướng chính trước khi thực hiện giao dịch đảo chiều để tránh tình trạng “đu đỉnh”.
  • Những tín hiệu của hệ thống Ichimoku thường trễ hơn hành động giá. Vì vậy trader nên chờ xuất hiện tín hiệu từ nến tăng hay giảm để tiến hành vào lệnh. 
  • Luôn có chiến lược quản lý và giảm thiểu rủi ro bằng cách đặt stop loss và take profit. Đồng thời hãy thực hành phân tích nhiều lần trước khi áp dụng vào giao dịch với tiền thật.

Kết luận

Trên đây chúng tôi vừa chia sẻ những thông tin quan trọng về Ichimoku – một trong những chỉ báo khó nhất, nhưng cũng là chỉ báo hoàn thiện nhất trong hệ thống chỉ báo phân tích kỹ thuật. Hy vọng thông qua bài viết này, các bạn đã hiểu rõ ichimoku là gì, các thành phần của mây ichimoku và biết cách vận dụng chỉ báo Ichimoku vào trong giao dịch trade coin. Chúc các bạn thành công!