Monero là gì? Dự án Monero (XMR coin) có gì nổi bật?

Bởi: Hà Linh - Đăng ngày: 29/06/2022 - Cập Nhật: 01/07/2022

Bitcoin hay Ethereum là một sổ cái mở minh bạch, nếu có địa chỉ ví thì bất kỳ ai cũng có thể truy dấu và theo dõi các giao dịch. Với Monero thì mọi thông tin về người gửi, người nhận và số tiền mã hóa đều được che đi, đảm bảo tính ẩn danh cho người dùng. Cụ thể Monero là gì? Đồng XMR của dự án có tiềm năng hay không?. Cùng Coin568 tìm hiểu chi tiết về dự án trong bài viết dưới đây!

Monero là gì?

Monero là một blockchain Proof of Work được phân tách từ Bytecoin vào năm 2014. Một dự án cộng đồng mã nguồn mở, được ra đời nhằm giải quyết các vấn đề thiếu sót của mạng lưới Bitcoin:

  • Giao dịch thiếu tính riêng tư: Bitcoin là một blockchain công khai do đó thiếu đi quyền riêng tư trong các giao dịch. 
  • Quá trình khai thác tốn kém: Để khai thác khối trong mạng lưới Bitcoin cần sử dụng phần cứng ASIC chuyên dụng. 
  • Tốc độ giao dịch mạng lưới Bitcoin chậm.
  • Phí giao dịch cao.

monero la gi

Monero có tính phân cấp tương tự như Bitcoin nhưng tập trung mạnh hơn về quyền riêng tư (giấu tên) và khả năng mở rộng. Mạng lưới Monero cho phép người dùng chuyển tiền đảm bảo tính riêng tư, bảo mật và không thể truy vết. Mọi số liệu giao dịch vẫn được ghi nhận trên sổ cái công khai nhưng người quan sát sẽ không thể giải mã được địa chỉ giao dịch, khối lượng giao dịch hay lịch sử giao dịch…

Thông tin chi tiết về đồng XMR coin

XMR (hay Monero coin) là đồng tiền cơ sở của Monero chịu trách nhiệm duy trì tính ổn định của nền tảng.

Thông tin cơ bản về XMR coin:

  • Ticker: XMR
  • Blockchain: Monero
  • Cơ chế đồng thuận: Proof of Work
  • Thuật toán: RandomX
  • Tổng cung: Không có nguồn cung tối đa

Số coin đang lưu hành (T6/2022): 18,129,240.43 XMR

Người sáng lập Monero

Dự án Monero được phát triển bởi nhóm gồm 7 thành viên. Nhiều người đồn rằng Monero được phát minh bởi Satoshi Nakamoto (nhà phát minh ra đồng Bitcoin). Đến nay, mới có ba thành viên trong nhóm phát triển đã được công bố danh tính chính xác là: Francisco “Arctic Mine” Cabañas, Riccardo Spagni và David Latapie. Ngoài ra bốn nhà đồng phát triển chỉ được biết với tên bí danh là: Luigi1111, Smooth, Binaryfate và NoodleDoodle.

nguoi sang lap monero

Đa số các nhà phân tích cho rằng việc Monero ẩn đi danh tính nhà sáng lập nhằm đảm bảo an toàn cho họ.

Dự án Monero có gì nổi bật?

Monero vượt trội về quyền riêng tư, phí giao dịch và thuật toán khai thác:

1. Mức độ ẩn danh gần như hoàn hảo

Monero là blockchain duy nhất mà tất cả mọi người khi sử dụng mạng lưới đều được ẩn danh theo mặc định. Người gửi, người nhận và số tiền của mỗi giao dịch đều được ẩn thông qua việc sử dụng ba công nghệ quan trọng là chữ ký vòng (Ring Signature), địa chỉ ẩn (stealth address) và giao dịch tuyệt mật (ring confidential transaction).

Cụ thể chữ ký vòng sẽ làm xáo trộn địa chỉ của người dùng với một nhóm người dùng khác, dẫn đến khó có thể tìm ra mối liên kết giữa các giao dịch. Địa chỉ ẩn được tạo ra cho mỗi giao dịch khiến không ai có thể biết đến giao dịch ngoại trừ người gửi và người nhận. Cuối cùng, cơ chế vòng giao dịch tuyệt mật giúp ẩn đi số lượng tiền giao dịch.

Vì mọi giao dịch là riêng tư do đó Monero không thể truy vết. Chính điều này làm cho XMR coin trở thành một loại tiền tệ thực sự và có thể thay thế được.

diem noi bat cua monero

2. Tốc độ giao dịch nhanh, chi phí thấp

Mạng lưới Monero trở thành phương tiện thanh toán ở bất kỳ đâu trên thế giới với chi phí thấp, nhanh chóng và an toàn. Cụ thể thời gian xử lý khối của Monero rất nhanh chỉ khoảng 1 phút/1 transaction, chậm nhất là 2 phút/1 transaction. Trong khi đó thời gian xử lý khối của Bitcoin là 10 phút/1 transaction.

Bên cạnh đó, chi phí giao dịch trên mạng lưới Monero không tốn kém. Monero cho phép người dùng lựa chọn 3 tùy chọn tốc độ giao dịch với các mức Tnx fee khác nhau. Nếu bạn muốn giao dịch của mình được thực hiện nhanh hơn, bạn sẽ chịu phí giao dịch cao hơn. Dưới đây là bảng phí giao dịch cập nhật vào ngày 11/02/2021.

  Tnx fee (XMR/BTC) Tnx fee USD
  Monero (thấp nhất) 0,000008 0,002$
  Bitcoin (thấp nhất) 0,000112 6,8755$
  Monero (trung bình) 0,000011 0,0027$
  Bitcoin (trung bình) 0,000350 21,4477$
  Monero (cao nhất) 0,007826 2,0305$
  Bitcoin (cao nhất) 0,001564 95,8404$

Lưu ý: Chi phí giao dịch có thể thay đổi tùy vào từng thời điểm.

3. Kháng ASIC, cơ chế đào bình đẳng

ASIC về cơ bản là những máy tính đặc biệt được tạo ra phù hợp để tham gia vào quá trình khai thác (mining). Trái ngược với các máy tính thông thường được tạo ra cho các mục đích chung. Các thiết bị ASIC rất đắt và ít người có thể mua được, từ đó dẫn đến việc tập trung hóa các thợ đào.

Monero khắc phục vấn đề này bằng cách sử dụng thuật toán PoW có tên là RandomX làm giảm hiệu quả của ASIC. Thuật toán PoW này tạo ra một cộng đồng “Monero miner” bình đẳng bằng cách ưu tiên khai thác CPU, làm suy yếu hiệu quả của GPU và kháng AISC.

monero randomx

Có nghĩa là các thợ đào không thể xây dựng phần cứng chuyên dụng để khai thác Monero. Như vậy bất kỳ ai có máy tính (PC) đều có thể tham gia vào quá trình đào Monero hiệu quả bằng phần cứng dân dụng như CPU trên Windows, Linux, Fedora và Ubuntu.

4. Đảm bảo an toàn

Người dùng thực hiện Monero để giao dịch hoàn toàn có thể tin tưởng tính an toàn của mạng lưới này. Monero trao toàn bộ phần thưởng khối cho các thợ đào, ưu tiên các thợ đào khai thác bằng CPU/GPU. Monero hiện được bảo vệ bởi hàng nghìn thợ đào sử dụng máy tính “thông thường”. Chính điều này dẫn đến việc mạng khó bị tấn công hơn hẳn.

5. Kích thước khối linh hoạt

Bitcoin có kích thước tối đa nên nếu không còn chỗ lưu trữ thì giao dịch của bạn sẽ bị trì hoãn. Vậy bạn muốn giao dịch của mình được thực hiện ngay lập tức thì cần phải tăng phí giao dịch trả cho mạng Bitcoin.

Monero được thiết kế để có giới hạn kích thước khối động thích ứng. Nghĩa là Monero có khả năng tự động mở rộng kích thước của khối để chứa khối lượng cao hơn, hoặc tự động thu hẹp kích thước block nếu khối lượng giao dịch giảm trong tương lai.

6. Sở hữu cộng đồng nhà nghiên cứu lớn mạnh

Dự án Monero đi đầu trong lĩnh vực bảo mật và quyền riêng tư. Kể từ khi ra mắt, dự án đã nhận được sự đóng góp của hơn 500 nhà phát triển trên khắp thế giới.

Mạng Monero được bảo mật như thế nào?

Monero không sử dụng mã nguồn mở của Bitcoin mà sử dụng giao thức đồng thuận PoW riêng biệt là CryptoNote, sau này là CryptoNight và mới đây nhất là RandomX để bảo mật mạng lưới.

Thuật toán của Monero ưu tiên sử dụng CPU khai thác, điều chỉnh liên tục “Mining Difficulty” và điều chỉnh kích thước phù hợp (tăng khả năng mở rộng). Do được lập trình lại từ đầu và khác biệt so với các blockchain khác nên dung lượng của Monero rất tốn kém.

XMR coin dùng để làm gì?

Là một đồng tiền điện tử “lâu năm”, tính ứng dụng của Monero coin được đánh giá tương đối cao. Bạn có thể sử dụng nó cả trong hay ngoài hệ thống blockchain.

Trong blockchain, bạn có thể sử dụng XMR coin với các mục đích:

  • Chi trả chi phí giao dịch chuyển tiền trên nền tảng blockchain.
  • Dùng để làm phần thưởng khối cho các miner khi đóng góp sức mạnh máy đào để xác thực giao dịch.

Ngoài hệ thống, bạn toàn quyền sử dụng XMR để:

  • Đầu tư, mua bán. Các nhà đầu tư mua đi bán lại để ăn chênh lệch dựa vào biến động của đồng XMR. Hoặc đầu cơ tích trữ đợi thời điểm thích hợp.
  • Phương tiện thanh toán cho các sản phẩm, dịch vụ trong đời sống thực tiễn. Hiện có hơn 600 hệ thống cửa hàng, siêu thị và chợ đã chấp nhận đồng XMR thanh toán. Có gần 400 cơ sở chấp nhận đồng XMR để thanh toán cho các dịch vụ mạng trên internet như chạy quảng cáo, mua tên miền, domains, đăng ký VPN hay đặt phòng khách sạn, chi trả cho các hoạt động du lịch, giải trí, gambling…

Có nên đầu tư vào đồng XMR không?

Ưu điểm:

  • XMR có khả năng hoán đổi tương tự tiền mặt. Mọi thông tin giao dịch đồng XMR đều được bảo mật và không ai có thể biết giao dịch XMR của bạn đã từng qua tay ai. Do đó, tính hoán đổi của đồng tiền này cũng tương tự như tiền pháp định.
  • XMR là đồng tiền có tính thanh khoản cao. Hiện XMR coin đang được giao dịch trên hơn 45 sàn giao dịch như Binance, HitBTC, Cryptopia, Poloniex… Trong đó Binance và HitBTC là hai sàn có lượng giao dịch Monero coin cao nhất.
  • XMR ngày càng có tính ứng dụng cao trong thực tế. Ngày càng có nhiều sản phẩm/dịch vụ chấp nhận sử dụng đồng XMR để thanh toán.

uu diem cua dong xmr

Nhược điểm:

  • XMR là đồng coin khó sử dụng. XMR có cả public view key và private view key. Public view key dùng để tạo địa chỉ tạm thời khi số tiền được gửi đến người nhận. Private view key cho phép người nhận scan blockchain để tìm được số tiền được gửi đến.
  • Nhờ tính ẩn danh mạnh mà XMR được sử dụng bởi nhiều hacker hay các giao dịch phạm pháp. Điều này khiến XMR khó được chấp nhận bởi các nhà quản lý. Chính phủ thế giới, đặc biệt là Mỹ cũng đã treo thưởng hàng trăm nghìn đô la cho bất kỳ ai có thể bẻ mã của Monero.
  • XMR không được niêm yết trên sàn coinbase. Mặc dù được niêm yết trên nhiều sàn giao dịch lớn, tuy nhiên hiện nay XMR chưa được coinbase hỗ trợ.
  • Đồng XMR được khai thác bằng cryptojacking chiếm tỷ lệ cao. Cryptojacking là một hành vi xâm hại sử dụng mã độc. Từ đó ngầm chiếm dụng tài nguyên phần cứng phục vụ cho việc khai thác tiền điện tử.

Kết luận

Nhìn chung, Monero là một trong những dự án dẫn đầu xu hướng “coin ẩn danh”. Mạng lưới sở hữu số lượng người dùng đông đảo và đồng XMR cũng ngày càng có tính ứng dụng thực tiễn cao. Tuy nhiên đây cũng là dự án nhận lại góc nhìn không mấy thiện cảm từ các nhà quản lý. Coin568 hy vọng thông qua bài viết bạn đã có góc nhìn tổng quan nhất về dự án và có hướng đầu tư khôn ngoan nhất. Chúc bạn thành công!