Nến Marubozu là gì? Đặc điểm và cách giao dịch với Marubozu

Bởi: Hidayat Hafied - Đăng ngày: 19/03/2022 - Cập Nhật: 07/06/2022

Nến Marubozu cho thấy sự áp đảo của một phe và cung cấp tín hiệu để thực hiện các lệnh giao dịch mua bán tiềm năng. Bên cạnh đó, mẫu hình nến này còn giúp xác nhận các vùng hỗ trợ kháng cự quan trọng. Vậy cụ thể, nến Marubozu là gì? Ý nghĩa và cách giao dịch với mô hình nến Marubozu như thế nào? Tất cả sẽ được Coin568 giải đáp ngay sau đây.

Nến Marubozu là gì?

Nến Marubozu hay còn gọi là nến cường lực vì nó thể hiện sự áp của phe mua hoặc phe bán trong phiên giao dịch. Marubozu còn có nghĩa là “nến trọc” vì nó không có râu hay bóng nến, các mức giá cao nhất/thấp nhất trùng với các mức giá đóng/mở cửa của phiên giao dịch. Hình dáng của nến giống như một hình chữ nhật

nen Marubozu la gi

Nến Marubozu có thể xuất hiện tại bất kỳ giai đoạn nào của xu hướng tăng hoặc giảm mạnh, báo hiệu sự tiếp diễn xu hướng hoặc có thể xuất hiện cuối giai đoạn sideway, báo hiệu thị trường sắp đảo chiều sang một xu hướng mới.

Ngoài xác định xu hướng thì mô hình nến này còn là một yếu tố quan trọng giúp xác nhận các vùng hỗ trợ kháng cự quan trọng trên biểu đồ giá. 

>> Xem thêm: Nến spining top là gì?

Đặc điểm của cây nến Marubozu

Muốn giao dịch thành công với nến Marubozu, trader cần phải nhận diện chính xác mẫu hình nến trên biểu đồ giá. Để nhận diện chính xác các bạn có thể căn cứ vào những đặc điểm sau:

dac diem cua nen Marubozu

  • Phần thân nến khá dài, thông thường thân nến Marubozu sẽ dài hơn ít nhất 5 cây nến trước đó. Mức giá đóng cửa cách xa mức giá mở cửa và có sự biến động giá lớn trong phần thân.
  • Không có phần râu trên và râu dưới hoặc nếu có thì rất ngắn.
  • Marubozu tăng sẽ có giá cao nhất trùng với giá đóng cửa, giá thấp nhất trùng với giá mở cửa. Còn đối với nến Marubozu giảm, giá mở cửa bằng giá cao nhất, giá đóng cửa bằng giá thấp nhất.
  • Phe mua hoàn toàn lấn át thị trường nếu xuất hiện 3 cây nến Marubozu màu xanh liên tiếp và phe bán sẽ nắm quyền kiểm soát nếu xuất hiện 3 cây nến đỏ Marubozu liên tiếp.

Phân loại nến Marubozu và các biến thể

Nến Marubozu sẽ được chia thành 2 loại chính là nến tăng và nến giảm dựa theo màu sắc. Ngoài ra, mỗi loại sẽ những biến thể khác nhau. Cụ thể như sau:

1. Marubozu màu xanh – nến tăng

Mẫu nến này có mức giá đóng cửa cao hơn mức giá mở cửa, cho thấy phe mua hoàn toàn kiểm soát giá trong phiên giao dịch vừa rồi, không có sự lưỡng lự nào xảy ra giữa 2 phe. Mẫu hình nến tăng này sẽ có 3 loại biến thể như sau:

mo hinh nen Marubozu tang

  • Marubozu tăng không có râu nến

Đây là mô hình nến Marubozu căn bản nhất với thân nến dài, không có râu trên và dưới. Điều này cho thấy quyền kiểm soát thị trường hoàn toàn thuộc về phe mua và phe bán không có cơ hội đẩy giá đi xuống.

  • Marubozu tăng có râu dưới

Mẫu hình nến này có phần thân nến dài. Phần trên không có râu nên mức giá đóng cửa trùng với mức giá cao nhất. Phần dưới có râu nhưng thường rất ngắn, cho thấy ban đầu phe bán đã cố gắng đẩy giá xuống một đoạn nhưng ngay sau đó phe mua lập tức kiểm soát tình hình và thành công đẩy giá lên cao.

  • Marubozu tăng có râu trên

Phần thân nến dài, phần dưới không có nên giá mở cửa trùng với mức giá thấp nhất. Râu trên có nhưng thường ngắn cho thấy ban đầu phe mua hoàn toàn chiếm ưu thế, kiểm soát hành động giá. Sau đó phe bán bắt đầu phản kháng đẩy giá xuống và đóng cửa dưới mức giá cao nhất. Tuy nhiên, mẫu hình này vẫn cho thấy lực mua đang rất mạnh và giá vẫn sẽ tiếp tục tăng.

2. Nến Marubozu giảm

Nến Marubozu giảm có mức giá đóng cửa thấp hơn mức giá mở cửa. Tương tự như nến Marubozu tăng, nến Marubozu giảm cũng có 3 biến thể là:

nen Marubozu giam

  • Marubozu giảm trọc 

Phần thân nến dài màu đỏ cho thấy biến động giá trong thân nến lớn. Râu nến trên và râu nến dưới không có nên mức giá cao nhất trùng với giá mở cửa; mức giá thấp nhất trùng với giá đóng cửa.

Marubozu giảm trọc cho thấy sự chiếm ưu thế của phe gấu trong đà giảm. Phe bò hoàn toàn yếu thế trước phe gấu khi không thể đẩy giá và tạo một chút dấu ấn nào trong phiên giao dịch vừa qua.

  • Marubozu giảm có râu trên

Phần thân nến dài, không có râu dưới nên mức giá đóng cửa trùng với mức giá thấp nhất. Phần râu trên có nhưng thường khá ngắn.

Mô hình Marubozu giảm có râu trên cho thấy ban đầu phe mua đã thành công đẩy giá cao hơn so với mức giá mở cửa. Tuy nhiên, ngay sau đó phe bán đã khống chế tình hình và đẩy giá xuống khiến mức giá đóng cửa bằng mức giá thấp nhất. Mô hình này cho thấy phe bán vẫn đang chiếm ưu thế.

  • Marubozu giảm có râu dưới

Phần râu trên không có cho thấy ban đầu phe bán hoàn toàn chiếm ưu thế tạo ra mức giá mở cửa chính là mức giá cao nhất. Tuy nhiên, sau khi phe bán đẩy giá xuống mạnh thì thể hiện sự có chút đuổi lực và phe mua đã tận dụng cơ hội đẩy giá lên tạo ra mức đóng cửa cao hơn mức thấp nhất. Mô hình này cho vẫn cho thấy sức mạnh của phe bán nhưng yếu hơn 2 mô hình Marubozu bên trên.

Ý nghĩa của nến Marubozu

Sự xuất hiện của mô hình nến Marubozu mang đến rất nhiều thông tin hữu ích cho trader, giúp họ xác định xu hướng và thực hiện giao dịch hiệu quả.

  • Cung cấp tín hiệu tiếp diễn xu hướng: Nến Marubozu tăng xuất hiện trong xu hướng uptrend sẽ cung cấp tín hiệu tiếp tục tăng giá. Tương tự nến Marubozu giảm xuất hiện trong xu hướng Downtrend sẽ cung cấp tín hiệu tiếp diễn đà giảm giá.
  • Nến Marubozu sẽ trở thành nến tín hiệu để tìm kiếm các điểm vào lệnh đảo chiều an toàn khi xuất hiện tại các vùng sideway.
  • Mẫu hình nến Marubozu xác nhận vùng hỗ trợ, kháng cự. Nếu giá đang giảm sâu chạm ngưỡng hỗ trợ và bật lên tạo thành nến Marubozu tăng cho thấy nhu cầu mua đang răng cao và giá sẽ tiếp tục tăng. Tương tự Marubozu xuất hiện tại ngưỡng kháng cự cho thấy nhu cầu bán cao và giá sẽ giảm.

Cách giao dịch với mô hình nến Marubozu

Tùy thuộc vào từng điều kiện xuất hiện mà nến Marubozu sẽ có những cách giao dịch khác nhau. Dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ 3 chiến lược giao dịch với nến Marubozu đó là: giao dịch thuận xu hướng, giao dịch đảo chiều và giao dịch khi Marubozu hình thành tại các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự.

1. Chiến lược giao dịch thuận xu hướng

Bước 1: Xác định thị trường đang có xu hướng uptrend hay downtrend.

Để xác định chính xác xu hướng đang diễn ra trên thị trường, trader có thể sử dụng các công cụ như: đường trendline, kênh giá hoặc phân tích trên khung thời gian cao.

Bước 2: Nhận diện vị trí xuất hiện mô hình nến trên biểu đồ

Trong bất kỳ giai đoạn nào của thị trường, trader dễ dàng bắt gặp mô hình nến Marubozu. 

Bước 3: Kết hợp với các công cụ kỹ thuật chỉ báo khác để xác nhận tín hiệu tăng/giảm giá thuận xu hướng của nến Marubozu.

Bước 4: Vào lệnh thuận theo xu hướng. 

  • Điểm vào lệnh: tại mức giá đóng cửa của nến Marubozu. Vào lệnh Buy trong xu hướng tăng và Sell thuận xu hướng giảm.
  • Điểm cắt lỗ: Đặt stop loss bên dưới vùng hỗ trợ/kháng cự  quan trọng và gần nhất. 
  • Điểm chốt lời (take profit): tại các mức Fibonacci từ 61,8% – 168% hoặc đảm bảo tỷ lệ R:R>1:2 (vì khoảng cách cắt lỗ khá lớn).

Ví dụ: 

Bitcoin trên khung H4 đang có xu hướng chính là uptrend. Tại vùng hỗ trợ quan trọng xuất hiện nến Marubozu xanh tăng mạnh. Các chấm tròn Parabolic SAR dịch chuyển xuống dưới biểu đồ giá và thưa dần. Đáng chú ý, 2 đường trung bình trong MACD cũng giao cắt hướng lên đồng thời biểu đồ histogram cũng đổi màu. Điều đó cho thấy giá đang có chiều hướng tăng mạnh trở lại.

giao dich voi nen Marubozu

  • Điểm vào lệnh: tại mức giá 44782.51 USD, giá đóng cửa của nến Marubozu xanh.
  • Điểm cắt lỗ: bên dưới vùng hỗ trợ 43,577.56 USD.
  • Điểm chốt lời: tại mức giá 45,750 USD đảm bảo tỷ lệ R:R> 1:3.

2. Chiến lược giao dịch đảo chiều 

Bước 1: Đánh giá và nhận định xu hướng đang diễn ra

Trader chỉ tìm kiếm giao dịch đảo chiều khi xu hướng chính đang có dấu hiệu suy yếu. Chẳng hạn như giá liên tục thất bại trong việc hình thành đỉnh/đáy mới theo xu hướng đang diễn ra (đỉnh/đáy mới cao hơn cũ trong uptrend và đỉnh/đáy mới thấp hơn cũ trong downtrend) hoặc hình thành các đoạn sideway. 

Bước 2: Nhận định nến Marubozu tại các vùng đi ngang 

  • Trong xu hướng uptrend, nến Marubozu đỏ xuất hiện tại vùng đi ngang cho thấy tín hiệu giá chuẩn bị đảo chiều từ tăng sang giảm. 
  • Trong xu hướng downtrend, nến Marubozu xanh xuất hiện tại các vùng sideway cho thấy tín hiệu giá chuẩn bị dịch chuyển từ giảm sang tăng. 

Bước 3: Kết hợp với các công cụ phân tích đảo chiều khác. 

Trader có thể kết hợp với các công cụ phân tích kỹ thuật khác để xác nhận tín hiệu đảo chiều như: hệ thống chỉ báo Ichimoku, đường MA, MACD hoặc các mô hình giá đảo chiều.

Bước 4: Thực hiện các lệnh Buy/Sell đảo chiều

  • Điểm vào lệnh: tại giá đóng cửa của nến Marubozu hoặc những cây nến xác nhận cùng màu.
  • Điểm cắt lỗ: bên dưới vùng tranh chấp giá gần nhất. 
  • Điểm chốt lời: Theo các mốc Fibonacci quan trọng từ 100% – 168%, đồng thời đảm bảo tỷ lệ R:R>1:2. Ngoài ra, khi tín hiệu giá xác nhận xu hướng giá đã tạo thành trend mới, trader có thể gồng lãi bằng Trailing Stop để tối đa hóa lợi nhuận.

Ví dụ: 

ETH/USDT trên khung H1 trong xu hướng chính là uptrend, nhưng đồng thời xuất hiện nhiều tín hiệu bất thường dự báo đảo chiều xu hướng. 

cach giao dich voi marubozu

  • Giá hình thành đoạn đi sideway ở vùng đỉnh và xuất hiện nến Marubozu đỏ phá mạnh qua vùng hỗ trợ.
  • Các chấm tròn của PSAR dịch chuyển lên trên biểu đồ giá đồng thời khoảng cách thưa dần. 
  • Đường trung bình nhanh và đường trung bình chậm giao cắt nhau và hướng xuống dưới.
  • Hai đường Leading A và Leading B chạy trước hành động giá, cho thấy hiện tượng Leading B nằm trên Leading A và giao cắt nhau, hướng xuống dưới. 
  • Đường trễ Chikou – Span nằm dưới biểu đồ

Tất cả các tín hiệu đều cho thấy giá chuẩn bị đảo chiều xu hướng từ tăng sang giảm. Đây là cơ hội giúp trader thực hiện các lệnh Sell đảo chiều tiềm năng.

  • Điểm vào lệnh: tại mức giá 2,992.44 USD trên nến tín hiệu màu đỏ xuất hiện sau nến Marubozu.
  • Điểm cắt lỗ: tại mức giá 3,085.19 USD, bên trên vùng hỗ trợ quan trọng (trong xu hướng uptrend) chuyền thành kháng cự mới (trong xu hướng downtrend).
  • Điểm chốt lời: tại mức giá 2,679.59 USD đảm bảo tỷ lệ R:R >1:3.

3. Giao dịch khi Marubozu hình thành tại các ngưỡng hỗ trợ/ kháng cự

Nếu nến Marubozu xuất hiện tại các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự sẽ xác nhận lại sức mạnh của vùng tranh chấp giá này. Từ đó, ta cũng có thể tận dụng để giao dịch. Cách thực hiện như sau:

Bước 1: Dùng các công cụ vẽ để xác định ngưỡng hỗ trợ và kháng cự.

Bước 2: Xác định mẫu hình nến Marubozu xem có xuất hiện tại những vùng quan trọng này không. Nếu xuất hiện chứng tỏ vùng tranh chấp này đang rất mạnh.

Bước 3: Tiến hành giao dịch.

  • Marubozu xuất hiện tại ngưỡng kháng cự và giá giảm. 
    • Vào lệnh: Khi này trader có thể vào lệnh Sell tại mức giá đóng cửa của nến Marubozu.
    • Cắt lỗ: Bên trên giá mở cửa của nến cường lực
    • Chốt lời: Mức hỗ trợ gần nhất hoặc theo tỷ lệ R: R
  • Marubozu xuất hiện tại ngưỡng hỗ trợ và giá quay đầu tăng
    • Vào lệnh: Lệnh Buy tại mức giá đóng cửa của nến Marubozu.
    • Cắt lỗ: Bên trên giá mở cửa của nến cường lực
    • Chốt lời: Tại mức kháng cự gần nhất hoặc theo tỷ lệ R: R

giao dich voi mo hinh nen Marubozu

Quan sát hình vẽ ta thấy nến Marubozu xanh xuất hiện tại mức hỗ trợ cho thấy tín hiệu giá quay đầu tăng được xác nhận. Các điểm PSAR cũng dịch chuyển xuống dưới xác nhận xu hướng tăng. Khi này trader có thể tận dụng vào lệnh Buy để tìm kiếm lợi nhuận tại mức giá đóng của của nến Marubozu xanh.

Kết luận

Bài viết trên đây chúng tôi đã giới thiệu về mô hình nến Marubozu – mô hình nến cường lực vô cùng quan trọng trong hệ thống nến Nhật của ông Hammo. Mong rằng qua bài viết, trader dù là mới nhất cũng có thể hiểu rõ nến Marubozu là gì, đặc điểm nhận dạng và cách giao dịch với mô hình nến này. Tuy nhiên, trader vẫn luôn cần tuân thủ quy tắc thực hiện lệnh và quản lý vốn cho mọi giao dịch trước khi thực hiện.