NFT (Non Fungible Token) là gì? Các đồng coin NFT tiềm năng nhất 2022

Bởi: Đinh Văn Đàm - Đăng ngày: 08/12/2021 - Cập Nhật: 06/06/2022

NFT viết tắt của từ Non-Fungible Token là một loại tài sản kỹ thuật số không thể thay thế, nó được xây dựng và lưu trữ trên Blockchain. NFT được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: nghệ thuật (tranh ảnh, video), trò chơi điện tử hay bất cứ sản phẩm nào có thể tồn tại dưới dạng kỹ thuật số. Vậy chính xác NFT là gì mà lại khiến cả thế giới quan tâm đến vậy? Nó có gì đặc biệt và được ứng dụng như thế nào trong thực tế? Tất cả sẽ được Coin568 giải đáp ngay sau đây.

NFT là gì?

NFT viết tắt của cụm từ Non-Fungible Token, tam dịch là mã thông báo không thể thay thế. Đây là một đơn vị dữ liệu mã hóa được lưu trữ trên Blockchain, đại diện cho một tài sản kỹ thuật số hoặc phi kỹ thuật số duy nhất. Ví dụ, NFT tồn tại dưới dạng kỹ thuật số là các tác phẩm nghệ thuật, các vật phẩm trong game… Còn NFT đại diện cho các loại tài sản phi kỹ thuật số như: giấy đăng ký xe, hoá đơn mã hoá, chữ ký…

NFT la gi

Non Fungible Token (NFT) là gì?

NFT là token, nhưng nó không giống như Bitcoin hay Ethereum, bởi các NFT không thể hoán đổi cho nhau, mỗi token đều là duy nhất. Nếu bạn có một tờ 100$, bạn hoàn toàn có thể đổi lấy một tờ 100$ khác. Tuy nhiên, với một tác phẩm nghệ thuật sau khi được mã hóa thành token NFT thì nó là duy nhất và không thể thay thế được. Nguyên nhân là do mỗi NFT được tạo ra đều được gắn kèm quyền sở hữu (ownership).

Lịch sử hình thành Non-Fungible Token

  • Trước khi CryptoKittes xuất hiện

NFT đầu tiên trong lịch sử có tên là “Quantum”. Đây là tác phẩm của nghệ sĩ Kevin McCoy được tạo ra vào tháng 5/2014, một hình động bát giác chứa vô số các vòng tròn, cung tròn và các hình dạng khác có cùng tâm, các hình lớn hơn sẽ bao quanh các hình nhỏ hơn và phát ra màu huỳnh quang thôi miên. Quantum chính là tác phẩm đầu tiên được gắn quyền sở hữu NFT, cho đến nay “Quantum” đang được bán với giá 7 triệu đô la.

Non Fungible Token

“Quantum” – Tác phẩm đầu tiên gắn quyền sở hữu NFT

Vào tháng 10/2016, bộ sưu tập Rare Pepe (hình minh họa về nhân vật Pepe the Frog) được tạo ra trên nền tảng Counterparty bởi Jason Rosenstein và Louise Parker. Biểu tượng meme đã trở thành cơn sốt trên internet.

Đầu năm 2017, John Watkinson và Matt Hall đã thực hiện cuộc thử nghiệm NFT đầu tiên trên Ethereum là CryptoPunks. NFT này bao gồm 10.000 mẫu nhân vật khác nhau. Ngày nay, CryptoPunks là một trong những NFT thực sự có giá trị. 

  • CryptoKites xuất hiện vào năm 2017  

CryptoKitties là dự án đầu tiên đưa NFT trở thành một xu hướng chủ đạo và được nhiều người biết đến. Ra mắt vào cuối năm 2017, Crypto Kitties là một trò chơi trực tuyến được xây dựng trên Blockchain của Ethereum, cho phép người chơi lai tạo và mua bán mèo ảo.

lich su hinh thanh nft

Trò chơi này cho phép người chơi lai tạo những con mèo kỹ thuật số với nhau để tạo ra những con mèo mới với độ hiếm khác nhau, mèo càng hiếm thì giá trị càng cao. Chính điều này đã thu hút đông đảo người chơi tham gia game.

  • 2018 – 2021: Bùng nổ NFT

NFT dần dần đi vào nhân thức của cộng đồng tiền điện tử và thực sự bùng nổ vào năm 2021. Trong đó phải kể đến Axie Infinity hay Neon District là các tựa game phát triển trên Blockchain cho phép người dùng sở hữu các NFT dẫn đầu. Bên cạnh đó, thị trường NFT cũng thu hút đông đảo các nhà sáng tạo nội dung tham gia. Họ là những họa sĩ, ca sĩ hay bất kỳ nhà sáng tạo nội dung nào. Họ bắt đầu tạo ra NFT cho tác phẩm của mình và tiến hành bán nó để thu về lợi nhuận. 

Nổi bật nhất phải kể đến album được phát hành dưới dạng chuỗi mã NFT của nhóm nhạc rock Kings of Leon vào đầu năm 2021. Hay Mike Winkelmann, một nhà thiết kế đồ họa đã kiếm được hàng chục triệu đô la từ các tác phẩm nghệ thuật phiên bản số dưới dạng NFT trên sàn thương mại điện tử Nifty Gateway. 

Cách thức hoạt động của NFT

NFT được tạo ra trên Blockchain thông qua hợp đồng thông minh (smart contract). Trong đó, mỗi NFT chỉ có thể có 1 chủ sở hữu tại một thời điểm và thông tin này có thể dễ dàng xác minh thông qua Blockchain. Sau mỗi lần giao dịch thành công thì quyền sở hữu (ownerships) của NFT đó sẽ được chuyển cho người đấu giá thành công. 

Quy trình tạo ra một NFT như sau: 

– Bước 1: Digital hóa sản phẩm muốn tạo NFT

Để tạo NFT, trước tiên người dùng cần tạo ra các file sản phẩm trên máy tính, đó có thể là: hình ảnh, tác phẩm nghệ thuật, nhạc, video…

– Bước 2: Lựa chọn Blockchain phát hành NFT

Hiện nay, có rất nhiều Blockchain có khả năng tạo ra NFT như: Etherum, Binance Smart Chain, Flow, Tron, EOS, Polkadot, Tezos, Cosmos, WAX… Trong đó, Ethereum chính là blockchain được nhiều người lựa chọn để tạo ra NFT nhất.

cach tao ra NFT

Mỗi Blockchain sẽ có những tiêu chuẩn tạo NFT, ví lữu trữ và sàn giao dịch NFT riêng biệt. Ví dụ, khi tạo NFT trên Ethereum, bạn cần phải tuần thủ tiêu chuẩn ERC-721, sử dụng ví lưu trữ có hỗ trợ token ERC-721 như: MetaMask, Trust Wallet hay Coinbase Wallet. Ngoài ra, bạn chỉ có thể trao đổi các token NFT này trên các chợ NFT dành cho mạng Etherum bao gồm: OpenSea, Rarible, Mintable.

– Bước 3: Upload lên Blockchain

Sau khi đã lựa chọn được Blockchain tạo NFT, bước tiếp theo bạn cần làm là upload sản phẩm lên Blockchain. Các thợ đào sẽ tiến hành xác thực thông tin và bạn sẽ phải trả phí cho miner để họ add thông tin sản phẩm của bạn vào block. Mỗi NFT sẽ được gắn với quyền sở hữu (ownership) thông qua uniqueID và các dữ liệu riêng biệt khác.

Các đặc điểm nổi bật của NFT

NFT có những điểm nổi trội, khác biệt với các loại tiền mã hóa khác như sau:

  • Không thể phân chia

Hầu hết các loại tiền mã hóa như Bitcoin hay ETH đều có thể chia nhỏ. Cụ thể, 1 ETH có thể chia được đến 18 chữ số thập phân, vì thế mà bạn có thể mua bán ETH với số lượng rất nhỏ. Tuy nhiên, NFT là tài sản nguyên vẹn và bạn không thể phân chia NFT thành các phần nhỏ hơn. 

  • NFT là duy nhất

Mỗi NFT đại diện cho một vật phẩm duy nhất, không tồn tại sản phẩm nào tương tự, do đó NFT không thể thay thế và không bị sao chép dưới bất cứ hình thức nào.

  • Tính khan hiếm

Người tạo ra NFT có thể quyết định sự khan hiếm NFT của họ. Thực tế cho thấy, các món đồ càng độc đáo, càng khan hiếm thì giá trị lại càng cao. Chính vì lẽ đó mà hầu hết các nhà phát triển đều lựa chọn phát hành các sản phẩm NFT có giới hạn để nâng cao giá trị sản phẩm của mình trong tương lai. 

  • Có thể xác minh và nhận dạng

Mỗi NFT đều có một số nhận dạng duy nhất thông qua uniqueID và Metadata. Thông qua việc lưu trữ trên Blockchain, bất kỳ ai cũng có thể truy xuất thông tin tác giả, kiểm tra NFT này đã từng qua tay ai, bao nhiêu người… mà không cần nhờ đến bên thứ ba hay các chuyên gia khác. 

Ứng dụng của NFT

NFT được ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống như:

1.  Nghệ thuật

Với việc ứng dụng NFT vào trong lĩnh vực nghệ thuật (hội hoạ, âm nhạc cho đến điện ảnh…), sẽ giúp cho các nghệ sĩ giải quyết được vấn đề vi phạm bản quyền. Bởi, NFT cho phép người dùng đem các tác phẩm nghệ thuật của mình gắn vào Blockchain để chứng minh quyền sở hữu. Và những tác phẩm này sẽ được bảo tồn mãi mãi theo thời gian mà không chịu bất kì ảnh hưởng vật lí nào như mối mọt, thiên tai,…

ung dung cua nft

Ứng dụng của NFT trong nghệ thuật

Các tác phẩm NFT có thể dễ dàng mua đi bán. Thậm chí người tạo ra tác phẩm NFT đó có thể gắn mã code để mỗi lần tác phẩm đó được giao dịch, họ sẽ nhận được 1 phần phí. Thực tế, nhiều nghệ sĩ đã đấu giá thành công tác phẩm NFT của mình và mang lại doanh thu khủng. Nổi bật trong đó phải kể đến bức tranh “Everydays: the First 5000 Days” của Beeple được bán dưới dạng NFT với giá 69,3 triệu USD (tương đương 1600 tỷ đồng).

2. Lĩnh vực game

Gaming có lẽ là lĩnh vực mà NFT toả sáng nhất.

  • Đối với người chơi: Nếu như chơi các game thông thường khác cho dù bạn nạp tiền hay cày cuốc bao nhiêu đi chăng nữa thì các nhân vật và vật phẩm trong game của bạn vẫn thuộc quyền sở hữu của nhà phát hành game. Nhưng với NFT, bạn sẽ thực sự sở hữu các nhân vật hay các món đồ trong game mà mình chơi (dưới dạng NFT). Bạn có thể dễ dàng mua bán, trao đổi các NFT này.

game NFT

  • Đối với nhà phát hành game: Các Developer có thể phát hành các vật phẩm hay nhân vật dưới dạng NFT. Thực tế, đã có nhiều dự án ứng dụng thành công loại token này vào trò chơi của họ. Điển hình là Axie Infinity và Battle Pets, đây đều là những trò chơi giống phong cách Pokemon. 

3.  Các ứng dụng khác

  • Bạn có thể số hóa để đại diện cho danh tính bao gồm trình độ học vấn, hồ sơ y tế, giấy tờ hành chính, chữ ký hay thậm chí là cả hình ảnh ngoại hình của bạn. NFT rất lý tưởng để chống lại hành vi trộm cắp danh tính. 
  • Vé sự kiện, vé trò chơi. Nếu các loại vé được tạo ra bằng cách sử dụng mã thông báo không thể thay thế (NFT), thì khi bạn thực hiện trao đổi vé đó, sẽ có một bản ghi lại việc trao đổi trên Blockchain. Do đó, không còn xảy ra tình trạng bị ai đó đánh cắp vé hay cố tình sử dụng vé giả. 
  • Đồ sưu tầm. NFT có thể đại diện cho các bộ sưu tập, chẳng hạn như sưu tầm thẻ bài hay các kỷ vật, đồ trang sức và các vật dụng tương tự khác nhưng ở định dạng kỹ thuật số. Vào tháng 2/2021, một thẻ Lebron James slam dunk trên nền tảng NBA Top Shot được bán với giá 208.000 đô la Mỹ. 
  • Thời trang. Việc sở hữu một hồ sơ kỹ thuật số về tính xác thực sẽ giúp giải quyết các vấn đề như hàng giả, hàng nhái. Để chứng tỏ đó là hàng thật, các mặt hàng xa xỉ đính kèm NFT tương đương. Ngoài ra, NFT có thể hiển thị dữ liệu quan trọng về nguồn gốc của một mặt hàng, chẳng hạn như vật liệu được sử dụng, nguồn gốc của chúng hay những nơi mà mặt hàng đã được chuyển tới. Khi các vấn đề xung quanh thời trang bền vững trở nên cấp bách thì chính điều này sẽ giúp mọi người đưa ra quyết định mua hàng đạo đức hơn. 

Có nên đầu tư vào NFT hay không?

Nếu bạn có khả năng sáng tạo trong các lĩnh vực nghệ thuật, âm nhạc hay có thể tạo ra bất cứ thứ gì hay ho, bạn hãy đầu tư thời gian và công sức tạo NFT để đấu giá. Bên cạnh đó, do tính chất khan hiếm và tính bản quyền, NFT cũng thu hút sự quan tâm của đồng đảo nhà đầu tư mua NFT và bán lại chúng để kiếm lợi nhuận. 

Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định cho nên đầu tư vào NFT hay không, bạn cần nắm rõ các ưu, nhược điểm của loại token này trước đã. Cụ thể như sau:

Ưu điểm:

  • NFT là duy nhất và có tính khan hiếm nên các coin NFT có tiềm năng tăng giá trong tương lai. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có một đồng coin nào có thể tạo lợi nhuận kỷ lục 100.000% trong 3 ngày như NFT bức tranh “Trump” từ Hashmasks.
  • Rất nhiều người có thú vui sưu tầm một thứ gì đó độc đáo hoặc hiếm có. Do đó xu hướng lưu trữ, sưu tầm NFT trong tương lai là rất tiềm năng. 
  • Trước khi quyết định sở hữu một NFT, bạn dễ dàng truy xuất được nguồn gốc, xác nhận chủ sở hữu hay lịch sử giao dịch chỉ bằng vài cú click chuột. Nhờ công nghệ Blockchain, các yếu tố hàng giả hàng nhái được loại bỏ hoàn toàn.
  • Việc mã hoá NFT các tài sản trên Blockchain, giúp cho việc lưu trữ an toàn, bảo mật và hiệu quả hơn so với phương pháp truyền thống. 
  • Mua bán trao đổi NFT vô cùng đơn giản, nhanh chóng, đặc biệt phí giao dịch tương đối thấp.
co nen dau tu vao nft khong

Có nên đầu tư vào NFT không?

Nhược điểm:

  • Tính pháp lý của NFT không được đảm bảo. Vẫn có rất nhiều loại NFT vô danh, vô giá trị xuất hiện trên thị trường. 
  • Thanh khoản kém. Tổng khối lượng giao dịch của NFT từ trước đến nay chỉ rơi vào khoảng 300 triệu đô la, con số này chỉ bằng 0.1% khối lượng giao dịch của tiền mã hóa trong 1 ngày. 
  • Định giá cảm tính. Bản chất của việc sưu tầm là theo sở thích và cảm quan của từng người. Do đó sẽ có những người sẵn sàng trả giá cao và ngược lại sẽ có những người định giá sản phẩm thấp. 
  • Nội dung kỹ thuật số có thể được sao chép. Bạn cần chấp nhận sự thật này bởi nghệ thuật rất dễ bị sao chép. Tuy nhiên nhìn dưới góc độ công nghệ thì sản phẩm NFT của bạn vẫn là sản phẩm có giá trị cao nhất. 
  • Chúng có thể bị đánh cắp. Mặc dù công nghệ đằng sau NFT tương đối an toàn, tuy nhiên một số sàn giao dịch và nền tảng tạo ra nó có thể không hoàn toàn đáng tin cậy. 
  • Chi phí môi trường lớn. Rất nhiều người lên án về tác động môi trường của các đồng tiền điện tử dựa trên Blockchain như Ether và Bitcoin. Do đó các tài sản dựa trên Blockchain có bền vững hay không vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp. 

Cách chọn NFT coin tiềm năng

Hiện nay có ba dạng NFT nổi tiếng trên thị trường bạn có thể cân nhắc đầu tư là NFT Infrastructure (nền tảng cơ sở), NFT Issue & Marketplace và NFT Game. Để chọn được các coin NFT tiềm năng bạn cần đặc biệt quan tâm đến các yếu tố sau: 

  • Thông tin của nhà sáng lập và xây dựng: Đây là thông tin quan trọng nhất giúp bạn đánh giá coin đó có tiềm năng và phát triển trong tương lai hay không. Bạn hãy tìm hiểu kỹ về thông tin nhà sáng lập và đội ngũ phát triển xem họ có kinh nghiệm trong lĩnh vực này không, đã từng triển khai dự án nào, trong quá khứ có từng lừa đảo ai hay chưa. 
  • Nền tảng mà nó lựa chọn để xây dựng. Hãy tìm hiểu xem blockchain mà nó xây dựng có phải là phiên bản mới, có khả năng mở rộng, khả năng bảo mật như thế nào… 
  • Kiểm tra tính ứng dụng thực tế dự án NFT bạn đang muốn đầu tư.
  • Quỹ đầu tư. Một dự án có quỹ đầu tư lớn sẽ an toàn hơn. 
  • Lộ trình phát triển của dự án sẽ cho thấy dự án có liên tục khai thác mở rộng giá trị để thích ứng với sự biến đổi của thị trường hay không.
  • Cộng đồng. Các dự án NFT game, Infrastructure hay NFT Issue & Marketplace muốn phát triển thì cần có người dùng sử dụng. Trong đó, điển hình là các dự án NFT game, khi càng có nhiều người chơi thì những thứ liên quan đến game như vật phẩm, nhân vật hay đồng token sẽ ngày càng có giá trị. 
  • Sức tăng trưởng hiện tại. Giống như bất kỳ lĩnh vực đầu tư nào, thời điểm đầu tư  là yếu tố quan trọng sẽ quyết định việc thành bại trong giao dịch của bạn. Bạn hãy chắc chắn là đã tìm hiểu kỹ về lịch sử giao dịch, nhận biết được tình hình nội tại và các dấu hiệu tương lai để lựa chọn đầu tư giúp giao dịch của bạn có lợi nhuận. 

Các coin NFT tiềm năng

Trong năm 2021, thị trường NFT có đà tăng trưởng rất mạnh mẽ. Dưới đây là top 5 coin NFT tiềm năng và đáng đầu tư bạn có thể tham khảo: 

  1. Theta

Cả 3 nhà đồng sáng lập Mitch Liu (CEO), Jieyilong (CTO) và Ryan Nichols đều là những tiến sĩ, kỹ sư có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kỹ thuật máy tính. Dự án có sự góp mặt của các nhà đầu tư nổi bật như Samsung, Sony Innovation Fund… Hiện tại mức vốn hóa của Theta đã đạt mức trên 10 tỷ USD.

coin NFT tiem nang

Theta là dự án coin NFT đầu tư an toàn và đầy tiềm năng cho giới đầu cơ. Với mạng lưới video được xây dựng trên công nghệ Blockchain mang lại trải nghiệm thực tế và chia sẻ lợi ích với người dùng. 

  1. Chiliz

Chiliz là nền tảng đầu tiên ứng dụng công nghệ Blockchain vào lĩnh vực thể thao. Thông qua Chiliz, các tín đồ thể thao dễ dàng bỏ phiếu cho câu lạc bộ bóng đá mình yêu thích và có thể sở hữu tiền ảo trên nền tảng do Chiliz phát triển. 

Trong hệ sinh thái này, Chiliz NFT là loại token được trả chi phí cho câu lạc bộ và cho người hâm mộ vote cho đội tuyển mình yêu thích. Đối tác chính của Chiliz NFT chính là những câu lạc bộ hàng đầu trên thế giới như Paris Saint-Germain, Juventus, AS Roma, West Ham United, Barcelona, Atlético de Madrid hay Galatasaray. Do đó, loại coin NFT này cũng là một sự lựa chọn đáng quan tâm cho việc đầu tư kiếm lợi nhuận.

  1. Enjin 

Enjin là một nền tảng tiền điện tử và Blockchain được thiết kế cho ngành công nghiệp game, cho phép trao đổi giá trị giữa các trò chơi, cộng đồng game và các nhà phát triển game.  

NFT của Enjin được sử dụng để thanh toán trong hệ sinh thái bao gồm tất cả các game trên nền tảng, tiền và những chi phí dịch vụ. Với đà phát triển mạnh mẽ năm nay, nâng mức vốn hóa lên trên 1.5 tỷ USD thì đây thực sự là loại coin mới và rất tiềm năng.

  1. Decentraland- MANA 

Tương tự như trò chơi Skyrim và Fallout, Decentralandtựa game thế giới ảo 3D phi tập trung (Virtual Reality – VR) được xây dựng trên blockchain Ethereum. MANA token là đồng tiền ảo của trò chơi này. MANA giúp người chơi có thể mua các mảnh đất mình, xây dựng và kiếm tiền trên mảnh đất đó. Với tốc độ phát triển mạnh và mức vốn hóa trên 1.7 tỷ USD, nền tảng này được bình chọn nằm trong Top đầu tư tiềm năng.

  1. The Sandbox 

Giống như Decentraland, The Sandbox cũng phát triển nền tảng thế giới thực ảo phi tập trung. Nền tảng cho phép người dùng xây dựng, sở hữu,  tạo ra các sản phẩm NFT và kiếm tiền từ các tài sản đó. Token SAND đóng vai trò là đơn vị tiền tệ trong hệ sinh thái, quản trị mạng lưới và người dùng có thể staking SAND để kiếm phần thưởng. 

Mua bán NFT ở đâu?

Hiện nay phần lớn các NFT đều được mã hóa trên nền tảng Ethereum theo tiêu chuẩn ERC-721. Nếu bạn đã có ví điện tử hỗ trợ token ERC-721 và sở hữu đồng ETH thì việc mua bán NFT thực sự rất dễ dàng. Bạn có thể mua NFT tại các nền tảng hỗ trợ ETH như: Opensea, Metamask, Foundation…

Ngoài ra còn có địa chỉ giao dịch NFT quen thuộc khác là sàn Binance – Ông lớn này đã mở rộng mảng NFT cho khách hàng của mình dễ dàng trao đổi mua bán. Hoặc mua bán NFT tại Rarible, SuperRare, Nifty Gateway, VIV3, NFT ShowRoom,BakerySwap…

Lời kết

Cuộc cách mạng NFT đã mang lại nhiều giá trị đối với lĩnh vực nghệ thuật và gaming. Nhờ sự xuất hiện của công nghệ Blockchain, các nghệ sĩ có thể tạo ra các tác phẩm dưới dạng NFT, còn các game thủ có thể sở hữu vật phẩm trong game và kiếm tiền từ đó. Bên cạnh đó, trên thị trường đầu tư coin NFT cũng ngày càng sôi động. Hy vọng thông qua bài viết này, các bạn đã hiểu rõ NFT là gì và có chiến lược đầu tư NFT khôn ngoan nhất nhé.