Phân tích kỹ thuật là gì? Cách phân tích kỹ thuật trade coin

Bởi: Hidayat Hafied - Đăng ngày: 24/01/2022 - Cập Nhật: 18/05/2022

Phân tích kỹ thuật (TA) và phân tích cơ bản (FA) là 2 phương pháp phân tích thị trường được nhiều trader áp dụng hiện nay. Trong đó, phân tích kỹ thuật trade coin sẽ dựa vào dữ liệu giá và khối lượng giao dịch trong quá khứ để đánh giá xu hướng hiện tại, dự đoán xu hướng giá trong tương lai và tìm các điểm vào lệnh, thoát lệnh hợp lý. Vậy chính xác, phân tích kỹ thuật là gì? Hãy cùng Coin568 tìm hiểu qua bài viết này nhé!

Phân tích kỹ thuật là gì?

Phân tích kỹ thuật là phương pháp phân tích dựa vào các dữ liệu giá trong quá khứ (mức giá cao nhất, thấp nhất, giá đóng cửa), khối lượng giao dịch… để dự báo hướng đi của giá trong tương lai. Cụ thể, các trader sẽ quan sát biểu đồ và sử dụng các công cụ chỉ báo kỹ thuật, mô hình giá, mô hình nến Nhật để xác định xu hướng thị trường hiện tại, dự đoán xu hướng tương lai và đưa ra quyết định mua bán.

phan tich ky thuat la gi

Phân tích kỹ thuật (TA) là gì?

Charles Dow, William P. Hamilton, Robert Rhea là những người hoàn thiện lý thuyết Dow và được xem là nền tảng đầu tiên cho trường phái phân tích kỹ thuật. Ngoài ra còn có lý thuyết sóng Elliott, Wyckoff cùng hàng trăm chỉ báo phục vụ cho việc phân tích.

3 giả định trong phân tích kỹ thuật

Khi sử dụng phân tích kỹ thuật, các nhà đầu tư cần ghi nhớ 3 giả định sau:.

1. Lịch sử giá thường xuyên lặp lại

Giả định đầu tiên chính là hành động giá trên thị trường luôn có xu hướng lặp lại. Điều này là do thói quen và hành vi của nhà đầu tư không thay đổi qua các thời kỳ. Tuy diễn biến giá không sao chép y hệt nhưng sẽ có sự lặp lại tuần hoàn.

Nhìn diễn biến của giá trong các giai đoạn tăng, giảm, đi ngang hay phản ứng tại vùng giá tranh chấp quan trọng, trader có thể dễ dàng nhìn thấy yếu tố tuần hoàn lặp lại này.  Từ đó, có thể phân tích và xác định hướng đi tiếp theo.

Một số yếu tố được hình thành từ tâm lý và hành vi của con người như:

  • Mô hình giá: mô hình vai đầu vai, mô hình hai đáy , hai đỉnh, ….
  • Mẫu hình nến: nến sao mai, nến búa, nến nhấn chìm ….
  • Vùng tranh chấp giá: vùng kháng cự hỗ trợ nhiều lần giá không phá qua.

2. Giá phản ánh mọi thông tin trên thị trường 

Mọi diễn biến trên thị trường từ tâm lý nhà giao dịch, chính trị, kinh tế, sức mạnh của nội bộ dự án, tình hình kinh doanh … đều phản ánh vào giá. Mọi nhà giao dịch cần chấp thuận giả định này trước khi phân tích kỹ thuật. 

Các trader theo trường phái TA cho rằng phân tích cơ bản là không cần thiết vì phân tích quá rộng, không bám sát vào giá của tài sản trong khi mọi thông tin cần thiết đều đã phản ánh vào diễn biến giá trên thị trường.

3. Giá di chuyển theo xu hướng

Giả định này ban đầu được đưa ra bởi lý thuyết Dow và nhấn mạnh “thị trường luôn di chuyển theo xu hướng nhất định và sẽ giữ nguyên xu hướng này cho đến khi đảo chiều”.

Đặc điểm của phân tích kỹ thuật

Không giống như phương pháp phân tích cơ bản, chỉ dựa vào các yếu tố tác động đến giá như: chỉ số kinh tế – tài chính, các sự kiện chính trị, xã hội…. Phân tích kỹ thuật sẽ phân tích cung cầu trên thị trường, hành động của các phe mua/phe bán để dự đoán biến động của giá. Dưới đây là một số đặc điểm của phương pháp PTKT.

  • Sử dụng các công cụ để phân tích

Phân tích cơ bản dựa các các yếu tố kinh tế vi mô, tình trạng kinh doanh hay các tin tức kinh tế, chính trị sẽ ảnh hưởng đến giá cả trên thị trường. Phân tích kỹ thuật thì hoàn toàn khác biệt, trường phái phân tích này dựa vào các chỉ báo, mô hình giá, mô hình nến đảo chiều để xác định hướng đi của tài sản trong tương lai.

phan tich ky thuat trade coin

  • Dựa vào dữ liệu quá khứ

Đa phần các công cụ phân tích kỹ thuật đều dựa vào dữ liệu giá và khối lượng giao dịch trong quá khứ. Hoặc dựa vào hình thái của đồ thị trong quá khứ để dự đoán biến động của giá trong tương lai.

  • Phù hợp với những giao dịch ngắn hạn

Theo khuyến cáo thì phân tích kỹ thuật chỉ phù hợp với những trader ngắn hạn. Đối với những hình thức giao dịch dài hạn, hold coin từ 1 năm đến vài năm thì phân tích dữ liệu quá khứ đôi khi sẽ không chính xác.

Ưu – Nhược điểm của phân tích kỹ thuật

Phân tích kỹ thuật giúp trader vào lệnh chính xác hơn, tuy nhiên phương pháp này cũng có những hạn chế nhất định. Do đó, nếu muốn phân tích kỹ thuật thành công, trader phải nắm được những ưu, nhược điểm của nó. Cụ thể như sau:

Ưu điểm:

  • Đơn giản: Các công cụ chỉ báo kỹ thuật đều đã được tích hợp sẵn trên các nền tảng giao dịch hoặc trader có thể quan sát biểu đồ để nhìn ra mô hình giá hay nến đảo chiều… Đồng thời các tín hiệu từ bộ công cụ này đã được các chuyên gia vạch sẵn nên không khó để trader tiếp cận.
  • Khách quan: Bất kể là tín hiệu mua hay bán đều phụ thuộc vào công cụ phân tích chứ không mang tính khách quan, ý muốn của người giao dịch.
  • Linh hoạt: Phân tích kỹ thuật có thể sử dụng đa dạng thị trường từ chứng khoán, tiền tệ, crypto …Đồng thời có thể áp dụng nhiều khung thời gian khác nhau từ vài phút cho đến vài tháng.
  • Đa dạng: Hiện nay có đến hàng trăm chỉ báo và rất nhiều mô hình giá. Do đó, trader có thể thoải mái lựa chọn 1 bộ công cụ phù hợp với phong cách giao dịch của mình.
  • Có cơ sở cho các dự đoán: Thay vì giao dịch theo cảm tính, rủi ro cao thì các công cụ phân tích kỹ thuật sẽ giúp tìm ra xu hướng, điểm vào và ra lệnh chính xác hơn.
uu diem cua PTKT

Ưu điểm của phương pháp PTKT

 Nhược điểm:

  • Độ trễ lớn: Phân tích kỹ thuật thường dựa vào dữ liệu giá và khối lượng trong quá khứ để dự đoán hướng đi của giá trong tương lai. Cho nên tín hiệu đưa ra thường bị chậm chễ. Đặc biệt khi có tin tức, sự kiện lớn thì công cụ này trở nên vô dụng.
  • Không phù hợp với trader mới: Để có thể sử dụng thành thạo các công cụ đòi hỏi phải có thời gian rèn luyện thật nhiều. Cho nên hình thức này sẽ không phù hợp với trader mới.
  • Mang tính chủ quan của từng người: Mỗi người có cách sử dụng chỉ báo khác nhau nên nhận định thị trường cũng sẽ khác nhau. Rất nhiều trường hợp hai nhà phân tích cùng xem một mẫu hình giá nhưng lại đưa ra 2 dự đoán khác nhau.
  • Không phù hợp với giao dịch dài hạn: Đối với khung thời gian dài hạn giá sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: chính trị, lạm phát, kinh tế…. Phân tích kỹ thuật không chỉ ra được điều này nên sẽ không phù hợp khi trader hold dài hạn.

Các công cụ phân tích kỹ thuật trade coin

Công cụ là linh hồn của phân tích kỹ thuật. Tuy nhiên, lại có quá nhiều công cụ khiến trader không biết nên sử dụng cái nào. Sau đây chúng tôi sẽ giới thiệu một số công cụ phân tích kỹ thuật trade coin được nhiều chuyên gia sử dụng thành công:

1. Lý thuyết Dow

Lý thuyết Dow được coi là nền tảng và là một phần không thể thiếu của PTKT. Với giả định rằng thị trường không ai có thể thao túng hay tất cả mọi thông tin sẽ được phản ánh vào giá. Hay lý thuyết Dow chỉ ra rằng thị trường chỉ được coi là có xu hướng nếu có sự đồng thuận của các chỉ số. Dựa vào lý thuyết Dow trader có thể xác định xu hướng và diễn biến, tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường.

ly thuyet dow

2. Sóng Elliott 

Nguyên lý sóng Elliott mô tả hành vi của đám đông nhà giao dịch. Trong nguyên lý này có đề cập tâm lý đám đông sẽ chuyển từ bi quan sang lạc quan rồi lại trở lại bình thường. Quy trình này cứ lập đi lặp lại liên tục tạo thành các mô hình sóng.

Dựa vào lý thuyết sóng Elliott, trader có thể dễ dàng đánh giá xu hướng cũng như nhận định tín hiệu vào lệnh, thoát lệnh tốt hơn.

3. Các mô hình giá 

Mô hình giá là những mẫu hình đặc biệt trên biểu đồ. Dựa vào đó nhà đầu tư có thể dự đoán hướng đi của giá trong tương lai. Có ba nhóm mô hình giá quan trọng thường được sử dụng trong PTKT đó là:

Mô hình giá tiếp diễn

Những mô hình này thường báo hiệu xu hướng chính vẫn tiếp tục được duy trì. Trong PTKT, có một số mô hình giá tiếp diễn quan trọng như:

  • Mô hình lá cờ: Trong mô hình lá cờ sẽ bao gồm cán cờ chuyển động cùng xu hướng chính và phần lá cờ hình chữ nhật thể hiện giai đoạn tích lũy ngắn chuyển động ngược chiều xu hướng. Đây là mô hình cho thấy sự tiếp diễn giá của xu hướng chính, giá tăng mạnh sau giai đoạn tích lũy hẹp.
  • Mô hình cái nêm: Mô hình này có hình dáng giống một cái nêm khi kháng cự và hỗ trợ cùng hội tụ tại một điểm hướng lên hoặc hướng xuống. Xuất hiện mô hình nêm, giá sẽ chuyển động thuận xu hướng chính.
  • Mô hình cốc và tay cầm: Phần cốc có hình chữ U và tay cầm, dự đoán giá tiếp tục theo xu hướng chính. Khi mô hình cái cốc và tay cầm hoàn thành là thời điểm thực hiện lệnh giao dịch thuận xu hướng. 

mo hinh gia

Mô hình giá đảo chiều 

Khi xuất hiện những mô hình này cho thấy sức mạnh của xu hướng chính đã suy yếu và chuẩn bị tạo thành trend mới. Một số mô hình đảo chiều quan trọng như sau:

  • Mô hình vai đầu vai: Đây là mô hình dự báo đảo chiều xu hướng trong thời gian tới.
  • Mô hình hai đỉnh: Có hình dạng chữ M và thường nằm cuối 1 xu hướng tăng. Đây là dấu hiệu đảo chiều từ tăng sang giảm. 
  • Mô hình hai đáy: Có hình dạng chữ W và thường nằm cuối 1 xu hướng giảm. Đây là dấu hiệu đảo chiều từ giảm sang tăng.

Mô hình lưỡng tính 

Không giống như các mô hình khác sẽ dự báo sự tiếp diễn hoặc đảo chiều. Mô hình lưỡng tính chưa cho biết xu hướng ngay mà trader cần đợi thêm tín hiệu từ sự phá vỡ. Mô hình lưỡng tính điển hình nhất là mô hình tam giác.

  • Mô hình tam giác tăng: Xuất hiện giữa xu hướng tăng nó cho thấy phe mua đang chiếm ưu thế và đẩy giá lên
  • Mô hình tam giác giảm: Xuất hiện giữa xu hướng giảm, cho thấy phe bán đang chiếm ưu thế và cố gắng đẩy giá xuống.
  • Mô hình tam giác cân: Mô hình này cho thấy cả phe mua và phe bán đều đang im ắng để chờ đợi tín hiệu đẩy giá lên hoặc xuống. Mẫu hình rất khó để phán đoán hướng đi của giá và là điển hình nhất của mô hình lưỡng tính.

4. Chỉ báo kỹ thuật 

Chỉ báo (indicator) là nhóm công cụ được sử dụng nhiều nhất trong phân tích kỹ thuật. Những công cụ này thường sử dụng diễn biến giá và khối lượng giao dịch trong quá khứ để dự đoán hướng đi của giá trong tương lai và tìm kiếm lệnh mua bán tiềm năng.

Để có thể giúp trader dễ dàng lựa chọn chỉ báo chúng tôi sẽ chia ra thành 4 nhóm như sau:

  • Nhóm chỉ báo xu hướng: Đây là nhóm chỉ báo cơ bản nhưng vô cùng quan trọng, giúp trader xác định xu hướng chính xác. Một số chỉ báo xu hướng mạnh mẽ được sử dụng thường xuyên như: Đường MA, Parabolic SAR, Ichimoku, ADX…
  • Nhóm chỉ báo khối lượng: Khối lượng luôn đi trước và dẫn dắt hành động giá, vì thế đây là nhóm chỉ báo cung cấp tín hiệu rất quan trọng trong PTKT. Nhóm chỉ báo này giúp trader theo dõi sự dịch chuyển của dòng tiền. Một số chỉ báo điển hình trong nhóm volume indicator này là Money Flow Index, chỉ báo OBV, Chaikin Money Flow …
  • Nhóm chỉ báo động lượng: Nhóm chỉ báo này sử dụng mức giá quan trọng trong các phiên giao dịch để đánh giá hướng di chuyển của giá và xu hướng hiện tại. Một số chỉ báo động lượng được đánh giá cao và sử dụng phổ biến như: Momentum, CCI, MACD, RSI, …
  • Nhóm chỉ báo đo lường độ biến động: Nhóm chỉ báo biến động đóng vai trò rất quan trọng, bởi sẽ cho trader cái nhìn trực quan nhất về biến động của giá. Một số chỉ báo Volatility quan trọng là: Bollinger Band, ATR…

Kết luận

Bài viết trên đây chúng tôi đã chia sẻ chi tiết về phân tích kỹ thuật trade coin. Mong rằng có thể giúp trader có cái nhìn tổng quát hơn về phương pháp phân tích kỹ thuật (TA) và áp dụng thành công vào trong giao dịch. Nhìn chung, phân tích kỹ thuật không phải lúc nào cũng đúng, do đó trader cần phải tuân thủ quy tắc quản lý vốn để giảm thiểu rủi ro cho mình.