Sàn DEX là gì? Cách thức hoạt động của sàn phi tập trung

Bởi: Đinh Văn Đàm - Đăng ngày: 24/12/2021 - Cập Nhật: 07/06/2022

Sàn giao dịch tiền mã hóa là nơi kết nối nhu cầu mua bán, trao đổi tiền điện tử của người dùng. Trước kia, các sàn giao dịch tập trung (CEX) là bá chủ trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, khi công nghệ Blockchain ngày càng phát triển thì có thêm sự góp mặt của các sàn giao dịch phi tập trung (DEX). Sàn Dex ra đời với nhiều ưu điểm vượt trội, thu hút hàng nghìn người tham gia. Vậy cụ thể, sàn DEX là gì? Mời bạn cùng Coin568 tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.

Sàn DEX là gì?

DEX là viết tắt của cụm từ Decentralized Exchange, nghĩa là sàn giao dịch phi tập trung. Đây là nền tảng giao dịch tiền mã hóa được xây dựng và hoạt động phi tập trung trên nền tảng Blockchain. Các giao dịch trên sàn DEX được diễn ra một cách tự động mà không cần thông qua bất kỳ tổ chức trung gian nào.

san dex la gi

Tìm hiểu sàn DEX là gì?

Khi giao dịch trên sàn DEX, bạn không cần chuyển tài sản trên sàn. Quá trình giao dịch diễn ra giữa ví của hai người dùng và bạn là người nắm giữ Private Key của ví. Về cơ bản, bạn chính là người kiểm soát tài sản kỹ thuật số của mình. Chính điều này đã giúp giảm thiểu tối đa rủi ro liên quan đến vấn đề bảo mật hay lừa đảo.

Cách thức hoạt động của sàn phi tập trung

Các sàn giao dịch truyền thống như Binance, Coinbase, Huobi… được gọi là các sàn giao dịch tập trung (CEX). Hầu hết các sàn CEX đều được vận hành theo mô hình Orderbook (trong Orderbook có Market Maker). Nghĩa là thị trường được xác định bởi giá bán thấp nhất và giá mua cao nhất. Khi xuất hiện lệnh của người bán hoặc người mua, sẽ cần một khoảng thời gian khớp lệnh. Lúc này sẽ cần một người môi giới ở giữa đứng ra giải quyết giao dịch và bạn sẽ phải trả phí cho người này.

Hiện nay có ba loại sàn DEX phổ biến là sàn DEX sử dụng mô hình On-chain Orderbooks, Off-chain Orderbooks và Automated Market Makers (AMM). Trong đó các sàn DEX sử dụng mô hình On-chain và Off-chain Orderbooks vẫn sử dụng mô hình Orderbook cổ điển. Riêng sàn Dex sử dụng AMM sẽ không xuất hiện Orderbook nữa.

Chi tiết cách thức hoạt động của từng loại sàn DEX được hiểu đơn giản như sau:

  • On-chain Orderbooks:

Với sàn DEX sử dụng On-chain Orderbooks (sổ lệnh trên chuỗi), khi xuất hiện giao dịch, hệ thống sẽ yêu cầu các Node mạng cùng tham gia xác nhận giao dịch. Sau đó bạn cần đợi đến khi thợ đào thêm thông tin giao dịch của bạn vào Blockchain, thì giao dịch mới được hoàn thành và bạn sẽ phải trả một khoản phí.

Một số nền tảng DEX nổi tiếng sử dụng On-chain Orderbooks như StellarTerm và Bitshares.

  • Off-Chain Orderbooks

Các sàn DEX sử dụng Off-chain Orderbook (sổ lệnh ngoài chuỗi) thì các lệnh sẽ không được ghi lên Blockchain, thay vào đó nó sẽ được lưu trữ trong một máy chủ tập trung. Tuy nhiên, với loại hình này, bạn vẫn sẽ được hưởng lợi từ việc lưu trữ không lưu ký – nghĩa là người dùng khi chuyển tiền điện tử lên sàn có thể toàn quyền nắm giữ và quản lý tài sản của mình.

Sàn DEX áp dụng theo mô hình này không sử dụng Blockchain nhiều, do đó không bị hạn chế về tốc độ giao dịch như mô hình On-chain Orderbook. Một số sàn DEX triển khai Off-chain Orderbooks nổi tiếng như Binance DEX, 0x và EtherDelta.

  • Automated Market Makers (AMM)

DEX được tạo lập theo mô hình Automated Market Maker (AMM) bùng nổ vào năm 2020. Sàn DEX này không xuất hiện Orderbook, thay vào đó sẽ mở ra những AMM (Automated Market Maker) – tức nhà tạo lập thị trường tự động.

mo hinh amm

Mô hình AMM

Nhà tạo lập thị trường tự động AMM chính là các hợp đồng thông minh (smart contract) nắm giữ Liquidity Pool (Pool thanh khoản) để tạo ra các tài sản cần thiết để các trader có thể giao dịch trong đó. Cụ thể, người dùng có thể thêm các cặp tỷ giá giao dịch, chẳng hạn như ETH/USDT vào các Liquidity Pool. Đổi lại họ sẽ nhận được một tỷ lệ phần trăm nhỏ khi tài sản từ nhóm đó được sử dụng.

Cũng giống như các loại hình DEX khác, các giao dịch trên DEX AMM vẫn được thực thi trên on-chain. Do đó, khi thực hiện giao dịch, bạn sẽ tốn một khoản phí để trả cho các thợ đào duy trì mạng hoạt động.

Một số dự án nổi tiếng phải kể đến như Uniswap, Sushiswap và Keyber Network.

Ưu – Nhược điểm của sàn DEX

Tham gia sàn DEX bạn sẽ không phải xác minh KYC, không phải đối mặt với các rủi ro từ sàn giao dịch và bạn được toàn quyền nắm giữ tài sản của mình. Bên cạnh nhiều ưu điểm vượt trội thì sàn DEX cũng tồn tại một số hạn chế nhất định. Cụ thể như sau:

Ưu điểm:

  • Không phải KYC

Tất cả các sàn giao dịch tiền điện tử (CEX) đều yêu cầu người dùng phải xác minh tài khoản KYC. Tuy nhiên, khi sử dụng sàn DEX, bạn sẽ không phải xác minh KYC. Sàn chỉ biết được số lượng ví đang hoạt động mà không hề biết bạn là ai. Do đó, đảm bảo người dùng giao dịch trên sàn DEX hoàn toàn đảm bảo được sự riêng tư.c

  • Không phải đối mặt với rủi ro từ sàn giao dịch 

Để duy trì tính thanh khoản của mình, các sàn CEX thực hiện giữ tiền của người dùng trên nền tảng, do đó sàn CEX thường là mục tiêu của các hacker. Bên cạnh đó, nếu bạn không chọn được sàn CEX uy tín thì những sàn CEX này cũng sẵn sàng “ôm tiền” của người dùng để tẩu thoát.

Sàn DEX ít gặp những rủi ro này hơn vì họ không giữ tiền của người dùng. Ngoài ra các hacker cũng gần như không thể nào tấn công hay hack tài khoản để chiếm lấy tài sản của người dùng. Nguyên nhân là bởi tài sản của người dùng nằm trên Blockchain và được bảo mật bởi hàng ngàn các node trong hệ sinh thái.

  • Toàn quyền nắm giữ tài sản của mình

Khi sử dụng sàn DEX bạn không cần phải lo lắng sàn giao dịch đóng băng tài sản hoặc chặn hành động rút tiền của bạn. Bạn có toàn quyền quản lý tài sản và sử dụng chúng bất cứ khi nào bạn muốn.

  • Có nhiều token hơn so với sàn tập trung

Với các token mới chưa được niêm yết trên sàn tập trung, bạn vẫn có thể giao dịch các token này trên sàn DEX khi có nhu cầu.

uu diem san dex

Nhược điểm:

  • Trải nghiệm người dùng kém: Trên thực tế các giao diện trải nghiệm sàn DEX chưa thật sự mượt mà khi so sánh với các sàn CEX truyền thống.
  • Không có khả năng thanh khoản: Hiện tại, khối lượng giao dịch của các sàn DEX vẫn còn rất nhỏ so với các sàn CEX. Do đó, khi sử dụng sàn DEX bạn sẽ không thể tìm thấy cặp giao dịch mong muốn. Hoặc nếu tìm thấy thì giá giao dịch sẽ khá cao.
  • Tốc độ giao dịch chậm: Để hoàn thành giao dịch, lệnh phải được thực hiện on-chain trên Blockchain, sau đó cần chờ sự xác nhận của các node trong hệ thống. Với các Blockchain bị hạn chế khả năng mở rộng sẽ khiến cho quá trình này diễn ra khá lâu.
  • Đôi khi phải trả phí giao dịch cao bất thường: Không phải lúc nào phí trên DEX cũng cao. Tuy nhiên nếu bạn thực hiện giao dịch trong trường hợp mạng tắc nghẽn thì bạn sẽ phải trả mức phí giao dịch cao bất thường.
  • Không hỗ trợ giao dịch tiền fiat: Không giống như các sàn giao dịch tập trung, sàn DEX không cho phép các trader trao đổi giữa tiền pháp định (fiat) với tiền điện tử. Thay vào đó, DEX cho phép trader giao dịch độc quyền một số token cụ thể. Ví dụ như sàn Uniswap chỉ cho phép các trader swap (hoán đổi) các token ERC20 với nhau.

Sự khác biệt giữa sàn DEX và sàn CEX

DEX và CEX đều hai hình thức sàn giao dịch điều được thiết lập để phục vụ cho quá trình trao đổi các tài sản tiền mã hóa. Tuy nhiên mỗi loại lại có một số điểm khác biệt:

phan biet san dex va cex

So sánh sàn DEX và CEX

Tiêu chí Sàn CEX Sàn DEX
Độ bảo mật và an toàn Hoạt động dưới hình thức tập trung. Hầu hết các sàn CEX đều trang bị nhiều giải pháp tối ưu để bảo vệ mạng lưới nhưng vẫn xảy ra các vụ hack nghiêm trọng. Khi đó, tài sản của bạn sẽ bi mất đi hoàn toàn. Hoạt động dưới hình thức phi tập trung dựa trên blockchain với các smart contract và mạng ngang hàng. Do đó độ bảo mật cao hơn, hacker khó có khả năng tấn công sàn hơn.
Tính lưu ký Khi người dùng nạp tiền vào sàn, họ có thể thực hiện giao dịch và sàn nắm quyền kiểm soát tài sản của họ. Khi người dùng chuyển tiền mã hóa lên sàn, họ có toàn quyền quản lý tài sản của mình vì nắm giữ private key của ví.
Tính ẩn danh CEX tuân thủ theo các quy định mới của chính phủ về KYC và AML nghiêm ngặt. Vì thế, khi tham gia sàn CEX bạn bắt buộc phải cung cấp thông tin về danh tính cho sàn CEX. DEX có tính ẩn danh cao. Người dùng có thể giao dịch một cách ẩn danh mà không cần KYC.
Tính xác thực Vì sàn CEX nắm quyền quản lý tài sản và thông tin người dùng nên sàn có thể làm giả mạo các giao dịch và chuộc lợi cho mình. Sàn DEX hoạt động trên blockchain với tính công khai và minh bạch. Sàn DEX gần như không thể thao túng tài sản của người dùng.

Top 5 sàn giao dịch phi tập trung uy tín nhất

Hiện nay các sàn giao dịch tập trung AMM là các sàn thu hút đông đảo người dùng sử dụng. Trong đó Uniswap, Pancakeswap, Sushiswap, 1inch và Trader Joe được đánh giá là 5 sàn giao dịch phi tập trung tốt nhất. Dựa trên các yếu tố như nền tảng xây dựng Blockchain có độ bảo mật cao, giao diện dễ sử dụng và cung cấp cho người dùng chức năng giao dịch tiền mã hóa thuận tiện.

1. Uniswap

Uniswap được vận hành trên blockchain của Ethereum và là giao thức tạo lập thị trường tự động AMM cho phép người dùng giao dịch giữa các token ERC20 với nhau, Kể từ khi ra mắt vào năm 2018 đến nay, Uniswap đã và đang là một trong những sàn DEX phổ biến nhất hiện nay.

san dex uniswap

Sàn giao dịch phi tập trung Uniswap

Phiên bản mới nhất của Uniswap là Uniswap V3 được chính thức ra mắt vào tháng 5/2021. Phiên bản V3 được nâng cấp tính năng Optimism, do đó phí gas (ETH) được giảm đi đáng kể so với phiên bản V2 trước đó. Đặc biệt, V3 giảm thiểu rủi ro trượt giá và giảm giá hơn rất nhiều so với phiên bản V2.

2. Pancakeswap

Pancakeswap cũng là sàn giao dịch phi tập trung được tạo lập bởi AMM, được xây dựng dựa trên blockchain Binance Smart Chain (BSC). Nền tảng này cho phép người dùng trao đổi các token BEP20 với nhau. Ngoài ra, sàn DEX này còn giúp người dùng thu về một khoản lợi nhuận nhất định khi tham gia tạo thanh khoản, staking hay farm.

Pancakeswap V2 là phiên bản được cập nhật nhiều thay đổi mới giúp giảm chi phí giao dịch hơn hẳn so với phiên bản đầu. Ngoài ra, nhờ hoạt động trên chuỗi BSC nên việc giao dịch trên Pancakeswap V2 ít tắc nghẽn hơn hẳn Uniswap. Nhờ đó mà thời gian xử lý giao dịch nhanh chóng và phí giao dịch cũng rẻ hơn nhiều.

3. Sushiswap

Với Sushiswap người dùng có thể thực hiện trao đổi các mã token thông qua AMM. Ban đầu, Sushiswap là một fork của Uniswap V2, sàn được xây dựng trên Ethereum cho phép người dùng swap (hoán đổi) tài sản của họ thông qua Pool thanh khoản. So với Uniswap thì Sushiswap sở hữu giao điện đẹp mắt hơn và quá trình giao dịch trên nền tảng này cũng rất dễ dàng.

san dex sushiswap

Sàn giao dịch phi tập trung Sushiswap

Hiện nay Sushiswap đang đi đầu trong việc triển khai Multichain khi tích cực triển khai các sản phẩm của mình trên EVM Chain (các blockchain tương thích với máy ảo Ethereum như TRON, Binance Smart Chain, Polygon…). Nghĩa là bạn bạn có thể thực hiện giao dịch tất cả các coin/token của hầu hết các nền tảng EVM trên Sushiswap.

4. 1inch

1inch.exchange là sàn DEX Aggegator Protocal cho phép người dùng thực hiện giao dịch token với giá tốt nhất trên thị trường. Nền tảng này hoạt động trên Blockchain Ethereum, Polygon và Binance Smart Chain, cho phép người dùng có thể hoán đổi (swap) tất cả các token ERC20. Ngoài token 1INCH, sàn còn ra mắt Chi GasToken hỗ trợ giảm phí giao dịch tối đa cho người dùng.

5. Trader Joe

Trader Joe là một AMM vận hành trên mạng lưới Blockchain Avalanche. Ngoài là một sàn DEX sở hữu tốc độ giao dịch nhanh, chi phí giao dịch thấp thì Trader Joe còn được tích hợp thêm nhiều tính năng nổi bật khác như Lending, Staking và Yiel Farming, Zap…

Giải đáp câu hỏi về sàn DEX

1. Sàn DEX có an toàn không?

Sàn DEX được xây dựng trên Blockchain với các smart contract và mạng ngang hàng P2P. Do đó có độ bảo mật rất cao, hacker khó có khả năng tấn công vào sàn. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng một số blockchain có độ bảo mật thấp thì sàn DEX được xây dựng trên nó vẫn có khả năng bị các hacker xâm nhập. Do đó, bạn cần lựa chọn và sử dụng các sàn DEX được xây dựng trên các blockchain có độ bảo mật cao.

2. Người mới nên giao dịch tại sàn DEX hay CEX?

Nếu là người mới, bạn nên sử dụng sàn CEX để làm quen với cách giao dịch cơ bản cũng như biết cách mua bán tiền mã hóa. Bởi sàn CEX thường có giao diện dễ sử dụng hơn, tốc độ mạng nhanh hơn. Sau khi đã thành thạo, bạn có thể tham gia vào các sàn DEX để trải nghiệm thêm các tính năng đặc biệt của sàn giao dịch này.

3. Sàn DEX có tính hợp ví cứng không?

Hiện nay đã có rất nhiều sàn DEX cung cấp tính năng tích hợp liền mạch với các ví cứng (ví lạnh) như Trezor hay Ledger Nano. Do đó, bạn có thể gửi tài sản trực tiếp từ ví cứng đến hợp đồng thông minh trên sàn DEX thuận tiện.

Kết luận

Tóm lại có thể thấy sàn DEX là một trong những sản phẩm phát triển mạnh mẽ của tài chính phi tập trung (DeFi) hiện nay. Khi tham gia sàn DEX bạn sẽ không phải KYC lằng nhằng. Bạn chính là người kiểm soát tài sản kỹ thuật số của mình thông qua private key do đó hạn chế được mọi rủi ro như sử dụng sàn CEX. Hy vọng thông qua bài viết bạn đã nắm vững được thuật ngữ crypto sàn DEX là gì cũng như lựa chọn cho mình một sàn giao dịch phi tập trung tốt nhất.