Stablecoin là gì? Những điều cần biết về đồng Stablecoin

Bởi: Đinh Văn Đàm - Đăng ngày: 04/11/2021 - Cập Nhật: 06/06/2022

Stablecoin được coi là cầu nối giữa tiền điện tử và tiền pháp định, vì nó vừa mang tính ổn định của tiền Fiat, vừa có tính linh hoạt của tài sản kỹ thuật số. Cho phép người dùng giao dịch dễ dàng trên nền tảng Blockchain hoặc chuyển tiền xuyên biên giới nhanh chóng với chi phí cực thấp. Vậy cụ thể, stablecoin là gì? Hãy cùng Coin568 tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé.

Stablecoin là gì?

Stablecoin là một loại tiền kỹ thuật số được phát hành trên nền tảng công nghệ Blockchain, có giá trị gắn với một loại tài sản ổn định khác như: vàng, tiền pháp định USD, EUR hoặc một đồng tiền ảo khác. Đồng tiền này có tính chất toàn cầu, phi tập trung và ít biến động.

Stablecoin la gi

Stablecoin là gì?

Ví dụ như: USDC,USDT, BUSD được neo giá theo USD với tỷ lệ 1: 1. Pax Gold được neo giá theo 1 troy ounce vàng của Anh.

Stablecoin ra đời với mục đích làm giảm sự biến động giá trên thị trường tiền điện tử và là cầu nối giữa thị trường tiền ảo và thị trường tập trung truyền thống. Chính vì thế, loại tiền này thường không được dùng để đầu tư. Đa phần mọi người chỉ sử dụng Stablecoin để trao đổi, mua bán với các loại tiền điện tử khác hoặc sử dụng làm tài sản thế chấp, cho vay…

Stablecoin ra đời năm 2014 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch trên thị trường tiền điện tử, vào thời điểm đó các ngân hàng không muốn cấp tài khoản cho công ty tiền điện tử. Bởi các giao dịch tiền điện tử thường ẩn danh và không được kiểm soát nên dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng rửa tiền, trốn thuế…

>> Xem thêm: Altcoin là gì

Tầm quan trọng của Stablecoin

Mỗi đồng tiền mã hóa ra đời đều có chức năng riêng biệt và Stablecoin cũng không ngoại lệ. Mặc dù không thể đầu tư sinh lời nhưng Stablecoin có thể giải quyết rất nhiều vấn đề trên thị trường tiền điện tử. Cụ thể như sau:

1. Stablecoin giải quyết vấn đề gì trên thị trường crypto

Sự biến động quá lớn của tiền mã hóa chính là trở ngại lớn nhất trong việc thanh toán toàn cầu. Với Stablecoin thì hoàn toàn ngược lại, giá trị của nó được gắn với một loại tài sản ổn định như đô la Mỹ hoặc vàng… Đối với từng đối tượng cụ thể đồng tiền này có thể giải quyết các vấn đề như:

  • Đối với nhà đầu tư: Các nhà đầu tư có thể chuyển đổi tài sản tiền điện tử sang stablecoin để tránh sự biến động giá trên thị trường tiền ảo mà không cần phải đổi sang tiền Fiat.
  • Đối với nhà bán hàng: Khi tiền mã hóa biến động quá nhiều thì khó có một nhà bán hàng nào chịu thanh toán bằng crypto. Nhưng với Stablecoin ít biến động thì vấn đề này sẽ được giải quyết hoàn toàn.

2. Stablecoin dùng để làm gì?

Stablecoin thường được sử dụng cho các mục đích sau:

  • Hạn chế sự biến động: Đây chính là mục đích lớn nhất của các nhà phát hành Stablecoin. Khi nắm giữ những đồng tiền này nhà đầu tư sẽ không phải lo lắng giá sẽ tăng vọt trong một thời gian ngắn.
  • Giao dịch chuyển tiền: Bạn có thể giao dịch mua bán, trao đổi Stablecoin khắp nơi trên thế giới mà không phải thông qua bên thứ 3 là ngân hàng. Thậm chí, bạn có thể chuyển tiền đến những quốc gia khó chấp nhận đồng đô la Mỹ hoặc nơi có đồng nội tệ không ổn định. Đặc biệt bạn hoàn toàn có thể chuyển Stable với giá rẻ từ 1 USD.
  • Đầu tư sinh lời: Hiện nay đa phần các sàn đều cung cấp hình thức tiết kiệm, staking, … do đó bạn có thể sử dụng đồng tiền này để cho vay, gửi tiết kiệm, đặt cược để kiếm lãi.

Các loại Stablecoin phổ biến

Có nhiều loại stablecoin với những cách neo giá khác nhau. Căn cứ vào các loại tài sản cố định chúng ta sẽ có 3 loại stablecoin phổ biến như dưới đây:

1. Stablecoin được đảm bảo bởi tiền pháp định (fiat)

Đây là loại stablecoin phổ biến nhất trên thị trường crypto hiện nay. Giá trị của chúng được gắn với một loại tiền tệ (phổ biến nhất là đô la Mỹ, Euro và franc Thụy Sĩ) theo một tỷ lệ cố định thường là 1:1.

Đối với các loại stablecoin này khi bạn gửi tiền pháp định đến một nhà phát hành trung tâm. Họ sẽ tạo ra một lượng token tương ứng và sẽ hủy khi bạn gửi lại đồng tiền này về trung tâm. Nhờ thế mà tỷ lệ 1: 1 luôn được đảm bảo.

Tuy có thể đảm bảo độ biến động nhưng khi nắm giữ Stablecoin vẫn tồn tại rủi ro ở phía đơn vị phát hành. Cho nên, bạn hãy chọn những đồng stablecoin có công ty phát hành thực sự đáng tin cậy. Nguyên nhân là bạn không có căn cứ để chắc chắn rằng họ dự trữ lượng tiền bảo đảm đúng như cam kết. Mặc dù họ đã công bố báo cáo kiểm toán để minh bạch hóa thông tin, tạo sự tin tưởng ở người dùng nhưng hệ thống này cũng không hoàn toàn đáng tin cậy 100%.

cac loai Stablecoin

Các loại Stablecoin

2. Stablecoin được đảm bảo bởi tiền mã hoá

Stablecoin được đảm bảo bởi tiền mã hóa sẽ sử dụng tiền mã hóa làm tài sản thế chấp. Tuy nhiên, do tiền mã hóa là tài sản kỹ thuật số nên việc phát hành cần phải thông qua các hợp đồng thông minh.

Để có stablecoin được đảm bảo bởi tiền mã hóa thì người dùng cần khóa đồng tiền của mình vào một hợp đồng, hợp đồng sẽ phát hành token. Nếu muốn lấy lại tiền mã hóa thế chấp thì họ phải trả lại stablecoin và lãi suất vào cùng một hợp đồng.

Sự ổn định về giá của loại tiền là khác nhau và phụ thuộc vào thiết kế của từng hệ thống. Thông thường, sự ổn định đạt được thông qua việc giới thiệu các công cụ bổ sung và các ưu đãi, chứ không chỉ là tài sản thế chấp. 

Giá trị của stablecoin sẽ thay đổi cùng với giá trị của tài sản thế chấp và công cụ bổ sung. Sự phức tạp và sự hỗ trợ không trực tiếp của stablecoin có thể ngăn cản việc sử dụng, vì người dùng sẽ khó hiểu giá thực sự được đảm bảo như thế nào.  Ngoài ra, việc triển khai kỹ thuật của loại stablecoin này phức tạp và đa dạng hơn so với loại được thế chấp bằng fiat nên có thể gặp rủi ro khai thác lớn hơn do lỗi trong mã hợp đồng thông minh. 

3. Stablecoin được neo giá bằng thuật toán

Các stablecoin loại này được neo giá bằng các thuật toán và hợp đồng thông minh (smart contract). Công nghệ blockchain này sẽ quản lý các token đã phát hành. Nếu giá của stablecoin thấp hơn giá của loại tiền pháp định mà nó theo dõi, hệ thống sẽ giảm nguồn cung của token để đẩy giá cao lên. Ngược lại, hệ thống sẽ đưa các token mới vào lưu thông nhằm giảm giá trị của đồng stablecoin.

Ưu – Nhược điểm của đồng Stablecoin

Stablecoin chính là cầu nối giữ thị trường tài chính truyền thống và thị trường tiền điện tử. Loại tiền điện tử này giải quyết được nhiều tồn đọng của thị trường crypto nhưng nó vẫn tồn tại nhiều nhược điểm. Để hiểu hơn về Stablecoin, chúng ta hãy cùng tìm hiểu và ưu và nhược điểm của nó trong phần dưới đây:

Ưu điểm:

  • Do giá trị ổn định và dễ dự đoán nên Stablecoin có thể sử dụng làm phương tiện giao dịch bổ sung cho tiền mã hóa (loại tiền biến động cao nên khó được sử dụng rộng rãi hàng ngày).
  • Stablecoin có tính toàn cầu nên bất kỳ ai trên thế giới có kết nối internet cũng có thể giao dịch. Ngoài ra, thị trường Stable là mở nên có thể giao dịch 24/7.
  • Tính bảo mật cao, được bảo đảm và kiểm tra nghiêm ngặt. 
  • Các giao dịch tài chính trên blockchain sẽ nhanh hơn so với các quy trình truyền thống vì không phải đợi bên trung gian xác nhận và cũng không tốn phí cho bên thứ ba.
  • Các giao dịch stablecoin đều được lưu giữ lại trên blockchain và có thể được tra cứu bất kỳ lúc nào bởi bất cứ ai. Từ đó, có thể đảm bảo tính minh bạch.

Nhược điểm:

  • Sẽ có một thực thể trung gian nắm giữ các tài sản đảm bảo cho stablecoin nên loại tiền này kém phi tập trung hơn so với tiền mã hóa thông thường.
  • Vẫn tồn tại rủi ro nếu bên phát hành và nắm giữ tài sản đảm bảo không uy tín.
  • Tăng trưởng chậm nên nhà đầu tư sẽ không thu được lợi nhuận nhiều từ Stablecoin. Thay vào đó họ sẽ tập trung đầu tư vào Bitcoin, Altcoin.

Có nên đầu tư vào Stablecoin không?

Stablecoin tuy có thể đảm bảo một cơ chế thanh toán phi tập trung, ẩn danh và toàn cầu như tiền điện tử và định giá ổn định như một loại tiền tệ pháp định. Tuy nhiên, sẽ rất khó khuyên bạn nên hay không nên đầu tư vào loại tiền này. Chúng ta sẽ cùng xem xét vấn đề như sau:

  • Nên đầu tư là vì loại tiền này có thể giúp bạn chuyển đổi mua bán với các crypto khác dễ dàng hơn so với tiền fiat. Đồng thời, Stablecoin cũng có rủi ro thấp hơn so với các loại tiền mã hóa khác.
  • Không nên đầu tư Stablecoin là vì trong tương lai, loại tiền cũng có thể xảy ra lạm phát khi các ngân hàng trung ương in thêm nhiều tiền. Với những stablecoin được đảm bảo bởi tiền mã hóa có thể tăng và giảm giá trị do biến động của đồng tiền thế chấp. Ngoài ra, đồng tiền này cũng biến động quá thấp nên sẽ không là cơ hội đầu tư sinh lời tốt.

Như vậy, nên hay không nên đầu tư còn tùy thuộc vào mục đích của mỗi người. Do vậy, trước khi đưa ra quyết định bạn hãy cân nhắc thật kỹ nhu cầu của bản thân nhé!

Các đồng stablecoin phổ biến hiện nay

Hiện nay, có rất nhiều loại Stablecoin được tạo ra, nhưng không phải đồng tiền nào cũng an toàn và đáng sử dụng. Vì vậy, sau đây Coin568 sẽ liệt kê một số đồng stablecoin hữu ích nhất để bạn tham khảo:

1. USDT

USDT là một loại stablecoin phổ biến được phát hành bởi Tether Limited vào năm 2014, trụ sở chính tại Hong Kong. CEO của Tether là JL Van Der Velde. Đây là một trong những stablecoin lâu đời nhất, có giá trị được đảm bảo bằng USD theo tỷ lệ 1:1 (tức là duy trì 1 USD dự trữ cho mỗi USDT được phát hành).

usdt la gi

USDT có mức vốn hóa thị trường lên đến 64 tỷ USD và hiện đang được niêm yết tại hầu hết các sàn giao dịch lớn như: Binance, Mandala Exchange, OKEx, FTX và Huobi… Mọi người có thể sử dụng USDT để chuyển tiền giữa các sàn giao dịch một cách nhanh chóng.

2. USD Coin

Ra mắt vào tháng 9/2018, USD Coin (ký hiệu: USDC) được phát hành bởi Tập đoàn Centre – được thành lập bởi Circle và Coinbase. Giá trị của USDC được gắn với đồng đô la Mỹ theo tỷ lệ 1: 1. Ban đầu đồng stablecoin này được phát hành trên nền tảng Blockchain của Ethereum theo tiêu chuẩn ERC-20, sau đó phát hành trên Algorand, TRON, Solana…

usdc la gi

Mục tiêu của USDC không chỉ tạo ra đồng tiền ổn định dùng để thanh toán, giao dịch trên mạng lưới Blockchain mà nó còn hỗ trợ các hợp đồng thông minh, cho vay và đầu tư… Tính đến thời điểm hiện tại, USDC đang có ó nguồn cung lưu hành gần 26 tỷ USD, nhưng Circle dự đoán rằng, con số này sẽ chạm 190 tỷ USD vào năm 2023. 

3. BUSD

Binance USD (BUSD) là stablecoin phổ biến thứ 3 trên thế giới, được neo giá bằng USD theo tỷ lệ 1:1 (1 BUSD = 1 USD) và phát hành bởi sàn giao dịch Binance (hợp tác với Paxos) vào ngày 05/9/2019. Ngoài ra, BUSD còn được Bộ Dịch vụ Tài chính Bang New York (NYDFS) phê duyệt và quản lý. Hiện tại, BUSD có vốn hóa thị trường là 13 tỉ USD.

dong busd

Tương tự như các stablecoin khác, BUSD được thiết kế để duy trì sự ổn định trên thị trường tiền điện tử. Người dùng có thể sử dụng BUSD để giao dịch với các loại coin/token khác hoặc chuyển tiền nhanh chóng trên toàn cầu với chi phí cực thấp.

4. Dai

DAI là một stablecoin phi tập trung được thế chấp bằng tiền điện tử và được neo theo giá của đồng đô la Mỹ. DAI được phát hành bởi MarkerDAO thông qua hợp đồng thông minh (smart contract) trên nền tảng blockchain của Ethereum. Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 6,5 tỷ DAI đang được lưu hành và là đồng stablecoin phổ biến thứ 4 trên thế giới,

Kết luận

Trên đây, Coin568 vừa gửi tới bạn những thông tin về stablecoin là gì và top những đồng Stablecoin phổ biến trên thế giới. Hi vọng, thông qua bài viết này các bạn sẽ hiểu rõ về đồng tiền điện tử “ổn định” này cũng như ưu, nhược điểm và ứng dụng của nó để có những quyết định đầu tư sáng suốt nhất nhé!