Tiền điện tử là gì? Các thông tin quan trọng về tiền điện tử

Bởi: Đinh Văn Đàm - Đăng ngày: 04/11/2021 - Cập Nhật: 06/06/2022

Tiền điện tử ra đời như một giải pháp kỹ thuật số thay thế tiền mặt. Loại tiền này phục vụ cho việc thanh toán điện tử thông qua hệ thống thông tin như: hệ thống mạng máy tính, Internet, điện thoại thông minh và các thẻ thanh toán điện tử. Vậy thực chất tiền điện tử là gì? Trong bài viết sau đây, Coin568 sẽ giúp các bạn hiểu rõ về tiền điện tử, ưu – nhược điểm cũng như cách thức hoạt động và ứng dụng của loại tiền này.

Tiền điện tử là gì?

Tiền điện tử đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng khái niệm tiền điện tử vẫn còn gặp nhiều sai lệch và nhầm lẫn. Để mọi người hiểu hơn về tiền điện tử thì trong bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm hiểu về khái niệm và lịch sử hình thành của loại tiền này.

Khái niệm:

Tiền điện tử trong tiếng Anh là electronic currency, electronic money, e-cash, digital currency, digital money, digital cash và còn được gọi với tên gọi khác là tiền kỹ thuật số. Đây là đơn vị tiền tệ hoạt động dựa trên các thuật toán điện tử, được lưu trữ trên mạng Internet, điện thoại thông minh, hệ thống máy tính, hoặc các thẻ thanh toán điện tử, với mục đích đảm bảo cho các giao dịch điện tử diễn ra thuận lợi, không bị đứt quãng.

tien dien tu la gi

Tiền điện tử là gì?

Hiểu một cách đơn giản hơn, tiền điện tử ra đời như một giải pháp kỹ thuật số thay thế tiền mặt. Nó cho phép người dùng thanh toán không dùng tiền mặt với số tiền được lưu trữ trên thẻ, điện thoại hoặc qua mạng internet.

Lịch sử hình thành:

Tiền điện tử không phải là khái niệm mới, nó vốn đã xuất hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước nhưng tới thế kỷ 21 mới thực sự ‘bùng nổ’ và được biết đến rộng rãi..

David Chaum là người đầu tiên trình bày ý tưởng về tiền điện tử vào năm 1983 và 7 năm sau đó, ông đã hiện thực hóa ý tưởng trên bằng việc thành lập DigiCash – một công ty về tiền điện tử. Tuy nhiên, chỉ 8 năm sau khi thành lập, Digicash đã tuyên bố phá sản. Nhiều startup nổi tiếng khác như Beenz, Flooz…cũng lâm vào tình trạng tương tự khi tham gia vào lĩnh vực này. Nguyên nhân được cho là họ quá tin tưởng khi nhờ một bên trung gian điều khiển và thúc đẩy các giao dịch.

Một dự án nổi bật phải kể đến trong giai đoạn này phải kể đến E-Gold. Với khối lượng giao dịch lên tới hàng tỷ đô la hàng tháng, công ty tiền điện tử này đã gây được tiếng vang lớn tại Hoa Kỳ nhưng do bảo mật lỏng lẻo, E-Gold đã bị hacker tấn công. E-Gold bắt đầu “trượt dốc không phanh” từ năm 2000 và đến năm 2009 thì chính thức bị “khai tử”.

Tiền điện tử bước vào kỷ nguyên tươi sáng khi một nhóm lập trình viên có bí danh Satoshi Nakamoto cho ra đời một bài báo mô tả các loại tiền điện tử vào năm 2008 và ra mắt Bitcoin vào năm 2009. 

Ngược lại với các dự án tiền điện tử trước đó, Satoshi mô tả đây là một hệ thống “tiền điện tử ngang hàng ”, phi tập trung, không chịu kiểm soát của bên thứ 3, đồng thời có độ bảo mật cực cao. Sau khi Bitcoin ra đời, chỉ trong vòng 1 năm đã có thêm 100 loại tiền điện tử khác được ra mắt. Cho tới nay, con số này lên tới hàng nghìn loại.

Các hình thức của tiền điện tử

Tiền điện tử tồn tại dưới hai hình thức chính là: tiền điện tử pháp định và tiền ảo (virtual currency). Mỗi hình thức này sẽ có đặc điểm và cách thức hoạt động khác nhau. Cụ thể như sau:

1. Tiền điện tử pháp định

Tiền điện tử pháp định là hình thức số hóa (dạng bit số/kỹ thuật số) của tiền pháp định, do chính phủ phát hành. Loại tiền này ra đời với mục đích giúp các giao dịch điện tử (qua mạng internet) một cách nhanh chóng, tiện lợi.

Giá trị của loại tiền điện tử này được đảm bảo bằng tiền pháp định nên có thể dễ dàng chuyển đổi thành dạng vật chất, hữu hình như tiền giấy.

Ví dụ: Tiền của bạn trên các ví điện tử như Momo, Airpay, Vnpay,…hay Internet Banking tại các ngân hàng chính là tiền điện tử pháp định. 

2. Tiền ảo

Tiền ảo cũng là một loại tiền điện tử, nhưng nó không được kiểm soát cũng như phát hành bởi các Chính phủ. Loại tiền này được phát hành bởi tư nhân hoặc tổ chức không phải công quyền. Nó chỉ tồn tại ở dạng điện tử/kỹ thuật số và được chấp nhận bởi một cộng đồng ảo cụ thể.

Năm 2014, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã định nghĩa: “Tiền ảo là giá trị được thể hiện dưới dạng kỹ thuật số. Nó không được phát hành bởi Ngân hàng Trung ương hay cơ quan công quyền nhưng được các cá nhân/pháp nhân chấp nhận, dùng để thanh toán, chuyển nhượng, lưu trữ hoặc giao dịch trong môi trường điện tử. Đặc biệt, tiền ảo không nhất thiết phải gắn với tiền định danh (tiền pháp định)”.

Ví dụ: Các đồng xu bạn dùng trong thẻ game khi chơi Liên Minh Huyền Thoại hay Audition, hoặc các xu bạn nhận được khi mua hàng trên shopee…là tiền ảo.

3. Tiền mã hóa

Tiền mã hóa (crypto) được hiểu là một lớp con của tiền ảo, là tài sản được số hóa và hoạt động với chức năng là trung gian trao đổi. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là loại tiền này sử dụng mật mã để đảm bảo, kiểm soát và xác minh việc chuyển giao tài sản giữa người gửi và người nhận.

Tính phi tập trung chính là tính năng đặc biệt tạo nên sức hấp dẫn, khác biệt của tiền mã hóa so với các loại tiền khác. Vì không được phát hành bởi tổ chức tài chính hay ngân hàng trung ương nên tiền mã hóa không chịu sự can thiệp hay thao túng của bất kỳ chính phủ nào.

Tiền mã hóa được phân loại thành cointoken hoặc Bitcoin và các Altcoin.

Ví dụ: Bitcoin là đồng tiền mã hóa thế hệ đầu tiên dựa trên công nghệ Blockchain và cũng là đồng tiền giá trị nhất trên thế giới ở thời điểm hiện tại. Hiện nay, có hàng nghìn loại tiền mã hóa được ra đời với những chức năng khác nhau.

Cách thức hoạt động của tiền điện tử

Tiền điện tử được xây dựng và chạy dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain (công nghệ chuỗi khối). Blockchain thực chất là một cuốn sổ cái công khai, ghi lại toàn bộ các giao dịch diễn ra, cập nhật liên tục, và được xác thực bởi hàng triệu máy tính kết nối toàn cầu. 

Công nghệ này cho phép các giao dịch được diễn ra trực tiếp giữa người gửi và người nhận, không có sự can thiệp, kiểm soát của bất kỳ bên trung gian thứ ba nào nhưng vẫn đảm bảo an toàn và chính xác về dữ liệu.

Khi tham gia giao dịch tiền điện tử, bạn không cần sử dụng tên họ thật hay đăng ký với ngân hàng. Tất cả những gì bạn cần khi tham gia các sàn giao dịch tiền điện tử là email và một nặc danh tự đặt.

cach thuc hoat dong cua tien dien tu

Có thể hiểu đơn giản về cách thức hoạt động của tiền điện tử như sau: 

  • Mỗi đồng xu là một tệp máy tính, được lưu trữ trong ví kỹ thuật số và chuyển từ người này sang người khác thông qua công nghệ blockchain. Người dùng có thể dễ dàng truy cập các ví đó qua các ứng dụng trên smartphone hay máy tính, chỉ cần chúng có kết nối mạng internet. 
  • Mỗi giao dịch sẽ đều cần được xác minh bởi những người xác thực (Node). Nếu đồng tiền điện tử sử dụng cơ chế đồng thuận PoW thì người xác thực là Miner (thợ đào) – thực chất ở đây là một máy tính. Tất cả các máy tính trong mạng blockchain sẽ xử lý và xác nhận các giao dịch. Nếu là PoS thì người xác thực sẽ là những người staking đồng coin,….
  • Nếu kết quả sau kiểm tra được xác nhận là không có gian lận thì giao dịch của bạn sẽ được thêm vào cuốn sổ cái đó, đồng thời chuyển dữ liệu này tới các máy tính khác trong mạng lưới. Ngược lại, khi có một giao dịch không hợp lệ, hệ thống sẽ loại bỏ bằng dựa trên kết quả từ số đông.
  • Về phía người xác thực, phần thưởng cho công sức của họ chính là tiền mã hóa.

Tiền điện tử dùng để làm gì?

Tiền điện tử có thể dùng để mua hàng hóa, thanh toán dịch vụ như: vé máy bay, phòng khách sạn, thực phẩm, quần áo…Tuy nhiên, việc này chỉ giới hạn ở những quốc gia, doanh nghiệp, công ty hoặc cửa hàng chấp nhận tiền điện tử. 

Ở Việt Nam, bạn không thể dùng tiền điện tử để thanh toán hàng hóa, dịch vụ vì chúng chưa được công nhận là đồng tiền hợp pháp. Chủ yếu người dùng mua – bán tiền kỹ thuật số trên các sản giao dịch để lưu trữ hoặc đầu tư nhằm mục đích sinh lời.

Ưu – Nhược điểm của tiền điện tử

Tiền điện tử đã làm thay đổi nhận thức và cuộc sống của chúng ta. Nó khiến cho mọi thứ trở nên dễ dàng hơn, tuy nhiên loại tiền này cũng tồn tại nhiều hạn chế. Và để mọi người hiểu rõ hơn, trong phần tiếp theo Coin568 sẽ chỉ ra những ưu, nhược điểm của tiền điện tử.

Ưu điểm:

  • Phí giao dịch thấp: Do tiền được chuyển trực tiếp từ người này sang người khác, không mất phí cho bên trung gian. 
  • Thông tin bảo mật, an toàn cho người dùng: Nếu như giao dịch qua ngân hàng, tổ chức tài chính, bạn phải cung cấp thông tin cho họ thì đối với tiền mã hóa, mỗi giao dịch là một cuộc trao đổi duy nhất giữa hai bên. Không có bên thứ ba nào có thể truy cập dữ liệu của bạn. 
  • Giao dịch tiện lợi, tự do, nhanh chóng: Bất kỳ ai cũng có thể gửi và nhận tiền nhanh chóng chỉ bằng vài cú click chuột trên hệ thống, không giới hạn số lượng và không có ai quản lý được số tiền giao dịch của bạn. 
  • Độ minh bạch cao: Mọi thông tin đều được hiển thị công khai trên hệ thống blockchain, bạn có thể theo dõi và xem bất kỳ lúc nào.
  • Có tiềm năng phát triển trong tương lai: Khi thương mại điện tử ngày càng lên ngôi, việc thanh toán trực tuyến đang trở thành xu hướng và dần thay thế cho thanh toán bằng tiền mặt, thì tiềm năng của tiền mã hóa trong việc thanh toán là khá lớn.
  • Khắc phục hạn chế của tiền giấy hiện nay:

     – Không bị lạm phát hay mất giá như tiền giấy

     – Tiền mã hóa không tồn tại dưới dạng vật chất nên không thể làm giả được.

     – Tránh được các rủi ro khi sử dụng tiền giấy như: mất tiền, cháy tiền, rách tiền, hoặc bị cướp giật…

     – An toàn với môi trường vì không phải sử dụng hóa chất in ấn để tạo ra tiền mã hóa.

uu nhuoc diem cua tien dien tu

Nhược điểm:

  • Tiền điện tử còn chưa được chấp nhận rộng rãi bởi người dùng nên nhiều cá nhân và doanh nghiệp còn e ngại khi sử dụng.
  • Giá trị của những đồng tiền này thường xuyên thay đổi, khó dự đoán giá, tạo nên rủi ro cho người nắm giữ.
  • Người nắm giữ tiền mã hóa có thể gặp rủi ro, mất tiền nếu gặp lỗi ổ cứng, dữ liệu nhiễm virus… mà không khôi phục được.
  • Nếu hệ thống giao dịch không được kiểm soát chặt chẽ thì tiền mã hóa có thể trở thành công cụ cho các tội phạm rửa tiền.

Quy định pháp luật Việt Nam về tiền điện tử

Hiện tại, nước ta vẫn chưa ban hành quy định pháp lý chính thức nào về việc phát hành, mua-bán hay trao đổi tiền điện tử cũng như quy định về đơn vị quản lý việc phát hành và giao dịch chúng.

Tiền điện tử ở Việt Nam đang được hiểu là giá trị tiền tệ lưu trữ trên các phương tiện điện tử như ví điện tử, thẻ trả trước do ngân hàng cung ứng và ví di động. 

quy dinh phap luat ve tien dien tu

Quy định pháp luật Việt Nam về tiền điện tử

Theo các luật có liên quan thì tiền số không phải là một loại tài sản (theo Bộ luật dân sự 2015) và cũng không phải là một loại tiền, không được coi là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam (theo luật tín dụng-ngân hàng).

Ngoài ra, theo thông báo từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, kể từ ngày 01/01/2018, việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền số làm phương tiện thanh toán là không hợp pháp, bị cấm và thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền nếu giao dịch tiền số với mục đích rửa tiền. 

Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có quy định nào đề cập tới việc mua, bán tiền điện tử trên các sàn giao dịch nước ngoài hay việc sở hữu chúng của các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam.

Được biết, Bộ Tài chính đã thành lập tổ nghiên cứu, bước đầu nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác trên thế giới về hoạt động quản lý, giám sát tiền điện tử. Nước ta sẽ sớm hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo để hướng dẫn người dân.

Gần đây nhất (vào ngày 15/6/2021), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 5 năm 2021 – 2025. Nội dung là ưu tiên đẩy mạnh việc nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi có thể tạo bứt phá mạnh mẽ cho Việt Nam như QR code, trí tuệ nhân tạo, công nghệ blockchain, thực tế ảo/thực tế tăng cường, dữ liệu lớn…nhằm tạo điều kiện để sớm triển khai các công nghệ số tiên tiến của thế giới vào nước ta.

Trong đó, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì trong vấn đề nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền điện tử dựa trên công nghệ chuỗi khối (Blockchain) với thời gian thực hiện từ năm 2021 – 2023.

Kết luận

Trên đây, Coin568 đã gửi đến bạn toàn bộ thông tin chi tiết về tiền điện tử là gì, các hình thức, cách thức hoạt động cũng như chức năng, ưu-nhược điểm của nó. Hy vọng qua bài viết trên đây, bạn đã nắm được những kiến thức hữu ích về tiền điện tử, phục vụ cho việc đầu tư của mình. 

5/5 - (1 bình chọn)