Bollinger Bands là gì? Cách cài đặt & sử dụng dải Bollinger

Bởi: Hidayat Hafied - Đăng ngày: 05/01/2022 - Cập Nhật: 09/06/2022

Nếu như các chỉ báo động lượng RSI, MACD, Stochastic… thường cung cấp tín hiệu thiếu chính xác trong giai đoạn sideway, thì Bollinger Bands lại là chỉ báo hoạt động hiệu quả khi thị trường đi ngang. Vậy cụ thể, Bollinger Bands là gì? Ý nghĩa của dải Bollinger? Cách cài đặt và sử dụng chỉ báo Bollinger Bands như thế nào? Hãy cùng Coin568 tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Bollinger Band là gì?

Bollinger Bands (hay dải Bollinger, viết tắt là BB) là chỉ báo kỹ thuật được phát triển bởi John Bollinger vào đầu những năm 1980. Công cụ chỉ báo này được hình thành từ việc kết hợp đường MA và độ lệch chuẩn.

Cụ thể, Bollinger Bands gồm 3 dải băng, dải Bollinger ở giữa là đường trung bình động chu kỳ 20 ngày (SMA20) và hai dải di động ở 2 bên. Khi thị trường biến động mạnh, 2 dải băng này sẽ mở rộng ra và thu hẹp lại khi thị trưởng ổn định, ít biến động.

Bollinger Band la gi

Bollinger Band là gì?

Dựa vào chỉ báo Bollinger Bands, các trader có thể xác định xu hướng thị trường đang trong giai đoạn đi ngang (sideway) hay biến động mạnh mẽ. Từ đó tìm kiếm những điểm vào lệnh phù hợp.

Các thành phần của chỉ báo Bollinger Band:

Bollinger Band được cấu tạo bởi 3 dải băng Bollinger là:

  • Dải băng giữa (Middle Band): là đường trung bình động SMA20 chạy ở giữa bám sát đường giá.
  • Dải băng trên (Upper Band): Dải băng giữa cộng thêm 2 lần độ lệch chuẩn.
  • Dải băng dưới (Lower Band): Dải băng giữa trừ đi 2 lần độ lệch chuẩn.

cau tao Bollinger Band

John Bollinger đặt dải Bollinger giữa cách dải trên và dải dưới 2 độ lệnh chuẩn để điều chỉnh biến động giá của thị trường tốt hơn. Nhờ vậy mà dải Bollinger có sự thay đổi tương quan với độ lệch chuẩn, phản ứng nhanh hơn so với thay đổi giá trên thị trường và có khả năng “bao hàm” giá tốt hơn.

Hơn nữa, dải Bollinger giữa được kẹp giữa dải trên và dải dưới nên hầu hết các chuyển động giá đều nằm trong dải Bollinger.

Công thức tính Bollinger Band

Từ khái niệm trên ta có công thức tính dải Bollinger như sau:

  • Dải trên = SMA20  + (Độ lệch chuẩn 20 ngày của giá x 2)
  • Dải giữa = SMA20
  • Dải dưới = SMA (20) – (Độ lệch chuẩn 20 ngày của giá x 2)

Trong đó: 

  • SMA là đường trung bình động đơn giản chu kỳ 20 ngày. Đây chính là khoảng thời gian giao dịch trong vòng 2 tuần, dùng để mô tả xu hướng ngắn hạn.
  • Độ lệch chuẩn là công cụ tìm ra sự chênh lệch của một mẫu so với giá trình trung bình của chính nó. Để tính tính độ lệch chuẩn chúng ta cần phải xác định phương sai theo công thức sau:

cong thuc tinh phuong sai

  • X: Giá trị của tài sản = (giá cao + thấp + đóng cửa) : 3
  • SMA: Đường trung bình động trong thời điểm tính
  • N: Chu kỳ tính độ lệch chuẩn (thường là 20 ngày)

Ý nghĩa của dải Bollinger Band

Do được cấu tạo từ đường trung bình động và độ lệch chuẩn của giá, nên Bollinger Bands có thể giúp nhà đầu tư thấy rõ xu hướng hiện tại của thị trường, cũng như dự đoán xu hướng giá trong tương lai. Sau đây là một số ý nghĩa quan trọng của dải Bollinger Band:

1. Xác định biến động của thị trường

  • Dải Bollinger Band thu hẹp -> thị trường yên tĩnh

Dải Bollinger Bands siết chặt khi dải trên và dải dưới di chuyển lại gần nhau và tiến sát vào đường SMA20. Sự thu hẹp này là hiểu hiện của thị trường đi ngang hoặc biến động thấp. Đây cũng chính là dấu hiệu dự báo thị trường sắp có đợt bứt phá tăng hoặc giảm mạnh. 

Ví dụ: Đồng Bitcoin trong giai đoạn đi ngang, dải Bollinger thu hẹp, sau đó giá tăng mạnh mẽ. 

y nghia cua Bollinger Band

  • Dải Bollinger mở rộng -> thị trường biến động mạnh

Khi thị trường biến động mạnh thì dải Bollinger Band sẽ càng mở rộng ra. Lúc này, giá di chuyển mạnh theo xu hướng chính. Phân tích thêm Bollinger Band bứt phá sẽ giúp trader tìm kiếm được cơ hội giao dịch thuận xu hướng. 

2. Đo lường sức mạnh của xu hướng

Như chúng ta đã biết, có đến 70% chuyển động giá nằm trong dải Bollinger và 30% còn lại giá sẽ bứt phá khỏi dải băng trên hoặc dưới. Khi giá không nằm trong dải băng Bollinger, các trader cần chú ý tín hiệu sau:

  • Khi giá tăng mạnh sẽ vượt qua khỏi dải băng trên. Nếu giá liên tục nằm trên dải băng trên chứng tỏ xu hướng tăng vẫn rất mạnh và được khẳng định chắc chắn. 
  • Khi giá giảm mạnh sẽ thấp hơn dải băng dưới. Nếu giá liên tục nằm dưới dải băng dưới chứng tỏ xu hướng giảm đang rất mạnh và được khẳng định chắc chắn.
  • Nếu giá vượt ra ngoài dải băng Bollinger, sau đó lại trở lại vào trong dải Bollinger thì đây chính là tín hiệu cảnh báo về sự suy giảm sức mạnh của xu hướng tăng và giảm.

Một số hạn chế của Bollinger Band

Cũng giống như nhiều chỉ báo indicator khác, Bollinger Bands cũng có những hạn chế nhất định. Đó là những hạn chế gì, nhà đầu tư và bạn đọc sẽ được biết ngay sau đây:

  • Tín hiệu chậm 

Cấu tạo chính của dải băng Bollinger Band là đường trung bình SMA20. Trong khi dữ liệu 20 ngày trong quá khứ hơi xa so với thời gian giá đang chạy trên thị trường. Do đó, Bollinger Band cung cấp tín hiệu trễ hơn và cập nhật những biến động bất thường chậm hơn.

  • Khó xác định được điểm giao dịch chính xác

Bollinger Band có thể giúp trader theo dõi xu hướng và bám sát hành động giá nhưng không thể giúp trader xác định điểm vào lệnh chính xác. Vì vậy, khi phân tích trader cần kết hợp với các chỉ báo kỹ thuật khác để tìm điểm vào lệnh. Tuyệt đối, không sử dụng độc lập một mình chỉ báo Bollinger Band khi giá phá vỡ (break out) dải băng.

  • Độ lệch chuẩn 

SMA20 vốn đã là hạn chế của Bollinger Band, trong khi hai dải băng trên và dưới là sự kết hợp của SMA20 và độ lệch chuẩn. Độ lệch chuẩn vốn dĩ là thông số tùy chọn vì vậy khi đi cùng với SMA20 nên nhiều trường hợp tín hiệu từ dải băng BB sẽ thiếu chính xác. 

Tóm lại, Bollinger Band chỉ là một chỉ báo, không phải hệ thống giao dịch. Vì vậy, cần linh hoạt kết hợp với những chỉ báo khác để tận dụng sức mạnh và hạn chế nhược điểm của BB.

Hướng dẫn cài đặt đường Bollinger Bands

Bollinger Band có thể sử dụng và phát huy sức mạnh trong bất kỳ giai đoạn thị trường nào và nó luôn bám sát biến động của giá. Để sử dụng công cụ này trader cần biết cách cài đặt BB trên nền tảng giao dịch.

Sau đây, Coin568 sẽ hướng dẫn các bạn cách cài đặt đường Bollinger Bands trên sàn giao dịch Binance.

  • Bước 1: Đăng nhập tài khoản trên Binance
  • Bước 2: Lựa chọn cặp giao dịch cần phân tích
  • Bước 3: Chọn biểu đồ Tradingview hoặc biểu đồ gốc của Binance.
  • Bước 4: Cài đặt chỉ báo Bollinger Band

– Đối với biểu đồ gốc của Binance

Vào biểu đồ gốc => Chọn biểu tượng chỉ báo kỹ thuật => Trong mục chỉ báo chính chọn BOLL => Tùy chỉ màu sắc của 3 dải băng cho dễ nhìn và điều chỉnh khung thời gian cũng như độ lệch chuẩn cho phù hợp =>> lưu lại là đã hoàn thành cài đặt.

cai dat chi bao BB

– Đối với biểu đồ Tradingview

Vào biểu đồ Tradingview => Chọn biểu tượng chỉ báo kỹ thuật => Gõ tìm kiếm tên chỉ báo và lựa chọn Bollinger Band.

Sau đó, màn hình sẽ hiển thị dải Bollinger Bands tự động. Trader có thể tùy chỉnh thông số về chu kỳ cũng như độ lệch chuẩn và màu sắc cho phù hợp ở góc trái màn hình như ảnh minh họa và ấn OK.

cai dat duong Bollinger Band

Cách sử dụng chỉ báo Bollinger Bands

Sau khi đã hiểu được ý nghĩa và sức mạnh của chỉ báo BB trong phân tích kỹ thuật, chúng tôi sẽ chia sẻ một số chiến lược giao dịch với chỉ báo Bollinger Band để các bạn có thể tham khảo.

1. Chiến lược mua thấp, bán cao 

Chỉ báo Bollinger Band giúp xác định những vùng giá cao thấp theo hành động giá. Vì vậy, trader hoàn toàn có thể xây dựng chiến lược giao dịch mua thấp bán cao để tìm kiếm lợi nhuận. Bản chất của phương pháp này là coi dải trên giống như đường kháng cự, còn dải dưới đóng vai trò như đường hỗ trợ. Khi đó, trader sẽ thực hiện giao dịch như sau:

  • Vào lệnh Buy khi giá chạm dải băng dưới.
  • Vào lệnh Sell khi giá chạm dải băng trên.

chien luoc giao dich voi Bollinger Bands

Tuy nhiên, phương pháp giao dịch này chỉ hiệu quả với giai đoạn thị trường đi ngang, còn nếu thị trường biến động mạnh sẽ rất rủi ro. Vì vậy, những trader chưa có kinh nghiệm phân tích thị trường chính xác thì không nên sử dụng chiến lược này.

2. Chiến lược nút thắt cổ chai

Bollinger Band Squeeze (giao dịch theo dạng nút thắt cổ chai) là chiến lược giao dịch tương tự như giao dịch break out, thực hiện khi xuất hiện dải Bollinger thu hẹp. Bởi, sự thu hẹp của các dải băng chính là tín hiệu dự báo một xu hướng tăng hoặc giảm chuẩn bị diễn ra.

Cụ thể chiến lược giao dịch nút thắt cổ chai như sau:

  • Bước 1: Xác định vùng nút thắt cổ chai (thông thường giai đoạn thị trường đi ngang hoặc những vùng tích lũy ngắn hạn)
  • Bước 2: Chờ giá phá vỡ nút thắt theo chiều tăng hoặc giảm.
  • Bước 3: Theo dõi và thực hiện lệnh sau khi giá phá vỡ.

– Thực hiện lệnh mua:

Khi giá break out khỏi vùng nút thắt theo hướng đi lên, sau đó phá vỡ dải băng trên là tín hiệu dự báo giá sẽ di chuyển theo xu hướng tăng. Trader thực hiện lệnh mua, đặt stop loss 2% hoặc cắt lỗ tại dải Bollinger dưới và tùy chỉnh chốt lời (take profit) theo tỷ lệ R: R.

giao dich voi chi bao Bollinger Bands

Tuy nhiên, để tránh việc phá vỡ giả, trader cần theo dõi hành động giá ở cây nến thứ 2. Nếu cây nến thứ 2 giảm thì đó chỉ là pha phá vỡ giả, nhưng nếu là cây nến tăng tiếp đó là dấu hiệu xác nhận xu hướng tăng được hình thành. 

– Thực hiện lệnh bán

Khi giá break-out khỏi vùng nút thắt theo hướng đi xuống, sau đó phá vỡ dải băng dưới => Trader sẽ vào lệnh bán. 

cach su dung Bollinger Bands

Ví dụ: TRX/USDT trên khung H1 giá đang tạo nút thắt và xuất hiện nến đỏ mạnh phá vỡ khỏi vùng đi ngang báo hiệu giá sẽ giảm. Nến sau cũng đều xác nhận cho xu hướng giảm, vì vậy trader có thể chờ và thực hiện với cây nến sau nến phá vỡ.

Kết hợp Bollinger Bands với các chỉ báo khác 

1. Kết hợp Bollinger Bands và RSI

Bollinger Band có thể kết hợp với rất nhiều chỉ báo để tăng thêm độ chính xác khi phân tích. Tuy nhiên, tác giả của chỉ báo này gợi ý “RSI và Bollinger Band” chính là sự kết hợp hoàn hảo. RSI là chỉ số sức mạnh tương đối dùng để xác định các vùng quá bán, quá mua và dự đoán xu hướng đảo chiều thông qua tín hiệu phân kỳ, hội tụ.

Ý tưởng giao dịch khi kết hợp BB và RSI chính là dựa vào sự phân kỳ của RSI để thực hiện các giao dịch đảo chiều. Cụ thể, nếu giá chạm vào dải trên của Bollinger Bands, chúng ra sẽ tìm kiếm phân kỳ giảm RSI để mở vị thế bán. Còn nếu giá chạm vào dải dưới của BB, chúng ta sẽ tìm kiếm phân kỳ tăng RSI để mở vị thế mua.

– Phân kỳ giảm

  • Phân kỳ giảm xuất hiện khi thị trưởng tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, nhưng chỉ báo RSI giảm (đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước). Đây là dấu hiệu cho thấy xu hướng tăng đang suy yếu và giá sẽ đảo chiều từ tăng sang giảm.
  • Lúc này, nếu giá đang hướng lên trên và nằm trên dải trên của Bollinger Bands, trader có thể thực hiện lệnh Sell khi giá phá vỡ đường trendline.

Ví dụ: Phân tích đồng Basic Attention Token trên khung thời gian D1. 

kep hop chi baoBollinger Bands va rsi

Quan sát biểu đồ ta thấy, giá phá vỡ dải BB phía trên và tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, nhưng RSI lại tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước. Đây là phân kỳ giảm báo hiệu xu hướng đảo chiều từ tăng sang giảm. Lúc này trader có thể vào lệnh Sell khi giá phá vỡ đường trendline.

– Phân kỳ tăng

  • Phân kỳ tăng xuất hiện khi thị trường tạo đáy sau thấp hơn đáy trước, nhưng chỉ báo RSI tăng (đỉnh sau cao hơn đỉnh trước). Đây là dấu hiệu cho thấy xu hướng giảm đang suy yếu, giá chuẩn bị đảo chiều từ giảm sang tăng. 
  • Nếu giá hướng xuống, 2 đáy nằm ở dải dưới của Bollinger Bands, trader có thể vào lệnh Buy khi giá phá vỡ đường trendline.

Ví dụ: Phân tích đồng Bitcoin.

giao dich voi Bollinger bands

Xu hướng giá vẫn đang giảm, hình thành đáy sau thấp hơn đáy trước, nhưng RSI lại tạo đáy sau cao hơn đáy trước. Đây là dấu hiệu phân kỳ tăng, dự báo xu hướng tăng chuẩn bị hình thành. Tiếp theo xuất hiện một cây nến xanh phá vỡ đường trendline, đây chính là cơ hội để trader vào lệnh Buy.

2. Bollinger Bands kết hợp với MACD

Các trader có thể giao dịch Bollinger Band kết hợp với chỉ báo MACD bằng nhiều cách khác nhau, nhưng 2 cách phổ biến nhất là giao dịch break out và giao dịch theo xu hướng.

– Giao dịch theo xu hướng

Chiến lược giao dịch theo xu hướng khi kết hợp BB và MACD phù hợp với nhiều khung thời gian cũng như phong cách giao dịch của trader. Cách thực hiện như sau:

  • Bước 1: Xác định xu hướng chính đang diễn ra bằng chỉ báo MACD. 
  • Bước 2: Sử dụng điểm bật ra khỏi đường MA20 làm điểm vào lệnh tiềm năng.
  • Bước 3: Quan sát MACD để xác nhận đà tiếp tục của xu hướng

=> Khi giá chạm dải băng dưới và tiến đến chạm đường MA20. Nếu đường MACD cắt đường tín hiệu theo chiều từ dưới lên trên, thì đấy chính là cơ hội giao dịch thuận xu hướng tăng.

=> Khi giá chạm dải băng trên và tiến đến chạm đường MA20. Cùng thời điểm đó đường MACD và đường tín hiệu cắt nhau theo chiều từ trên xuống. Đây là cơ hội giao dịch thuận xu hướng giảm.

  • Bước 4: Đặt cắt lỗ, chốt lời

=> Điểm cắt lỗ (stop loss): Thấp hơn dải Bollinger dưới đối với xu hướng tăng. Cao hơn dải Bollinger trên đối với xu hướng giảm

=> Điểm chốt lời (take profit): Theo Fibonacci Extension 61.8-%-168% hoặc khi hành động giá chạm dải băng trên (buy) và dưới (sell) đảm bảo tỷ lệ R:R.

Ví dụ: Đồng BNB/USDT

Phân tích trên khung thời gian H4, D1 đều cho thấy xu hướng tăng đang rất mạnh và ổn định. Lúc này, trader có thể tìm kiếm lệnh Buy khi có tín hiệu của MACD và Bollinger band. 

ket hop bb va macd

Trong trường hợp này trader có đến 2 điểm vào lệnh rất tiềm năng như sau:

Buy 1:

  • Điểm vào lệnh: tại mức giá 562 USDT trùng với tín hiệu giao cắt của MACD và giá vừa bật lên từ dải băng dưới. 
  • Điểm cắt lỗ: Bên dưới của dải băng BB tại mức giá 540 USDT.
  • Điểm chốt lời: tại vùng có mức giá 610 USD khi giá chạm dải băng trên và có dấu hiệu đi ngang, 

Buy 2:

  • Điểm vào lệnh: ở mức giá 604 USDT tại cây nến xanh thứ 2, sau khi vừa bật lên khỏi dải băng dưới và tín hiệu giao cắt của MACD.
  • Điểm cắt lỗ: bên dưới của dải băng BB tại mức giá 593 USDT.
  • Điểm chốt lời: tại vùng có mức giá xung quanh 667 USDT khi giá chạm dải băng trên và đi ngang.

– Giao dịch Break out

MACD có thể giúp trader xác nhận xu hướng chính đang ở đà mạnh hay đã giảm nhiệt để thiết lập vùng giá cho một cú break out. Trong khi, Bollinger Band được sử dụng để tìm điểm vào lệnh cụ thể cũng như xác nhận xu hướng. Sự kết hợp này tạo ra cơ hội giao dịch đảo chiều hoàn hảo.  

Cách thực hiện giao dịch đảo chiều như sau:

  • Bước 1: Xác định xu hướng chính đang diễn ra.
  • Bước 2: Tìm tín hiệu phá vỡ tiềm năng dựa vào sự phân kỳ của MACD.
  • Bước 3: Tìm điểm vào lệnh khi giá phá vỡ đường MA20 hoặc đường xu hướng.
  • Bước 4: Xác nhận breakout thông qua sự phá vỡ của dải Bollinger Band, cùng với sự biến động gia tăng (Bollinger Bands mở rộng) và tăng động lực (biểu đồ dài hơn).

Cụ thể như sau:

  • Điểm vào lệnh: Giá phá vỡ đường xu hướng hoặc đường MA20 trong dải băng Bollinger Band, kết hợp với phân kỳ của MACD. Trader có thể vào lệnh theo nến tín hiệu thuận xu hướng mới (nến xanh với xu hướng tăng, nến đỏ đối với xu hướng giảm).
  • Điểm cắt lỗ: Bên dưới/trên vùng tranh chấp giá – vùng đi ngang gần nhất theo nguyên tắc “sử dụng 2% tài khoản” cho Stop loss.
  • Điểm chốt lời: Theo tỷ lệ R:R kỳ vọng và những vùng quan trọng của Fibonacci extension. Bên cạnh đó, trader có thể gồng lãi thuận xu hướng bằng công cụ tự động như Trailing stop.

Ví dụ: Giao dịch với đồng Bitcoin trên khung thời gian H1.

ket hop dai Bollinger Bands va macd

Xu hướng chính đang diễn ra là xu hướng tăng nhưng có dấu hiệu đảo chiều. Bởi vì, giá thất bại trong việc tạo đỉnh/đáy mới cao hơn đỉnh/đáy cũ, giá phá vỡ đường trendline đi ngang rất dài và dải Bollinger Band bị co thắt lại.

Cuối vùng đi ngang, giá tăng phá vỡ dải băng trên sau đó tiếp tục đi ngang và bắt đầu giảm. Vì thế, nhận định trong trường hợp này lực tăng của xu hướng cũ đã không đủ mạnh. Giá tăng phá vỡ khỏi vùng đi ngang là phá vỡ giả để đánh lạc hướng trader. Nến đỏ giảm mạnh và cây nến cũng cho thấy lực giảm đang mạnh mẽ ủng hộ xu hướng giảm.

Thực hiện lệnh

  • Điểm vào lệnh tại mức giá 65,072 sau khi giá phá vỡ đường MA20.
  • Điểm cắt lỗ: Trên vùng đi ngang gần nhất tại mức giá 66,500
  • Điểm chốt lời: Tại vùng Fibonacci extension 61.8% –  63,800 USDT hoặc mức 168% – 60,747 USDT 

3. Kết hợp Bollinger Bands với mô hình nến đảo chiều

Đây là chiến lược mà được rất nhiều trader thiên về hành động giá (price action) rất yêu thích và thường xuyên sử dụng. Cách sử dụng chiến lược này rất rộng từ giao dịch thuận xu hướng, đảo chiều. Tuy nhiên, để giao dịch có tỷ lệ thành công cao nhất thì nên kết hợp tín hiệu BB và mô hình nến đảo chiều để giao dịch thuận xu hướng.

Các bước thực hiện chiến lược giao dịch:

  • Bước 1: Xác định xu hướng đang diễn ra trên thị trường.
  • Bước 2: Tìm kiếm lệnh Buy trong xu hướng tăng và lệnh sell trong xu hướng giảm.
  • Bước 3: Tìm tín hiệu BB tại dải băng dưới (xu hướng tăng), dải băng trên (với xu hướng giảm). Kết hợp với các mô hình nến đảo chiều mạnh như: nến sao hôm, nhấn chìm, nến búa… để vào lệnh.
  • Bước 4: Đặt stop loss bên dưới dải Bollinger Band (xu hướng tăng) và bên trên dải BB trong xu hướng giảm.

Ví dụ: Phân tích đồng BNB/USDT

vi du

Xu hướng chính đang diễn ra khi phân tích trên H4, D1 kết hợp trendline là xu hướng tăng. Theo dõi hành động giá tại dải băng dưới của dải Bollinger Band kết hợp mô hình nến đảo chiều để thực hiện lệnh như sau:

  • Điểm vào lệnh: Trader có thể thực hiện các lệnh Buy tại mức 402 USDT khi xuất hiện nến nhấn chìm tăng. Hoặc có thể vào lệnh tại mức giá 459 USDT sau đợt đi ngang có nến hamer tại dải băng dưới.
  • Điểm cắt lỗ: Bên dưới dải BB lần lượt tại các mức giá 390 USDT và 480 USDT.
  • Điểm chốt lời: Lần lượt tại các mức giá khi chạm dải băng Bollinger Band trên 467 USDT và 481 USDT.

4. Bollinger Band kết hợp mô hình hai đỉnh, hai đáy 

Cha đẻ của Bollinger Band từng nói rằng BB có sức mạnh trong việc bám sát hành động giá, giới hạn vùng giá cao – thấp nhất. Khi kết hợp chỉ báo này với mô hình 2 đỉnh, 2 đáy sẽ mang lại thành công cho trader.

Bollinger Band và mô hình hai đỉnh

Được áp dụng trong trường hợp xu hướng tăng suy yếu và có dấu hiệu đảo chiều. Thỏa mãn 4 điều kiện sau:

  • Giá cao nhất vượt lên trên dải băng BB trên >> đỉnh 1
  • Giá quay đầu giảm vượt dải băng giữa >> đáy
  • Tiếp theo giá lại đảo chiều tăng tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước >> đỉnh 2.
  • Giá phải dịch chuyển ra khỏi vùng tích lũy và phá vỡ hỗ trợ 

Thỏa mãn những tín hiệu trên trader có thể thực hiện lệnh Sell theo nến tín hiệu đỏ giảm giá.

ket hop bb voi mo hinh 2 dinh

Bollinger Band và mô hình hai đáy

Được áp dụng trong xu hướng giảm đã suy yếu và có dấu hiệu đảo chiều từ giảm sang tăng. Trader chỉ thực hiện khi thỏa mãn 4 điều kiện sau:

  • Giá thấp nhất ở bên dưới dải băng dưới của BB >> đáy 1
  • Giá bật lên dải băng giữa >> đỉnh
  • giá tiếp tục tạo đáy nhưng cao hơn đáy 1 và không vượt quá giải băng dưới >> đáy 2
  • Giá phải dịch chuyển vượt khỏi vùng tích lũy và phá vỡ kháng cự.

Thỏa mãn những tín hiệu trên trader có thể thực hiện lệnh Buy theo nến tín hiệu xanh tăng giá.

BB ket hop voi mo hinh 2 day

Kết luận 

Trên đây chúng tôi đã chia sẻ toàn bộ thông tin về chỉ báo Bollinger Band. Mong rằng bạn đọc đã hiểu được Bollinger Bands là gì, ưu và nhược điểm của chỉ báo kỹ thuật này cũng như tham khảo những chiến lược giao dịch hiệu quả để tìm kiếm lợi nhuận. Qua việc luyện tập liên tục và linh hoạt áp dụng chỉ báo này trong giao dịch, chúng tôi tin tưởng rằng Bollinger Band sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực để trader thực hiện giao dịch thành công.