Indicator là gì? Các chỉ báo phân tích kỹ thuật quan trọng

Bởi: Hidayat Hafied - Đăng ngày: 21/01/2022 - Cập Nhật: 18/05/2022

Nếu là trader theo trường phái phân tích kỹ thuật, chắc chắn bạn đã biết Indicator là gì. Bởi đây là công cụ quan trọng giúp trader xác định xu hướng thị trường, dự báo hướng đi của giá trong tương lai, từ đó tìm điểm vào lệnh và thoát lệnh hợp lý. Trong bài viết này, Coin568 sẽ giới thiệu các chỉ báo quan trọng nhất trong giao dịch mà trader cần nắm được.

Indicator là gì?

Indicator hay còn gọi là chỉ báo kỹ thuật, đây là thuật ngữ dùng để chỉ các đại lượng mà giá trị của nó được tạo thành dựa trên dữ liệu giá trong quá khứ và khối lượng giao dịch. Mỗi chỉ báo sẽ được tính toán bằng công thức riêng, nhưng chúng đều có mục đích là giúp trader xác định xu hướng giá, tín hiệu đảo chiều và tìm điểm vào lệnh.

indicator la gi

Hiện nay, đa phần các chỉ báo đều được tích hợp sẵn trên các nền tảng giao dịch nên trader có thể dễ dàng cài đặt và sử dụng. Indicator được biểu diễn trên đồ thị với rất nhiều hình dạng khác nhau. Nhưng sẽ có 2 dạng là chèn luôn vào đồ thị giá và tách thành phần biểu đồ bên dưới đồ thị giá.

Bất kỳ một chỉ báo nào cũng đều có ưu, nhược điểm riêng. Vì thế, nhiệm vụ của trader chính là biết được khi nào nên sử dụng chỉ báo độc lập, khi nào cần kết hợp với các công cụ khác để nâng cao xác suất thành công khi giao dịch.

Phân loại Indicator

Trong hệ thống chỉ báo hiện nay được chia thành hai nhóm chính là chỉ báo nhanh và chỉ báo chậm. Mỗi nhóm chỉ báo sẽ có đặc điểm khác nhau giúp trader dễ dàng phân biệt. Cụ thể như sau:

1. Nhóm chỉ báo nhanh (Leading indicator) 

Chỉ báo nhanh gồm những chỉ báo thuộc nhóm dao động, sử dụng lịch sử giá và khối lượng giao dịch trong quá khứ để dự đoán hành động giá tiếp theo. Nhóm chỉ báo nhanh này thường cung cấp tín hiệu sớm hơn so với sự dịch chuyển của giá.

Một số chỉ báo nhanh có thể kể đến như: RSI, Stochastic, chỉ báo CCI…. Những chỉ báo này thường có đặc điểm là giao động trong một phạm vi được giới hạn bởi 2 điểm cực trị. Ví dụ RSI dịch chuyển quanh vùng 0 và 100.

chi bao nhanh

Tín hiệu cung cấp:

Nhóm chỉ báo nhanh thường mang đến một số thông tin quan trọng cho việc phân tích kỹ thuật trade coin của trader như sau:

  • Xác định các vùng quá mua, quá bán.
  • Tín hiệu hội tụ, phân kỳ giữa chỉ báo và đường giá để xác định đảo chiều.
  • Xác nhận sức mạnh của xu hướng theo diễn biến của bộ dao động.

Ưu điểm:

  • Cung cấp điểm vào lệnh chính xác hơn và đôi khi có thể bắt điểm đảo chiều để nâng cao lợi nhuận.
  • Đưa ra những dự đoán sớm giúp trader có kế hoạch phân tích và vào lệnh tránh bỏ lỡ cơ hội.

Nhược điểm:

  • Quá nhạy với thông tin về giá nên sẽ có thể cung cấp tín hiệu nhiễu (thông tin sai). Vì vậy, trader cần linh hoạt sử dụng chỉ báo nhanh trong từng tình huống. 
  • Hạn chế với những trader mới tham gia thị trường vì leading indicator thường hiệu quả khi kết hợp với những lý thuyết PTKT nâng cao như sóng Elliott, Wyckoff. 

2. Chỉ báo chậm (Lagging indicator)

Chỉ báo chậm là những chỉ báo thuộc nhóm động lượng và thường đưa ra tín hiệu sau khi xu hướng đã bắt đầu. Từ đó có thể giúp trader xác định độ mạnh yếu của xu hướng.

Một số chỉ báo chậm phổ biến như: MACD, MA, Momentum… Những chỉ báo này có đặc điểm là giao động quanh một đường trung tâm. Đó có thể là đường 0 hoặc đường 100 tùy theo từng chỉ báo.

chi bao cham

Tín hiệu cung cấp:

  • Bám sát hành động giá nên được dùng để xác nhận xu hướng.
  • Xác định vùng tranh chấp giá quan trọng.

Ưu điểm:

  • Do tín hiệu thường đi sau hành động giá nên thông tin ít bị nhiễu hơn so với chỉ báo nhanh. 
  • Giúp trader xác định được sự phá vỡ giả. Từ đó sẽ giảm thiểu được rủi ro.

Nhược điểm:

  • Tín hiệu chậm nên trader sẽ nắm bắt xu hướng chậm hơn, lợi nhuận cũng sẽ ít hơn.
  • Chỉ báo chậm chỉ giao động quanh các đường trung tâm mà không có đường cực trị nên phân tích rất mang tính cá nhân.

Các chỉ báo quan trọng trong PTKT

Hiện nay, có đến hàng trăm chỉ báo khác nhau khiến trader không biết nên sử dụng công cụ nào để phân tích kỹ thuật. Do vậy, trong phần dưới đây chúng tôi sẽ chỉ ra các chỉ báo quan trọng được các pro trader thường xuyên sử dụng.

1. Nhóm chỉ báo xu hướng 

Chỉ báo xu hướng (trendline indicator) là nhóm chỉ báo được sử dụng để xác định xu hướng thị trường đang tăng, giảm hay đi ngang (sideway). Phần lớn chỉ báo xu hướng nằm trong nhóm chỉ báo chậm giúp trader có cái nhìn tổng quát về thị trường và lựa chọn thời điểm tham gia giao dịch. 

Trendline indicator được các “trend follower” (trader chỉ giao dịch thuận xu hướng) thường xuyên sử dụng để tìm kiếm cơ hội mua trong xu hướng tăng và bán trong xu hướng giảm.

Một số chỉ báo xu hướng mạnh thường xuyên được sử dụng bao gồm:

1.1. Đường trung bình động MA

MA sử dụng dữ liệu giá trong quá khứ để làm mượt hành động giá, giúp trader xác định xu hướng. Đường trung bình động MA bao gồm 3 loại là: SMA, EMA, WMA nhưng được sử dụng phổ biến nhất vẫn là SMA, EMA.

duong MA

  • SMA (đường trung bình trượt đơn giản): được tính bằng cách lấy trung bình của giá trong một chu kỳ thời gian. Tín hiệu mà SMA đưa ra thường chậm nên chỉ dùng để xác định xu hướng chứ khó xác định điểm vào tiềm năng.
  • EMA (đường trung bình trượt hàm mũ): dựa vào dữ liệu giá gần đây cho nên nó nhanh nhạy với phần ứng giá hơn. Từ đó, có thể giúp trader xác định được xu hướng và điểm vào lệnh.
  • Đường WMA (đường trung bình tỷ trọng tuyến tính): được xác định dựa vào mức giá có tần suất xuất hiện nhiều nhất và có khối lượng giao dịch lớn nhất nên có thể đưa ra tín hiệu nhanh và sớm phát hiện những điều bất thường.

1.2. Chỉ báo ADX

Chỉ báo ADX (Average Direction Index), đây là chỉ báo toàn diện dùng để đánh giá độ mạnh yếu của xu hướng hiện tại và tìm những điểm giao dịch tiềm năng. 

ADX thường giao động trong vùng 0 – 100 dùng để đánh giá độ mạnh yếu của xu hướng.

  • ADX > 25: thị trường đang trong một xu hướng nhất định, có thể là tăng hoặc giảm.
  • ADX < 25: thị trường đang không có xu hướng (đi ngang)

chi bao adx

Ngoài ra, chỉ báo ADX còn có 2 đường +DI, –DI giúp xác định xu hướng.

  • +DI nằm trên đường – DI hay cắt đường -DI theo hướng từ dưới lên, cho tín hiệu thị trường tăng giá.
  • + DI nằm dưới đường – DI hay cắt đường -DI theo hướng từ trên xuống, cho  tín hiệu thị trường giảm giá.

1.3 Parabolic SAR

Parabolic SAR là chỉ báo được phát triển bởi J. Welles Wilder Jr cùng với RSI, ATR và ADX. PSAR có hình hàng giống hình Parabol, được biểu diễn bằng hàng loạt các dấu chấm nhỏ, giúp trader xác định xu hướng và tìm điểm đảo chiều. 

CHI BAO Parabolic SAR

  • Xu hướng tăng: Nếu phần lớn chấm tròn bám dọc và nằm ở bên dưới biểu đồ giá.
  • Xu hướng giảm: Nếu phần lớn chấm tròn theo sát và nằm bên trên biểu đồ giá.

1.4. Chỉ báo Ichimoku

Ichimoku được đánh giá là một hệ thống chỉ báo hoàn chỉnh, mang đến cho trader bức tranh toàn cảnh về diễn biến giá trên thị trường. Ichimoku bao gồm 5 thành phần, mỗi đường sẽ có vai trò và ý nghĩa khác nhau. 

may Ichimoku

Chỉ báo Ichimoku sẽ cung cấp cho trader rất nhiều thông tin giao dịch quan trọng như:

  • Xác định xu hướng thị trường.
  • Tìm các vùng kháng cự và hỗ trợ tiềm năng.
  • Đo lường động lượng và sức mạnh của xu hướng.
  • Cung cấp tín hiệu vào lệnh, đóng lệnh chính xác.

2. Nhóm chỉ báo động lượng (Momentum )

Momentum indicator thuộc nhóm chỉ báo nhanh. Nhóm chỉ báo này sử dụng thông tin về các mức giá trong phiên giao dịch để đánh giá độ mạnh yếu của xu hướng hiện tại và dự đoán được đà di chuyển của giá trong thời gian sắp tới.

Một số chỉ báo trong nhóm chỉ báo động lượng có thể kể đến như:

2.1. Chỉ báo MACD

Chỉ báo MACD (Moving Average Convergence Divergence) là đường trung bình hội tụ phân kỳ thuộc trong nhóm chỉ báo chậm. Bộ dao động của MACD có cấu tạo khá phức tạp bao gồm:

  • Đường tín hiệu (Signal Line): chính là đường EMA9
  • Đường MACD = EMA12 – EMA26
  • Biểu đồ Histogram = MACD – EMA 9, hiển thị dưới dạng biểu đồ thanh.
  • Đường Zero nằm ngang, ngăn cách giữa 2 chiều của biểu đồ Histogram với các giá trị âm, dương riêng biệt.

chi bao macd

Dựa vào vị trí và hướng giao cắt của đường MACD và đường tín hiệu, trader có thể xác định xu hướng thị trường như sau:

  • Đường MACD cắt đường Signal theo hướng từ dưới lên và điểm giao cắt nằm bên dưới đường Zero => Dự báo xu hướng tăng, nhà đầu tư nên thực hiện lệnh Buy.
  • Đường MACD cắt đường Signal theo hướng từ trên xuống và điểm giao cắt nằm bên trên đường Zero => Dự báo xu hướng giảm, nhà đầu tư nên vào lệnh Sell.

Ngoài ra, dựa vào phân kỳ, hội tụ giữa MACD và đường giá, các trader có thể tìm được điểm đảo chiều để vào và thoát lệnh hiệu quả.

2.2 Chỉ báo RSI

RSI là một trong những chỉ báo động lượng quan trọng, giúp xác định các vùng quá mua, quá bán và dự đoán xu hướng giá trong tương lai. Chỉ báo RSI luôn dao động từ từ 0 đến 100, Chỉ số này càng lớn chứng tỏ sức mua của thị trường càng mạnh và ngược lại. 

  • RSI > 70 => Vùng quá mua
  • RSI <3 => Vùng quá bán

CHI BAO RSI

Ngoài ra, dựa vào ngưỡng 50 trader có thể dự đoán xu hướng tương lai là tăng hay giảm hay sắp có đảo chiều xảy ra thông qua tín hiệu hội phụ phân kỳ của RSI và giá.

2.3 Chỉ báo Momentum

Momentum sử dụng lịch sử giá qua các phiên từ đó có thể đánh giá được sức mạnh của xu hướng cũng như có những dự đoán đà của giá tiếp theo. MOM giao động quanh vùng trung tâm 0, dựa vào đó trader có thể đánh giá xu hướng như sau:

  • MOM nằm trên đường 0 và chuyển dịch ra xa theo chiều hướng lên thì đà tăng giá mạnh => xu hướng tăng vẫn được duy trì. 
  • MOM nằm dưới đường 0 và dịch chuyển ra xa theo chiều hướng xuống thì đà giảm giá yếu => xu hướng chính là downtrend vẫn được củng cố.
  • MOM nằm trong vùng 200 (chu kỳ 9 phiên) trở ra cho tín hiệu quá mua.
  • MOM nằm trong vùng -200 trở ra cho tín hiệu quá bán. 

y nghia cua chi bao mom

2.4. Chỉ báo CCI

CCI (Commodity Channel Index) – chỉ số hàng hóa. Chỉ báo này sử dụng mức giá cao nhất, thấp nhất và mức đóng cửa trong một chu kỳ thời gian để phát hiện những thay đổi của xu hướng dài hạn. 

Cấu trúc của CCI có các mức quan trọng là 0, -100, 100, có thể giúp xác định những vùng quá mua, quá bán hay tín hiệu hội tụ phân kỳ để dự đoán hướng hướng đi tiếp theo..

  • 0<CCI <100: Tín hiệu cho thấy đà tăng giá vẫn tiếp tục được duy trì trong thời gian tới.
  • -100<CCI<0: Tín hiệu xác nhận đà giảm giá vẫn chiếm ưu thế.
  • CCI>100: Giá đi vào vùng quá mua nên sẽ đảo chiều sang giảm trong thời gian sắp tới.
  • CCI<-100: Giá đi vào vùng quá bán nên trong thời gian tới sẽ đảo chiều chuyển từ giảm sang tăng.

2.5. Stochastic (Stoch)

Stochastic (Stochastic Oscillator) là một chỉ báo động lượng. Chỉ báo này so sánh giá đóng cửa với khoảng đỉnh hoặc đáy của giá trong một khoảng thời gian cụ thể. Từ đó có thể đo lường động lượng của giá và xác định xu hướng hiệu quả.

  • Stochastic > 80 cho thấy thị trường đang ở vùng quá mua.
  • Stochastic < 20 cho thấy thị trường đang ở vùng quá bán.

Ngoài ra, dựa vào đường %K và %D trader có thể xác định xu hướng của giá hay tìm điểm đảo chiều dựa vào phân kỳ, hội tụ giữa Stochastic và đường giá.

chi bao Stochastic

2.6. Stoch RSI

RSI ngẫu nhiên (Stoch RSI) là một bộ chỉ báo dao động động lượng, được sử dụng để xác định một tài sản đang quá mua, quá bán. Chỉ báo này được phái sinh của RSI và giao động trong khoảng từ 0 đến 1 (hoặc 0  đến 100).

  • Stochastic RSI < 0.2: Tài sản đang quá bán. 
  • Stochastic RSI > 0.8: Tài sản sảng đang quá mua.

Ngoài ra, khi Stochastic RSI cũng giúp trader xác định được xu hướng của thị trường.

  • Stochastic RSI dịch chuyển từ 0.5 lên 0.8 cho thấy xu hướng tăng.
  • Stochastic RSI dịch chuyển từ 0.5 xuống 0.2 cho thấy xu hướng giảm.

3. Nhóm chỉ báo khối lượng (volume indicator)

Khối lượng giao dịch sẽ dẫn dắt hành động giá. Do đó, yếu tố này cũng cần được xem xét khi phân tích kỹ thuật. Đây cũng là nguyên nhân của sự ra đời của một số chỉ báo khối lượng như MFI, OBV, A/D, CMF….

3.1 Money Flow index

Money Flow Index (MFI) là chỉ báo khối lượng. Chỉ báo này sử dụng các mức giá đóng cửa, giá cao nhất, giá thấp nhất kết hợp cùng khối lượng để theo dõi sự dịch chuyển của dòng tiền trong một chu kỳ thời gian cố định.

chi bao mfi

MFI dịch chuyển trong mức từ 0 – 100 với 2 mức cực trị là 20, 80. Qua tín hiệu từ bộ dao động trader có thể xác định dễ dàng những vùng quá mua quá bán.

  • MFI >80: vùng quá mua.
  • MFI<20: vùng quá bán.

Ngoài ra, dựa vào hiện tượng phân kỳ, hội tụ với đường giá trader có thể sớm tìm được điểm đảo chiều để gia tăng lợi nhuận. 

3.2 Chỉ báo OBV 

OBV (On Balance Volume) – cân bằng khối lượng. Chỉ báo OBV dựa vào mối tương quan giữa sự di chuyển của giá và khối lượng để xác định động lực của xu hướng.

  • OBV tăng, giá tăng: đồng xác nhận xu hướng giá tăng.
  • OBV giảm, giá giảm: xác nhận xu hướng giảm tiếp tục duy trì. 
  • OBV tăng, giá giảm (hội tụ): chuẩn bị đảo chiều giảm sang tăng.
  • OBV giảm, giá tăng (phân kỳ): đảo chiều tăng sang giảm

3.3 Chaikin Money Flow

Chaikin Money Flow (CMF hay còn gọi là dòng tiền Chaikin) là chỉ báo nhanh sử dụng mức giá quan trọng (giá đóng cửa, giá cao nhất, giá thấp nhất) kết hợp với khối lượng để làm thước đo dòng tiền và dự đoán hướng đi của giá. 

y nghia cua chi bao CMF

Chỉ báo CMF sẽ dao động quanh đường trung tâm 0 giúp trader xác định vùng quá mua, quá bán như sau:

  • CMF > 0: áp lực mua => giá tăng.
  • CMF <0:  áp lực bán => giá giảm.

3.4 Accumulation/Distribution (A/D)

Accumulation/Distribution sử dụng cả lịch sử giá và khối lượng để đánh giá một tài sản đang tích lũy (mua vào) hay phân phối (bán ra). Từ đó, giúp trader nhận định được độ mạnh yếu của xu hướng. Ngoài ra, A/D cũng cung cấp cho trader những điểm vào mạnh mẽ tại các vùng phân phối và tích lũy. Đặc biệt hơn, A/D có thể phân tích được dòng chảy ra vào thị trường nên có thể nhận biết dấu chân cá mập, giảm thiểu rủi ro.

4. Chỉ báo đo lường độ biến động (volatility indicator)

Nhóm chỉ báo biến động đóng vai trò rất quan trọng trong phân tích kỹ thuật vì đây là thước đo tiêu chuẩn giúp trader xác định được điểm ra vào lệnh hiệu quả.

Một số chỉ báo Volatility tin cậy và được nhiều trader sử dụng đó là: 

4.1. Bollinger Band

Bollinger Band là chỉ báo quan trọng nhất để đo lường biến động. Chỉ báo này sử dụng đường trung bình SMA 20 cho dải băng ở giữa và kết hợp với độ độ lệch chuẩn giúp xác định được biến động của giá.

cau tao Bollinger Band

  • Dải băng trên và dải băng dưới mở rộng cho thấy biến động giá mạnh. Trader có thể thực hiện mua bán khi giá chạm dải băng trên và dải băng dưới.
  • Dải băng trên và dải băng dưới thu hẹp lại cho thấy thị trường biến động thấp, hình thành vùng đi ngang tích lũy, trader không nên giao dịch trong thời gian này.

4.2. Chỉ báo ATR

ATR (Average True Range) – khoảng dao động trung bình thực tế dựa trên sự chênh lệch của giá đóng cửa và các mức giá cao nhất, thấp nhất trong một chu kỳ thời gian. Từ đó giúp trader theo dõi được biến động giá trong một vùng nhất định. 

Chỉ báo ATR

Chỉ báo ATR giúp trader cân đối quy mô giao dịch với điểm đặt stop loss và take profit linh hoạt cho mỗi vùng giá và phối kết hợp với những chỉ báo khác để tăng xác suất thành công cho mỗi giao dịch. 

  • ATR dịch chuyển ở phần trên (theo chiều hướng lên): thị trường biến động mạnh trader nên nới rộng điểm cắt lỗ và chốt lời.
  • ATR dịch chuyển ở nửa dưới (theo chiều hướng xuống): giá ít biến động, thị trường có chiều hướng đi ngang hoặc di chuyển chậm, trader nên thu hẹp điểm cắt lỗ và chốt lời.  

Một số lưu ý khi giao dịch với indicator

Sử dụng chỉ báo khi phân tích kỹ thuật sẽ giúp trader nâng cao xác suất thành công. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có rất nhiều trader sử dụng tín hiệu từ indicator nhưng vẫn giao dịch thua lỗ do thiếu kinh nghiệm và không nhìn nhận khách quan. Do đó, để thành công khi sử dụng chỉ báo trader cần lưu ý một số điều sau:

  • Mỗi chỉ báo sẽ có những ưu, nhược điểm riêng. Do đó, cách phân tích tốt nhất chính là kết hợp các chỉ báo với nhau.
  • Phân tích kỹ thuật phần lớn dựa vào kiến thức và kinh nghiệm của mỗi trader. Vì thế, những trader mới tham thị trường nên xây dựng kiến thức nền tảng và học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước.
  • Chỉ báo luôn dựa vào thông tin giao dịch đã diễn ra trên thị trường. Do đó, chỉ báo là thừa thãi đối với trader theo trường phái “price action” vì nó vừa có độ trễ và cung cấp quá nhiều thông tin gây ra nhiều tín hiệu nhiễu.
  • Tín hiệu từ chỉ báo không phải lúc nào cũng đúng. Do đó, trader cần tỉnh táo khi phân tích để loại bỏ những tín hiệu gây nhiễu. Đồng thời kết hợp với các công cụ phân tích khác như: mô hình giá, mô hình nến Nhật, đường trendline
  • Tín hiệu sẽ càng mạnh mẽ nếu có sự đồng thuận của nhiều chỉ báo khác nhau.

Kết luận

Như vậy, toàn bộ hệ thống chỉ báo đã được chúng tôi tóm lược đầy đủ trong bài viết bên trên. Mong rằng có thể giúp trader hiểu rõ indicator là gì và lựa chọn cho mình những chỉ báo tốt nhất nhằm nâng cao xác suất thành công khi giao dịch. Tuy nhiên, dù chỉ báo có tốt đến đâu thì vẫn luôn có mặt hạn chế, vì thế trader cần kết hợp với hành động giá và những công cụ phân tích khác để đưa ra nhận định chính xác hơn.