Kháng cự hỗ trợ là gì? Cách xác định hỗ trợ và kháng cự

Bởi: Hidayat Hafied - Đăng ngày: 17/12/2021 - Cập Nhật: 17/05/2022

Kháng cự và hỗ trợ là một trong những kiến thức cơ bản mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng phải nắm được khi tham gia giao dịch trên thị trường tiền điện tử. Việc xác định mức hỗ trợ kháng cự chính xác sẽ giúp trader tìm được điểm vào lệnh, cắt lỗ, chốt lời hiệu quả. Vậy cụ thể, kháng cự hỗ trợ là gì? Cách xác định ngưỡng hỗ trợ và kháng cự như thế nào? Hãy cùng Coin568 tìm hiểu qua bài viết này nhé!

Kháng cự hỗ trợ là gì?

Kháng cự và hỗ trợ là các vùng giá trong quá khứ mà tại đó giá sẽ đảo chiều hoặc di chuyển chậm lại trước khi tiếp tục xu hướng và hành vi đấy có khả năng sẽ lặp lại trong tương lai. Trong đó:

  • Kháng cự (Resistance) là vùng cao nhất mà giá đi lên sau đó điều chỉnh giảm trở lại.
  • Hỗ trợ (Support) là vùng thấp nhất mà giá đi xuống trước khi bắt đầu tăng trở lại. 

khang cu va ho tro

 

Ngưỡng hỗ trợ và kháng cự cũng cho thấy mức độ tâm lý của các nhà giao dịch tham gia thị trường. 

  • Tại vùng kháng cự, các nhà đầu tư đang có tâm lý sợ hãi. Khi đã mua được ở vùng giá tốt, thị trường đi lên họ sẽ bán ra để chốt lời vì lo sợ giá sẽ giảm trở lại.
  • Tại các vùng hỗ trợ, nhà đầu tư đang có tâm lí tham lam và thói quen tiếc nuối quá khứ. Họ tiếc nuối vì trước đó không mua được ở vùng giá tốt, nên khi giá vừa quay trở lại họ sẽ ồ ạt mua vào với kỳ vọng giá sẽ tăng sau đó.

Hỗ trợ và kháng cự chính là vùng giao tranh lợi ích giữa bên mua (cầu) và bên bán (cung), phe nào mạnh hơn thì phe đó thắng. Có thể xem, kháng cự là vùng giá mà tại đó lực bán mạnh hơn, khiến giá giảm. Còn hỗ trợ là vùng giá mà áp lực mua chiếm ưu thế hơn so với áp lực bán, khiến giá tăng.

Thị trường càng biến động mạnh thì càng có nhiều mức kháng cự, hỗ trợ được tạo ra. Và kháng cự có thể biến thành hỗ trợ bất cứ lúc nào và ngược lại. Đây chính là công cụ phân tích kỹ thuật quan trọng mà trader cần phải nắm rõ, bởi khi xác định được ngưỡng hỗ trợ và kháng cự, bạn sẽ tìm được điểm vào lệnh chính xác.

Cách xác định ngưỡng hỗ trợ kháng cự

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp giúp trader tìm ra các vùng hỗ trợ và kháng cự tiềm năng. Mỗi công cụ sẽ có cách xác định khác nhau. Sau đây Coin568 sẽ hướng dẫn các bạn một số cách xác định đường kháng cự hỗ trợ điển hình.

1. Xác định hỗ trợ kháng cự bằng Fibonacci thoái lui

Fibonacci thoái lui được xây dựng trên tỷ lệ vàng và các ngưỡng của sóng tăng/giảm trước đó là 38.2%, 61.8%, 261.8%… Mặc dù không phải tất cả các mức Fibonacci đều diễn ra đảo chiều, tuy nhiên rất nhiều trường hợp tại các mức Fibo trên đều diễn ra hiện tượng đảo chiều. Do đó, Fibonacci sẽ trở thành các mức kháng cự và hỗ trợ tương đối mạnh.

xac dinh ho tro khang cu dua vao fibonacci thoai lui

  • Bước 1: Xác định khung thời gian cần phân tích. Tùy theo từng phong cách giao dịch, trader sẽ chọn khung thời gian phân tích phù hợp. 
  • Bước 2: Xác định mức giá cao nhất và mức giá thấp nhất trên khung thời gian phân tích
  • Bước 3: Kéo từ trên xuống dưới với xu hướng giảm và kéo từ dưới lên trên đối với xu hướng tăng.
  • Bước 4: Đánh dấu vùng hỗ trợ kháng cự qua những tỷ lệ quan trọng của Fibo.

Ví dụ: XRP/USDT đang trong xu hướng giảm với mức giá cao nhất là 500, mức giá thấp nhất là 150. Sử dụng Fibonacci Retracement sẽ lần lượt xác định được hỗ trợ kháng cự tương ứng như sau:

  • Hỗ trợ : 0 – 0.236 – 0.5 – 0.618
  • Kháng cự: 0.382 – 0.786 – 1

2. Nối các đỉnh và đáy trước đó

Như chúng ta đã biết, kháng cự và hỗ trợ chính là các vùng giá trong quá khứ mà tại đó giá sẽ đảo chiều và hành vi đó có khả năng lặp lại trong tương lai. Do đó, đáy trong quá khứ được sử dụng làm ngưỡng hỗ trợ, còn đỉnh trong quá khứ được sử dụng làm ngưỡng kháng cự. 

cach xac dinh ho tro khang cu

Với cách xác định mức hỗ trợ kháng cự này, trader chỉ cần nối các đỉnh và các đáy trước đó lại với nhau. Trong đó:

  • Hỗ trợ: Đường nối lại các đáy lại với nhau.
  • Kháng cự: Đường nối các đỉnh lại với nhau.

3. Dựa vào đường trendline

Một đường xu hướng (Trendline) được xác nhận khi có ít nhất 2 đáy và 2 đỉnh chạm đường này và đảo chiều. Và khi xu hướng đã được xác nhận, đường Trendline thường sẽ trở thành đường hỗ trợ (đối với xu hướng tăng) hoặc đường kháng cự (đối với xu hướng giảm). Vì vậy, chúng ta có thể xác định các đường hỗ trợ và kháng cự dựa vào đường Trendline.

Để xác định trader thực hiện như sau:

Trong xu hướng tăng: Đường Trendline là đường nối các đáy lại với nhau.

  • Hỗ trợ: Các đáy tiếp xúc hoặc tiến gần tới đường xu hướng.
  • Kháng cự: Được hình thành khi giá bắt đầu giảm và chạm vào đường xu hướng.

xac dinh muc ho tro va khang cu

Trong xu hướng giảm: Đường Trendline chính là đường nối các đỉnh lại với nhau.

  • Kháng cự: Các đỉnh chạm hoặc tiến gần tới đường xu hướng.
  • Hỗ trợ: Các đáy bật từ trendline xuống.

4. Dựa vào đường trung bình động (MA)

Đường MA là công cụ khá linh hoạt trên các khung thời gian. Bên cạnh đó, chỉ báo này còn giúp trader xác định kháng cự và hỗ trợ rất hiệu quả. 

  • Khi xu hướng tăng thì đáy sẽ chạm vào đường MA và đây chính là mức hỗ trợ.
  • Đối với xu hướng giảm các đỉnh sẽ chạm MA và đây chính là mức kháng cự

Cách giao dịch với hỗ trợ và kháng cự

Thông thường tại các vùng hỗ trợ kháng cự, giá có khả năng sẽ đảo chiều nên trader có thể tận dụng điều này để vào lệnh với giá tốt nhất. Dưới đây là một số cách giao dịch phổ biến với hỗ trợ và kháng cự. 

1. Đặt lệnh ngay tại vùng hỗ trợ kháng cự

  • Đặt lệnh ngay Sell ngay tại đường kháng cự và lệnh Buy tại mức hỗ trợ 
  • Điểm cắt lỗ (stop loss): Bên trên đường kháng cự với lệnh Sell và bên dưới đường hỗ trợ với lệnh Buy.
  • Điểm chốt lời (take profit): Có thể dựa vào tỷ lệ Fibonacci Extensions từ 61.8% -168%, hoặc dựa vào tỷ lệ Risk: Reward thích hợp.

Ví dụ: Đồng coin BNB/PERP trên khung thời gian H1 đang có xu hướng tăng. 

Trong xu hướng tăng, trader chọn cách giao dịch thuận xu hướng, tìm kiếm các lệnh Buy. Điểm vào tại các vùng hỗ trợ. Trên biểu đồ trader sẽ có cơ hội vào từ 2-4 lệnh thuận theo xu hướng

cach giao dich voi ho tro va khang cu

– Tại vùng hỗ trợ 1:

  • Điểm vào lệnh: Tại mức giá xung quanh 450 
  • Điểm chốt lời: Fibonacci Extension 100% (507)-168% (520) hoặc bên trên đỉnh cũ 497. Đây là điểm đẹp có thể gồng lãi hoặc dịch stop loss theo xu hướng với những giao dịch dài hạn.
  • Điểm cắt lỗ: Thông thường với các vùng hỗ trợ có dao động giá nhỏ sẽ đặt dưới vùng này. Tuy nhiên ở trường hợp này, râu nến rút lên khá dài nếu đặt quá xa thì lệnh lại trở nên rủi ro. SL chỉ nên đặt chênh vài pip.

– Tại vùng hỗ trợ 2:

Khi giá quay lại retest 3 lần nhưng không phá vỡ được vùng hỗ trợ. Đây là điểm vào lệnh tương đối an toàn.

  • Điểm vào lệnh: Tại mức giá xung quanh 510-515 trong vùng hỗ trợ
  • Điểm cắt lỗ: bên dưới vùng hỗ trợ 5-10 pips tại 505.
  • Điểm chốt lời:  Mức chốt lời tại 552 – 565 theo các mức tỷ lệ đẹp của Fibonacci mở rộng.

Tương tự tại các vùng hỗ trợ 3, 4 hoặc những vùng hỗ trợ khác. Nếu xu hướng chính vẫn là xu hướng tăng và chưa có dấu hiệu đảo chiều, thì mỗi một lần giá hồi về hình thành đáy hỗ trợ là cơ hội cho trader mua vào.

2. Chờ tín hiệu đảo chiều tại hỗ trợ kháng cự

Trong phân tích kỹ thuật, có rất nhiều công cụ nhận diện các dấu hiệu đảo chiều như: chỉ báo RSI, MACD… Tuy nhiên, sử dụng tín hiệu đảo chiều tại các vùng kháng cự/hỗ trợ sẽ có xác suất thành công cao hơn.

vi du

Có rất nhiều mô hình nến đảo chiều như sao hôm, sao mai, nến doji, nhấn chìm… Nhà đầu tư có thể nhận diện để tìm điểm vào lệnh. Cụ thể

  • Điểm vào lệnh: tại vùng kháng cự – hỗ trợ xuất hiện nến tín hiệu.
  • Điểm cắt lỗ: bên dưới vùng hỗ trợ đối với lệnh Buy và bên trên vùng kháng cự với lệnh Sell.
  • Điểm chốt lời: Tùy thuộc vào độ mạnh/yếu của đoạn xu hướng cũng như tỷ lệ R: R để chọn điểm chốt lời hợp lý.

3. Đặt lệnh ngay khi hỗ trợ kháng cự bị phá vỡ và quay lại retest

Đây cũng là một cách giao dịch khá hay nếu trader bị bỏ lỡ các mức hỗ trợ, kháng cự. Cụ thể trader sẽ vào lệnh như sau:

– Kháng cự bị phá vỡ và quay lại retest

Khi giá phá vỡ đường kháng cự sẽ tạo nên đỉnh/đáy mới cao hơn trước đó. Đây sẽ là cơ hội vào lệnh Buy thuận theo xu hướng tăng.

  • Vào lệnh: Vào lệnh Buy sau khi giá chạm vào vùng kháng cự.
  • Điểm cắt lỗ: Bên dưới điểm vào lệnh từ 15-20 pips.
  • Điểm chốt lời: Fibonacci Extension 61.8%-168% hoặc tuân theo tỷ lệ R: R.

giao dich voi duong ho tro khang cu

Ví dụ: BNB vẫn trong xu hướng tăng, giá phá vỡ vùng kháng cự cũ tại vùng 535 sau đó quay lại retest 3 lần sau đó mới tiếp tục tăng. Trader có đến 3 lần có thể thực hiện lệnh Buy thuận xu hướng.

  • Điểm vào lệnh: tại vùng kháng cự đang retest: 535-539
  • Điểm cắt lỗ: 525 – 530
  • Điểm chốt lời: Fibonacci Extension 76.8% (563)-168% (590).

– Hỗ trợ bị phá vỡ và quay lại retest

Khi hỗ trợ bị phá vỡ thì nó sẽ tạo thành kháng cự mới. Đợi khi giá quay lại retest thì trader có thể tiến hành vào lệnh như sau:

  • Điểm vào lệnh: tại điểm giá hồi lại.
  • Điểm cắt lỗ: bên trên vùng kháng cự mới 5-10 pips
  • Điểm chốt lời: theo Fibonacci Extension tại các mức tiềm năng 61.8%-168%.

huong dan vao lenh voi ho tro va khang cu

Ví dụ : BNB/USDT có giá đang trong xu hướng tăng nhưng khi đến mức kháng cự thì quay đầu phá vỡ mức hỗ trợ tại vùng giá $630, sau đó quay lại retest 5 mới tiếp tục đi xuống. Trong trường hợp này trader sẽ vào lệnh như sau:

  • Điểm vào lệnh:  Vào lệnh Sell tại mức hỗ trợ (cũ): 627-631
  • Điểm cắt lỗ: Cách hỗ trợ cũ vài pip là 633 – 635
  • Điểm chốt lời: Fibonacci mở rộng 61.8% ($601)-168% ($574).

Lưu ý về hỗ trợ và kháng cự

Kháng cự và hỗ trợ mang đến cho nhà đầu tư nhiều cơ hội giao dịch với xác suất thành công cao. Tuy nhiên, để tránh mắc sai lầm khi giao dịch trader cần phải lưu ý một số nguyên tắc như sau:

  • Kháng cự/hỗ trợ mạnh (khi giá retest lại nhiều lần) được coi là thành trì tương đối mạnh khó phá vỡ. Nhưng một khi đã phá vỡ thì xu hướng giá mới sẽ diễn ra khá mạnh mẽ. 
  • Thận trọng với trường hợp break-out giả, bởi đây có thể chỉ là sự đánh lừa của thị trường. Rất nhiều trường hợp ngay sau khi phá vỡ giả xuất hiện, giá lập tức đảo chiều để duy trì xu hướng cũ. Nếu không tỉnh táo nhận ra sự bất thường này trader sẽ vào lệnh sai, dẫn đến cháy tài khoản.

Kết luận

Bài viết trên chúng tôi đã chia sẻ chi tiết về vùng tranh chấp giá – kháng cự và hỗ trợ. Mong rằng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ kháng cự hỗ trợ là gì, biết cách xác định và giao dịch với các vùng hỗ trợ kháng cự này để mang lại thành công cho mình.