Lý thuyết Dow là gì? Giả định & Nguyên lý của lý thuyết Dow

Bởi: Hidayat Hafied - Đăng ngày: 14/12/2021 - Cập Nhật: 18/05/2022

Lý thuyết Dow được coi là nền tảng của phương pháp phân tích kỹ thuật. Ra đời hơn 100 năm, đến nay lý thuyết Dow vẫn được ứng dụng rộng rãi trong thị trường chứng khoán, forex và tiền điện tử. Vậy cụ thể, lý thuyết Dow là gì? Hãy cùng Coin568 tìm hiểu 6 nguyên lý cơ bản của lý thuyết Dow và ứng dụng của nó trong thực tế nhé.

Lý thuyết Dow là gì?

Lý thuyết Dow là cơ sở để nghiên cứu và phân tích kỹ thuật dựa trên các bài viết của Charles H. Dow về lý thuyết thị trường. Ông cho rằng thị trường chứng khoán chính là thước đo đáng tin cậy cho điều kiện tổng thể của một nền kinh tế.

Bằng cách phân tích tổng thể, nhà đầu tư có thể xác định xu hướng chính của thị trường và dự đoán xu hướng của từng cổ phiếu riêng lẻ. Lý thuyết của ông chủ yếu dựa vào chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số vận tải Dow Jones.

ly thuyet dow

Lý thuyết Dow là gì?

Lý thuyết Dow giải thích biến động xảy ra trên thị trường nói chung hay sự tăng giảm của một loại tài sản nào đó. Khi thị trường tăng hoặc giảm, thì đa số giá của các loại tài sản sẽ giao động theo hoặc ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi xu hướng của thị trường.

Ngày nay, hầu hết các phương pháp phân tích kỹ thuật và các chỉ báo đều được xây dựng dựa trên các nguyên lý cở bản của lý thuyết Dow. Các khái niệm về xu hướng tăng, xu hướng giảm, mức hỗ trợ & kháng cự cũng bắt nguồn từ lý thuyết này. Chỉ có chỉ báo Ichimoku của người Nhật là không tuân theo lý thuyết Dow.

>> Xem thêm: Nến nhật là gì? Các mô hình nến Nhật phổ biến

Lịch sử hình thành lý thuyết Dow

Lý thuyết Dow được phát triển bởi 5 nhà nghiên cứu đó là: Charles H. Dow, William P. Hamilton, Robert Rhea, E. George Schaefer và Richard Russell. 

  • Charles H. Dow

Cha đẻ của lý thuyết Dow là ông Charles H. Dow – Ông là người sáng lập & biên tập viên của Tạp chí Phố Wall và là nhà đồng sáng lập của Dow Jones & Company. Dow cũng từng là thành viên của sở giao dịch chứng khoán New York.

Ban đầu, lý thuyết Dow được ông viết dưới dạng các bài xã luận phân tích kỹ thuật tài chính trên tạp chí phố Wall. Bài viết của ông được nhiều người quan tâm và mong muốn ông xuất bản một cuốn sách để giải thích các nguyên lý mà ông sử dụng phân tích, tuy nhiên ông đã từ chối.

lich su hinh thanh ly thuyet dow

  • William P. Hamilton

Năm 1902, Charles H. Dow đột ngột qua đời và toàn bộ tài liệu của lý thuyết này vẫn còn dang dở. Lúc này, một người cộng sự của Dow có tên là William P. Hamilton đã thay thế ông đảm nhiệm chức vụ biên tập cho Wall Street Journal và tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện lý thuyết Dow để không bỏ phí công sức của ông. Hamilton đã xuất bản cuốn sách “The Stock Market Barometer” năm 1922 và đến năm 1930 ông mất.

  •  Robert Rhea

Thế hệ kế tiếp của lý thuyết Dow là Rhea – học trò của Hamilton. Sau khi Hamilton mất, Rhea tiếp tục hệ thống hóa lý thuyết Dow và hoàn thiện những nghiên cứu dở dang của ông. Bằng khả năng kỳ lạ trong việc xác định đường trung bình, Rhea được coi là nhà giao dịch vĩ đại nhất trong thời đại bấy giờ. Ông đã mở ra dịch vụ” bình luận lý thuyết Dow” và những phân tích của ông đã tạo nên tiếng vang trên phố Wall trong thời kỳ suy thoái lớn nhất lịch sử nước Mỹ 1937. Tuy nhiên, đến năm 1939 Rhea qua đời sau 7 năm chống đỡ với bệnh lao.

  • George Schaefer và Richard Russell’s

Sau đó lý thuyết Dow tiếp tục nghiên cứu và hoàn thành bởi George Schaefer và Richard qua các tác phẩm mang tên”The Dow Theory Today” (1961).

Trải qua quá trình nghiên cứu của 5 con người vĩ đại, lý thuyết Dow chính thức được công bố và ứng dụng đến tận ngày nay. Lý thuyết Dow không chỉ được ứng dụng rộng rãi trong thị trường chứng khoán, mà nó còn được ứng dụng trong thị trường crypto, forex…

3 giả định về lý thuyết Dow

Phù thủy trading Peter Brant từng nói “Giá trị duy nhất của phân tích kỹ thuật là để quản lý rủi ro và quản lý giao dịch”. Phân tích kỹ thuật nói chung đều mang tính chủ quan và lý thuyết Dow cũng là lý thuyết mang tính phân tích chủ quan của tác giả. Vì vậy, khi áp dụng lý thuyết Dow chúng ta cần chấp nhận ba giả định dưới đây.

  • Không ai có thể thao túng thị trường

Giả thiết đầu tiên mà lý thuyết Dow đưa ra chính là việc thao túng giá thị trường là không thể. Hamilton không phản đối khả năng “cá mập” có thể thao túng giá trên thị trường. Bởi theo ông, sự thao túng giá của cá mập chỉ có thể diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn, từ vài giờ cho đến vài tuần, sau đó giá sẽ quay trở về xu hướng chính vốn có của nó.

Ông đã chứng minh bằng ví dụ cổ phiếu PairGain, Book- A-Million và giá bạc năm 1979-1980. Ban đầu giá đều tăng mạnh khi có tin được tung ra, nhưng chỉ tối đa sau vài tuần, khi âm mưu thao túng bị bại lộ, giá lập tức quay trở lại xu hướng ban đầu.

Trong thị trường tiền điện tử, Bitcoin chính là minh chứng cho việc thao túng này. Vào tháng 2 Tập đoàn Tesla của tỷ phú Elon Musk, thông báo trên Twitter sẽ dùng 1,5 tỷ USD để mua Bitcoin và sẽ không bán. Bên cạnh đó, cho phép khách hàng sử dụng Bitcoin để thanh toán. Ngay lập tức, giá BTC tăng vọt chạm ngưỡng cao kỷ lục 66,000 USD.

Tuy nhiên, đến tháng 5, tỷ phú này lại tuyên bố ngừng thanh toán bằng BTC, khiến cho đồng coin này rớt giá về mức thấp kỷ lục 30,000 USD. Sau khi chịu các cú sốc tin tức đó, giá Bitcoin vẫn tiếp tục quay trở lại đà tăng của mình.

  • Giá phản ảnh tất cả

Giả thiết thứ hai là tất cả các thông tin có sẵn trên thị trường đều phản ánh vào giá. Tất cả các cảm xúc của con người từ hy vọng, sợ hãi, do dự đến các thông tin biến động lãi suất, dự báo doanh thu, sáng kiến, bầu cử, … đều sẽ được phản ánh vào giá trên thị trường. Tuy nhiên, những thông tin này chỉ ảnh hưởng ngắn hạn và sẽ không ảnh hưởng đến xu hướng chính. 

gia dinh cua ly thuyet dow

Hamilton cũng lưu ý rằng, đôi khi thị trường sẽ phản ứng tiêu cực với tin tốt. Điều này giải thích cho một tiêu đề nổi tiếng trên tạp chí Phố Wall “mua tin đồn, bán tin tức”. Lý do rất đơn giản là khi tin đồn xuất hiện, các nhà đầu tư đã mua vào và đẩy giá lên cao. Thời điểm tin tức chính thức được đưa ra, giá đã tăng đủ cao và họ bắt đầu chốt lời.

  •  Lý thuyết Dow không phải lúc nào cũng đúng

Không thể phủ nhận tính đúng đắn của lý thuyết Dow. Tuy nhiên, cả Dow và Hamilton đều thừa nhận rằng lý thuyết này không phải lúc nào cũng đúng. Mà nó chỉ là tập hợp các nguyên tắc hỗ trợ nhà giao dịch nghiên cứu thị trường theo cách của riêng họ và loại bỏ một số cảm xúc tiêu cực. Do đó, không nên quá phụ thuộc vào công cụ này và hãy đảm bảo rằng bạn đang phân tích thị trường một cách khách quan và nhìn thấy những gì đang diễn ra, chứ không phải những gì bạn muốn thấy.

Kết quả của việc phân tích lệch lạc đều phải trả giá đắt. Nói lý thuyết Dow không phải chén thánh có nghĩa lý thuyết này sẽ bị áp dụng sai khi nhà phân tích bị chi phối quá nhiều bởi sự chủ quan trong đánh giá. Cùng với một lý thuyết nhưng người này áp dụng thành công, người kia lại triển khai thất bại chính là vậy. Lý thuyết Dow tỏ ra rất hiệu quả khi hỗ trợ nhà đầu tư xác định xu hướng chính. Nhưng nếu áp dụng Dow vào các xu hướng ngắn hạn, kết quả phân tích có nguy cơ bị lệch lạc, không chuẩn xác.

6 nguyên lý của lý thuyết Dow

Lý thuyết Dow được bao gồm sáu nguyên tắc và tất cả phân tích kỹ thuật sau này đều tuân theo. Sau đây là 6 nguyên lý cơ bản của lý thuyết Dow mà nhà đầu tư cần nắm được.

Nguyên lý 1: Thị trường có xu hướng 3 chính

  • Xu hướng chính (Primary movement)

Xu hướng này thường kéo dài từ một năm đến vài năm. Không ai có thể dự đoán chính xác hướng chính và nó cũng không thể bị thao túng bởi những tổ chức lớn. 

Ngoài ra, không ai có thể đoán biết xu hướng chính sẽ kết thúc ở đâu và khi nào. Do đó, việc vận dụng lý thuyết Dow chỉ để giúp nhà đầu tư theo dõi động thái của xu hướng chính để có quyết định phù hợp chứ không thể đoán biết khi nào nên đóng lệnh.

nguyen ly cua ly thuyet dow

  • Xu hướng phụ (Medium swing)

Xu hướng phụ thường chuyển động ngược lại xu hướng chính. Theo đó, nếu thị trường đang tăng giá ở xu hướng chính, thì xu hướng phụ sẽ là sự giảm điều chỉnh và ngược lại. Xu hướng này có thời gian ngắn hơn xu hướng lớn trung bình, kéo dài từ 1 đến 3 tháng và thường hồi lại 1/3 => 2/3 so với độ dài của xu hướng lớn.

Sự xuất hiện của xu hướng phụ là hiện tượng cần thiết để chống lại các hành động đầu cơ quá mức và tiếp thêm năng lượng để duy trì xu hướng chính. Tuy nhiên, đây là xu hướng của sự phức tạp và trá hình. Xu hướng phụ thường chạy trước xu hướng chính dẫn đến nhiều nhà đầu tư đánh giá sai điểm đảo chiều. Giao dịch trên xu hướng này đòi hỏi trader cần có sự nghiên cứu và phân tích cẩn thận.

  • Xu hướng nhỏ (Minor movements)

Đây là xu hướng nhỏ nhất và cũng có nhiều cạm bẫy nhất. Xu hướng này thường kéo dài từ 1h đến dưới 1 tháng. Việc quá chú trọng và cuốn theo chuyển động giá ở khung thời gian ngắn khiến trader dễ bị “cá mập” giăng bẫy. 

Việc theo dõi những chuyển động giá ở khung thời gian nhỏ là cần thiết, tuy nhiên cần phải gộp những xu hướng nhỏ lại để có cái nhìn chính xác hơn về xu hướng của thị trường. Xu hướng nhỏ có thể chuyển động cùng chiều hoặc ngược chiều so với xu hướng lớn.

Nguyên lý 2: Mỗi xu hướng sẽ có 3 giai đoạn chính

Lý thuyết Dow cho rằng mỗi một xu hướng chính sẽ có 3 giai đoạn. Chẳng hạn trong xu hướng tăng giá nó sẽ bao gồm các giai đoạn là:

  • Giai đoạn tích lũy

 Đây là giai đoạn đầu tiên báo hiệu chuẩn bị bắt đầu một xu hướng mới. Giai đoạn này thị trường di chuyển chậm, gần với mức tối thiểu hoặc chuyển động ngang, xu hướng không rõ ràng. Khi này, thường có rất ít thông tin nên nhà đầu tư sẽ sợ hãi mà chọn đứng ngoài quan sát thị trường. Trong khi đó, những tổ chức lớn đang âm thầm mua vào.

  • Giai đoạn bùng nổ

Ở giai đoạn này, xu hướng mới đã được hình thành rõ ràng. Đây là thời khắc mà gần như tất cả những người tham gia thị trường đều bắt đầu nhận ra những chuyển động đi lên của giá và bắt đầu giao dịch thuận xu hướng vào với tâm trạng chung là lạc quan.

  • Giai đoạn quá độ

Khi sức quá nóng bùng nổ quá mức thì cũng là lúc giai quá độ của xu hướng bắt đầu. Các phương tiện đại chúng đưa thông tin về sức tăng ngày một nóng của thị trường. Nhiều nhà đầu tư sẽ không chờ đợi được nữa và nhảy vào thị trường. Sự lạc quan ở giai đoạn trước sẽ trở thành hưng phấn ở giai đoạn này. Trong khi đó, những tổ chức lớn – những dòng smart money đã mua vào ở giai đoạn thị trường tích lũy bắt đầu quá trình phân phối (bán ra) cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ để kiếm lợi nhuận.

nguyen ly ly thuyet dow

Ngược lại, thị trường giảm cũng chia thành 3 giai đoạn là giai đoạn phân phối, giai đoạn bùng nổ, giai đoạn tuyệt vọng. Xu hướng sẽ bắt đầu từ việc nhà đầu tư đã nhận ra dấu hiệu đi xuống sẽ bắt đầu phân phối tài sản. Tiếp theo, nhiều tin xấu được tung ra khiến nhà đầu tư rơi vào trạng thái hoang mang và bán tháo tài sản liên tục. Trong giai đoạn thứ ba, thị trường khá xám xịt, nhà đầu tư hoảng loạn, muốn bán tài sản càng sớm càng tốt. Những nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể thấy sự thay đổi sắp tới sẽ bắt đầu tích lũy trở lại, tận dụng để vào lệnh mua.

Nguyên lý 3: Thị trường quyết định mọi thứ

Theo lý thuyết Dow, tất cả các thông tin từ quá khứ, hiện tại cho đến tương lai đều ảnh hưởng đến thị trường, được phản ánh qua giá cổ phiếu và các chỉ số liên quan. Những thông tin đó bao gồm: lãi suất, lạm phát, thu nhập… cho đến cảm xúc của nhà đầu tư.

Nguyên lý 4: Các xu hướng xác định bởi khối lượng giao dịch

Nguyên tắc quan trọng tiếp theo của Lý thuyết Dow liên quan đến Volume. Cụ thể: Trong một xu hướng, khối lượng giao dịch phải tăng theo những sóng đẩy (theo hướng của trend) và giảm trong giai đoạn điều chỉnh (ngược trend).

Nguyên lý 5: Các chỉ số bình quân phải xác nhận lẫn nhau

Theo lý thuyết Dow, thị trường chỉ đi đúng hướng nếu có sự xác nhận của 2 chỉ số. Tại thời điểm Dow được nghiên cứu thì 2 chỉ số được nhắc đến là Chỉ số Vận tải và Trung bình Công nghiệp. Theo đó, nếu một thị trường tăng thì thị trường kia cũng phải tăng.

Ngày nay, chỉ số này không còn phù hợp trong phân tích hàng hóa. Nhưng khi áp dụng vào phân tích kỹ thuật với các chỉ báo vẫn khá chính xác. Theo đó, nếu muốn xác định sự đảo chiều phải có sự xác nhận của cả 2 chỉ báo.

Nguyên lý 6: Các xu hướng tồn tại đến khi có những tín hiệu cho thấy chúng đã kết thúc

Dow tin rằng nếu thị trường đang có xu hướng đi lên hoặc đi xuống, nó sẽ tiếp tục xu hướng đó cho đến khi xuất hiện tín hiệu cho thấy thị trường đảo ngược. Do đó, nhà đầu tư cần phải đợi đến khi thị trường có tín hiệu chắc chắn sự đảo ngược mới tham gia vào giao dịch. Tuyệt đối không được vội vàng mà nhận lấy trái đắng.

Hạn chế của lý thuyết Dow

Mặc dù lý thuyết Dow là nền tảng của phân tích kỹ thuật, nhưng nó vẫn tổn tại nhiều hạn chế. Do đó, để sử dụng hiệu quả nhà đầu tư cần nắm được những hạn chế của lý thuyết này.

  • Lý thuyết Dow có độ trễ 

Trong nhiều trường hợp giá biến động nhanh và mạnh có thể sẽ không đầy đủ 3 giai đoạn như lý thuyết Dow. Ví dụ, thị trường biến động mạnh như Cryptocurrency, có thể một chu kì sẽ không còn đầy đủ ba giai đoạn nữa. Giá có thể đi lên dựng đứng bằng một vài nến lớn rồi cũng rơi xuống bằng vài cây nến đỏ như vậy. Nếu theo lý thuyết Dow cân chờ giai đoạn tích lũy hoặc phân phối để vào lệnh thì đã bị trễ.

  • Điểm vào lệnh không rõ ràng

Lý thuyết Dow có thể xác định xu hướng qua hành động giá và dự đoán được khả năng đảo chiều hay hành động giá tiếp theo . Nhưng, lý thuyết Dow không hề hướng dẫn để tìm được điểm vào lệnh cụ thể rõ ràng. 

Dù nhận định đúng xu hướng nhưng không tìm được điểm vào lệnh tốt thì cũng không có khả năng chiến thắng cao trên thị trường.

  • Lý thuyết Dow không phải lúc nào cũng đúng​

Điều này là hoàn toàn chính xác ngay cả tác giả của lý thuyết cũng thừa nhận. Việc vận dụng những nguyên tắc và lý thuyết của Dow sẽ không đảm bảo trade đánh bại lại thị tường.

Bản thân phân tích kỹ thuật để thành công trên thị trường đã chỉ mang tính xác suất. Vì vậy, việc sử dụng duy nhất 1 loại lý thuyết Dow trong phân tích sẽ khiến trader đánh giá và nhìn nhận thị trường rất phiến diện theo ý kiến cá nhân. Hơn nữa, các xu hướng trong lý thuyết Dow cũng khá mơ hồ để có thể xác định chính xác, nên dẫn đến những lệnh sai là điều thường xuyên trader gặp.

  • Khó ứng dụng với khung thời gian nhỏ

Lý thuyết Dow vận dụng để phân tích trên khung thời gian lớn thường mang lại xác suất thành công cao hơn các khung thời gian nhỏ. Bởi khung thời gian nhỏ dễ bị cá mập thao túng nên không thỏa những giả định của lý thuyết Dow.

Mối quan hệ giữa lý thuyết Dow và sóng Elliott

Lý thuyết sóng Elliott và lý thuyết Dow là hai nền tảng được rất nhiều trader sử dụng để xác định xu hướng thị trường và tìm kiếm cơ hội giao dịch. Lý thuyết Dow là cơ sở để hình thành các chỉ báo phân tích kỹ thuật như: MACD, RSI, đường MA, đường xu hướng… Lý thuyết sóng Elliott cũng được lấy cảm hứng từ lý thuyết Dow. 

Cả 2 lý thuyết này đều giải thích xu hướng đang diễn ra trên thị trường. Tuy nhiên, sóng Elliott thông qua theo dõi hành động giá đã bổ sung thêm các đợt điều chỉnh của xu hướng lớn. Elliott đã tách tất cả các sóng ở các mức độ khác nhau thành sóng đẩy và sóng điều chỉnh. Trong đó mỗi con sóng đẩy lớn lại bao gồm các sóng nhỏ hơn.

ly thuyet dow va song elliott

Mặc dù, cấu trúc của sóng Elliott sẽ phần trừu tượng và phức tạp hơn, nhưng do được linh hoạt lặp lại trên các khung thời gian và không bị giới hạn bởi xu hướng lớn hoặc xu hướng nhỏ, sẽ giúp trader nhận định và đánh giá xu hướng chính xác hơn. 

Sự phát triển bổ sung của sóng Elliott giúp hoàn thiện lý Dow. Bên cạnh đó, việc sổ dụng kết hợp này giúp trader phân tích dễ dàng và linh hoạt hơn. 

Kết luận 

Trên đây là bài viết chia sẻ cụ thể các thông tin về lý thuyết Dow – nguyên lý nền tảng trong phân tích kỹ thuật. Mong rằng đã giúp các nhà đầu tư hiểu lý thuyết Dow là gì cũng như những nội dung và hạn chế của lý thuyết này. Lý thuyết Dow là công cụ rất hữu ích trong phân tích đầu tư, tuy nhiên trader cần hiểu kỹ để linh hoạt áp dụng trong giao dịch.